Ông Azevedo hối thúc 159
nền kinh tế thành viên WTO phá thế bế tắc hiện nay của Vòng đàm phán Doha về
thương mại toàn cầu trước khi diễn ra Hội nghị bộ trưởng vào tháng 12 tới tại
Bali, Indonesia.
Theo ông, sự thành công của hội nghị này là cực kỳ có ý
nghĩa, trong bối cảnh hệ thống thương mại toàn cầu đang có vấn đề, bởi các nước
bất đồng trong nhiều năm về cách thức dỡ bỏ các rào cản thương mại.
Ông
cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới
nổi (G20) vừa diễn ra tại Nga, các nhà lãnh đạo tham dự đã bày tỏ sự ủng hộ đối
với nỗ lực đạt thỏa thuận ở Bali và giờ là lúc biến các cam kết thành hành động.
Ông cho rằng các quốc gia trên thế giới sẽ được hưởng lợi rất lớn từ một
thỏa thuận thương mại rộng lớn, với tổng kim ngạch thương mại toàn cầu có thể
tăng thêm vài trăm tỷ USD hoặc 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Người đứng đầu
tổ chức thương mại lớn nhất thế giới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của WTO
trong một nền kinh tế toàn cầu luôn biến đổi và cam kết thúc đẩy các cuộc đàm
phán đa phương về thương mại toàn cầu.
Nhận định về tình hình kinh tế
toàn cầu hiện nay, ông nói nhiều nền kinh tế vẫn đang nỗ lực phục hồi sau khủng
hoảng, trong khi các nền kinh tế khác tiếp tục nổi lên, hình thành nên các quan
hệ thương mại mới và làm thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu.
Ông cho
rằng trong bối cảnh đó, hệ thống thương mại đa phương càng trở nên cần thiết,
bởi là cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa bảo hộ và là động lực chính cho tăng
trưởng, hồi phục và phát triển của kinh tế thế giới.
Trong buổi họp báo
tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Azevedo cho biết WTO đã hạ mức dự báo tăng trưởng
thương mại toàn cầu năm nay và năm tới lần lượt xuống các mức 2,5% và 4,5%, so
với các con số ước tăng 3,3% và 5% đưa ra trước đó.
Theo ông Azevedo,
nguyên nhân chính khiến WTO hạ mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu là do
tình hình kinh tế yếu kém của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Các dự báo ban đầu được đưa ra trên cơ sở nhận định tăng trưởng kinh tế
trong EU sẽ được khôi phục nhanh hơn, song nền kinh tế khu vực mới chỉ đang khởi
động cho thời kỳ phục hồi trong quý 2, và quá trình phục hồi chỉ thể hiện rõ
trong quý 3 này.
Các nước thành viên WTO đã khởi động Vòng đàm phán Doha
tại hội nghị thượng đỉnh ở Qatar năm 2001, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận
về mở cửa thị trường và dỡ bỏ các rào cản thương mại và giúp các nước nghèo có
thể được hưởng lợi từ thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, không như những kỳ
vọng ban đầu, các cuộc đàm phán bị rơi vào bế tắc do tranh cãi về những gì được
và mất, đặc biệt là giữa Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Mỹ.
Trong bối cảnh đó,
nhiều nước đã dành ưu tiên hơn cho việc đàm phán các hiệp định song phương và
khu vực. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm xuất hiện trở lại những
kêu gọi về chủ nghĩa bảo hộ vốn đi ngược lại với mục tiêu về một sân chơi công
bằng mà WTO muốn hướng tới./.
Theo TTXVN