Thứ Sáu, 20/9/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 3/3/2017 16:19'(GMT+7)

WHO: Dịch cúm A/H7N9 có xu hướng giảm nhưng vẫn cần lưu ý

Ông Kato Masaya, Trưởng nhóm về phòng bệnh truyền nhiễm của WHO tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Ông Kato Masaya, Trưởng nhóm về phòng bệnh truyền nhiễm của WHO tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Để người dân hiểu hơn về diễn tiến của dịch, cũng như biết cách phòng chống bệnh do virus cúm A/H7N9, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Kato Masaya, Trưởng nhóm về phòng bệnh truyền nhiễm của WHO tại Việt Nam.

Dịch cúm A/H7N9 thời điểm này ở Trung Quốc có đáng lo ngại không, thưa ông?

Ông Kato Masaya: Từ tháng 10/2016 đến tháng 2/2017, Trung Quốc đã báo cáo có 460 người nhiễm virus cúm A/H7N9 trên người. Đợt dịch lần này phạm vi rộng hơn so các lần trước. Tuy nhiên, về phân tích dịch tễ học phân bố độ tuổi, giới tính, tiền sử có tiếp xúc với gia cầm… thì lại khá tương đồng với các đợt dịch trước đó. Đặc biệt, chưa có bằng chứng nào lây truyền từ người sang người bền vững, chính vì vậy, WHO đánh giá nguy cơ không có gì thay đổi so với các đợt dịch trước.

Mới đây, WHO có thông báo về việc biến chủng gene của virus ở gia cầm từ độc lực thấp sang độc lực cao. Vậy, điều này có nguy cơ gì đối với con người, thưa ông?

Ông Kato Masaya: Tháng 2 vừa qua, WHO có thông báo về sự biến chủng gene của virus trên gia cầm, từ độc lực thấp sang độc lực cao, nhưng điều này chỉ xảy ra ở virus trên gia cầm, chứ không phải virus trên người, nên không ảnh hưởng đến người. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và theo dõi, cập nhật thông tin về biến chủng của virus.

Ông nhận định như thế nào về nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam?

Ông Kato Masaya: Trong đợt dịch thứ 5 này tại Trung Quốc có các trường hợp bệnh ở tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (giáp với biên giới của Việt Nam), nên nguy cơ virus H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, nhất là khi lượng gia cầm qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam rất nhiều và khó kiểm soát, lưu lượng người qua lại biên giới giữa hai nước cũng rất nhiều.

Tuy nhiên, diễn biến các ca bệnh trong đợt thứ 5 này tại Trung Quốc đang có chiều hướng đi xuống, đặc biệt thời điểm cuối tháng 2 vừa qua. Đỉnh điểm của vụ dịch đợt này là tháng 1 và hiện nay các ca đang giảm dần. Mặc dù bệnh đang giảm, nhưng Việt Nam vẫn phải theo dõi diễn biến bệnh tại Trung Quốc để chủ động đối phó, đồng thời phải tăng cường giám sát dịch bệnh ở cả trên người và gia cầm.

Gia cầm nhiễm virus cúm A/H7N9 không có biểu hiện lâm sàng để nhận biết, vậy ông có khuyến cáo như thế nào tới người dân?

Ông Kato Masaya: Virus cúm A/H7N9 hoàn toàn không có biểu hiện trên gia cầm, nên rất khó biết con gia cầm nào nhiễm virus để phòng tránh. Việc quan trọng nhất là người dân phải có kiến thức và có ý thức về phòng bệnh. Đó là hạn chế tối đa tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt là gia cầm có biểu hiện ốm, chết; phải thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh; vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng…

Đặc biệt, khi thấy có các triệu chứng như sốt, ho, đau ngực, khó thở, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm… thì phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc kịp thời.

Với những người phải tiếp xúc với gia cầm (như buôn bán, giết mổ) phải vệ sinh cá nhân thường xuyên như: Rửa tay bằng xà phòng, bảo hộ (bịt mặt), không giết mổ gia cầm ốm, chết…

Trân trọng cảm ơn ông!

Cúm A/H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 4/2013, sau đó một số quốc gia khác phát hiện là Malaysia (1 người) và Canada (2 người). Những người này đều phát hiện mắc bệnh sau khi từ Trung Quốc trở về.

Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã có 5 đợt bùng phát dịch với hơn 1.200 người mắc, trong đó có hơn 300 người tử vong. Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 5 (từ tháng 10/2016-2/2017 ghi nhận số mắc nhiều nhất, trên quy mô rộng và tỉ lệ tử vong cao./.

Theo chinhphu.vn 



 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất