Thứ Ba, 5/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 19/12/2018 14:9'(GMT+7)

Xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật: Chủ trương đúng nhưng giải pháp còn bất cập ​

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Đây là nhận định được nêu lên tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”.

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng) tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng nhiều nhà nghiên cứu, quản lý, văn nghệ sĩ có tên tuổi trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG, PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH MỚI

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nêu rõ: Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa, từng bước tạo hành lang pháp lý để thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật. Việc ban hành chủ trương quan trọng này của Đảng đã đáp ứng được đòi hỏi khách quan của thực tiễn, từng bước vận động và tổ chức được sự tham gia rộng rãi của nhân dân, huy động được các nguồn lực xã hội, tạo đà cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật.

PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: HMT) 

“Có thể khẳng định, xã hội hóa đã thực sự trở thành một thành tố quan trọng của đời sống văn học, nghệ thuật Việt nam thời kỳ đổi mới”, PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

PGS. TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khái quát trong Báo cáo Đề dẫn: Ngay từ đầu những năm '90 của thế kỷ XX, chủ trương xã hội hóa đã được chỉ ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đó là cơ sở để đến năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/CP - được xem là dấu mốc quan trọng của tiến trình xã hội hóa. Như vậy, có thể nói chủ trương xã hội hóa được thai nghén và khai sinh ngay trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước.

PGS. TS. Phan Trọng Thưởng nhấn mạnh: Cũng như bất kỳ chủ trương, chính sách nào, khi mới ban hành cũng gây sự bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn trong quá trình đi vào cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh đất nước vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, tâm trạng còn phân vân, nhận thức về xã hội hóa còn chưa thông suốt. Ngay khái niệm xã hội hóa cũng gây không ít những ngộ nhận, hiểu lầm. Song, chính nhờ sự hào hứng và niềm tin vào sự nghiệp đổi mới mà chủ trương xã hội hóa đã từng bước thâm nhập được vào lĩnh vực vốn mang nặng tính chất sự nghiệp và đặc thù này.

Hầu hết các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo đều đồng tình với nhận định: Sau 21 năm vận hành (tính từ dấu mốc năm 1997), dưới tác động của chủ trương xã hội hóa, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã có những thay đổi khá toàn diện từ phương thức tổ chức hoạt động đến đầu tư, sáng tạo, thẩm định, đánh giá, phát hành và quảng bá sản phẩm.

Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm giải quyết ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, song, không thể phủ nhận được rằng quá trình xã hội hóa đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu như: kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo, huy động được các nguồn lực của toàn xã hội vào việc tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của nhân dân lao động và yêu cầu phát triển đất nước.

So với các thời kỳ trước, có thể xem đây là thời kỳ phát triển mới của văn hóa nghệ thuật với rất nhiều mô hình, phương thức hoạt động đa dạng, gánh nặng nhà nước được san sẻ, thu hút được mọi nguồn lực xã hội để phát triển v.v…

CÒN NHỮNG BẤT CẬP, HẠN CHẾ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được sau hơn 20 thực thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, quá xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật trong không ít chuyên ngành thuộc lĩnh vực này đã và đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, thậm chí là những hệ quả tiêu cực liên quan đến giải pháp và nhận thức chủ quan.

Thực tiễn sôi động, phong phú và không kém phần phức tạp của quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cho thấy có nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, bổ sung liên quan đến quá trình thực hiện xã hội hóa, trong đó có việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo nhận định: Chưa có một hoạt động tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm một cách kịp thời để tìm kiếm các bài học, các mô hình, xác định nguyên lý cho sự phát triển văn học, nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị cùng các Nghị quyết khác của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh đang triển khai thực hiện xã hội hóa.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: HMT) 

Phần lớn các tham luận Hội thảo đều khẳng định tính đúng đắn, phù hợp và xu thế tất yếu của chủ trương xã hội hóa. Nhưng quá trình đi vào cuộc sống còn vướng mắc và nảy sinh không ít vấn đề. Về nhận thức, còn nhiều cách hiểu, mỗi nơi mỗi lúc, mỗi hoàn cảnh, mỗi lĩnh vực một khác. Sau 21 năm thực hiện, cho đến nay, tình hình vẫn không khả quan hơn. Từ cách hiểu khác nhau dẫn đến những cách làm khác nhau. Do đó, cách nhìn nhận, đánh giá cũng còn nhiều khác biệt.

Nếu như về mặt khoa học, sự khác biệt là bình thường, thậm chí là cần thiết thì về chủ trương, chính sách không nên có nhận thức khác biệt vì như thế sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất, nảy sinh nhiều hệ lụy cần phải giải quyết, đặc biệt là khó đánh giá.

Bên cạnh đó, các ý kiến trao đổi và tham luận Hội thảo cũng cho rằng, mặc dù xã hội hóa đã đi được một chặng đường dài nhưng đến nay có thể nói là vẫn chưa đi hết lộ trình của nó và vẫn chưa đến đích. Quá trình triển khai thực hiện còn cho thấy nhiều lúng túng, bất cập, thiếu thống nhất, thể hiện ở một số khía cạnh như: Nhận thức mỗi nơi mỗi khác; cách làm, phương thức hoạt động còn mang tính tùy tiện; hệ thống thiết chế quản lý thiếu đồng bộ, cụ thể và chưa phù hợp; tiêu chí đánh giá, thẩm định nghệ thuật chưa có, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; vai trò của nhà nước và tư nhân chưa được xác định rõ ràng; thiếu sự định hướng của nhà nước.v.v..

Hệ quả là quá trình xã hội hóa chưa xác định được mô hình hợp lý để nhân rộng, phát triển. Không ít trường hợp bị đồng nhất với tư nhân hóa đơn thuần. Nhiều đơn vị xã hội hóa hoạt động được một thời gian rồi rơi vào bế tắc. Các hiện tượng tiêu cực như: thương mại hóa, nghiệp dư hóa… xuất hiện. Các giá trị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương và nhạc cổ truyền không có cơ hội để được đầu tư, dẫn đến nguy cơ mai một. Tình trạng thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao vẫn đang hiện hữu…

TÌM NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Những tác động của chủ trương xã hội hóa văn học, nghệ thuật cần phải được nhận diện, phân tích ở các cấp độ vĩ mô và vi mô; cần có sự nhìn nhận, đánh giá thỏa đáng đối với từng ngành nghệ thuật với đặc thù và khả năng thích ứng riêng, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành nghệ thuật truyền thống vốn không có nhiều thế mạnh cạnh tranh trong cơ chế thị trường...

“Tập trung phân tích thực tiễn, chỉ ra những mặt được và chưa được của chủ trương xã hội hóa văn học, nghệ thuật; lý giải các hiện tượng, các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn thực hiện chủ trương này, trên cơ sở đó tổng kết và đúc rút các bài học kinh nghiệm lý luận và thực tiễn”, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Thế Kỷ nêu.

Theo đó, Hội thảo đã phân tích và chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập, đó là: Ít nhiều vẫn còn tâm lý dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước; chủ trương chưa được thể chế hóa cụ thể, rõ ràng, chưa có chiến lược lâu dài và bước đi cụ thể; dường như Nhà nước có xu hướng thả nổi, để mặc tư nhân tự lo, tự xoay xở, tự tung tự tác; thực tiễn xã hội hóa phong phú, phức tạp nhưng chậm được tổng kết, đúc kết, đánh giá để rút kinh nghiệm và điều chỉnh; chưa đầu tư nghiên cứu thích đáng về mặt lý luận. Chưa tạo ra được các mô hình tiêu biểu để nhân rộng; chưa coi trọng việc tổ chức khảo sát, trao đổi, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, nhất là ở các nước có thành tựu về xã hội hóa trên lĩnh vực này...

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu. (Ảnh: HMT)

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, các ý kiến trao đổi, tham luận đều đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, thực hiện có kết quả chủ trương này. Trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính:

Một là, nhóm giải pháp tăng cường nhận thức lý luận nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động.

Hai là, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, trong đó chú trọng khâu thể chế hóa, làm rõ vai trò của từng chủ thể, khuyến khích đầu tư…

Ba là, nhóm giải pháp về hoạt động thực tiễn (xây dựng mô hình, tổ chức nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, tham khảo kinh nghiệm v.v…).

CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG TẦM QUAN TRỌNG CỦA VĂN HÓA

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định lại tính tất yếu, đúng đắn trong chủ trương xã hội hóa văn học, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh: Việc xã hội hóa không phải là Nhà nước buông lơi về lãnh đạo và đầu tư mà là nhằm huy động nguồn vốn của xã hội, tăng mức hưởng thụ của người dân.

Thừa nhận những bất cập, hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực, chuyên ngành văn học, nghệ thuật sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: Chúng ta đều nhận thấy, văn hóa là nền tảng tinh thần, nhưng có nhiều nơi, nhiều lúc bị sức ép kinh tế lấn át, quá trình thực hiện xã hội hóa vẫn còn nhiều bất cập như: các chính sách về ưu đãi đầu tư không được như mong muốn; sử dụng ngân sách Nhà nước khó khăn; khi làm nghị định, thông tư lại không chú ý đến tầm quan trọng của văn hóa tinh thần, dẫn đến vướng mắc khi triển khai thực hiện…

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: HMT) 

Phó Thủ tướng cho rằng: Xã hội hóa văn học, nghệ thuật về ngắn hạn thì thể không làm ra tiền, nhưng về lâu dài sẽ tạo ra được những giá trị bền vững, trong đó có nền tảng văn hóa, đồng thời hạn chế, khắc phục được tình trạng suy thoái đạo đức...

Phó Thủ tướng mong muốn, từ kết quả của Hội thảo, các cơ quan có trách nhiệm sẽ cùng với đội ngũ nghiên cứu, quản lý, văn nghệ sĩ tâm huyết của đất nước cùng nhau xây dựng được những luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm tư vấn giúp Đảng và Nhà nước về quan điểm, chính sách phát triển, có những quyết sách kịp thời để giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn văn học, nghệ thuật.

“Có nhiều vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều được, mà cần phải có quá trình và thời gian. Tuy nhiên, trên cơ sở chỉ rõ những hạn chế, bất cập, yếu kém, thông qua Hội thảo này, chúng ta sẽ đánh lên một tiếng chuông cảnh tỉnh về việc cần nhận thức đúng tầm quan trọng của Văn hóa trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước”, Phó Thủ tướng nói./.

Minh Thế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất