NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Bình Dương thời gian gần đây nổi lên như một thành phố mới với nhịp phát triển các hoạt đông công nghiệp vô cùng sôi động, cùng với đó các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) phục vụ đời sống xã hội cũng thu được những kết quả rất tích cực, trong những thành tựu ấy phải kể đến kết quả từ phong trào xã hội hóa TDTT tại Bình Dương.
Sau thành công tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 với 8 HCV, 12 HCB và 22 HCĐ xếp vị trí 21/65 tỉnh, thành, ngành tham dự, lãnh đạo UBND tỉnh và Ngành TDTT Bình Dương sớm xác định để phát huy thành tích này trong những năm tiếp theo, đặc biệt là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, ngoài việc dùng ngân sách của tỉnh đầu tư cho các hoạt động TDTT thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa TDTT tại tỉnh nhà. Từ đó, phát triển sâu rộng thể thao quần chúng làm nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 vừa qua, đoàn thể thao Bình Dương tham dự với 64 huấn luyện viên, săn sóc viên, kỹ thuật viên và 374 vận động viên, tham gia thi đấu 27/43 môn thể thao tại Đại hội.Kết quả đạt được 107 huy chương gồm 29 HCV, 22 HCB, 56 HCĐ, vượt xa chỉ tiêu đề ra, Bình Dương xếp hạng 8/65 đơn vị tỉnh, thành, ngành trên cả nước tham gia Đại hội, là 1 trong 10 đơn vị có thành tích tốt nhất cả nước, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ xuất sắc.
Từ chủ trương đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tích cực vận động các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, đơn vị sự nghiệp cùng tham gia. Cùng với sự chung tay của doanh nghiệp nhà nước và các công ty, doanh nghiệp, tư nhân,... Bình Dương đã huy động được các nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu đa dạng, ngày càng tăng của nhân dân; hệ thống các cơ sở ngoài công lập bước đầu phát triển, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của xã hội; xuất hiện nhiều hình thức xã hội hóa với các phương thức hoạt động khác nhau ở cả khu vực công lập và ngoài công lập. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT hoạt đông tương đối hiệu quả, Bình Dương đã hình thành 11 tổ chức Hội, Liên đoàn thể thao cấp tỉnh hoạt động rất tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp TDTT tại địa phương trong thời gian qua.
Lãnh đạo UBND tỉnh và Ngành thể thao Bình Dương đã mạnh dạn khuyến khích các doanh nghiệp cùng chung tay gánh vác, đầu tư các môn thể thao khác nhau nhằm tạo đòn bẩy phát triển. Sau Becamex IDC đầu tư bóng đá, quần vợt; đến lượt Công ty Vật liệu xây dựng M&C đầu tư vào bóng chuyền; Tổng Công ty Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương Biwase đầu tư vào xe đạp Thể thao thành tích cao (nữ), Bóng bàn, Cầu lông; Công ty Nhựa Đạt Hòa đầu tư vào xe đạp nam,… Cùng với đó, các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, người dân, một số đơn vị sự nghiệp khác cũng tích cực tham gia vào công cuộc xã hội hóa các hoạt động TDTT. Hàng loạt hồ bơi, nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn và đặc biệt là sân bóng đá mini cỏ nhân tạo ra đời trên khắp các địa phương trong tỉnh đã giải quyết đáng kể nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao của người dân và thanh thiếu niên, công nhân lao động trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tập luyện và thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Công trình thể thao của tỉnh đã có những đầu tư cơ bản. Cơ sở vật chất cấp huyện, thị xã, thành phố và xã phường, thị trấn trong tỉnh đều được đầu tư xây dựng tương đối với các công trình như sân bóng đá, nhà thi đấu, hồ bơi, các công trình thể thao từng môn.
Ở cấp huyện, thị xã, thành phố, có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã hình thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao; Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thanh, trong đó có thành phố Tân Uyên, huyện Phú Giáo, thành phố Dĩ An, huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ bản.
Các thiết chế thể thao cấp xã tiếp tục được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho mỗi Trung tâm Văn hóa Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã từ 5-7 tỷ đồng/Trung tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể thao, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Hiện có 66/91 xã, phường có Trung tâm Văn hóa Thể thao và Học tập cộng đồng, trong đó có 28 Trung tâm được đầu tư xây dựng mới đạt chuẩn về diện tích, công năng, phù hợp với quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công tác xã hội hoá TDTT trên địa bàn tỉnh luôn được đẩy mạnh và đạt kết quả đáng khích lệ. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình xã hội hóa, huy động được các nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu đa dạng, ngày càng tăng của nhân dân. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT cấp tỉnh hoạt động tương đối hiệu quả, điển hình như: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Xe đạp - mô tô Thể thao, Liên đoàn Vovinam, Liên đoàn Taekwondo, Hội Golf, Hội Thể dục dưỡng sinh, Liên đoàn Thể thao dưới nước,... hoạt động tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT tại địa phương trong thời gian qua.
Ở cấp huyện, thị nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới như hồ bơi, sân bóng đá, các phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình,… với kinh phí đầu tư từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Ở cơ sở, một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị tập luyện TDTT như: sân cầu lông, sân bóng đá,… phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân. Trong đó TP Dĩ An là một trong nhưng đơn vị điển hình. Cụ thể, TP Dĩ An đã thành lập 113 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, TDTT đang hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, thể thao nơi đây được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới như Trung tâm văn hóa, Nhà truyền thống, Công viên văn hóa suối Lồ Ồ, Trung tâm văn hóa - thể thao các phường Dĩ An, Tân Bình, An Bình, Bình Thắng và đang triển khai dự án Khu di tích Suối Mạch Máng - Sinh thái Hố Lang và cụm văn hóa - thể thao phường Đông Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 117 thiết chế văn hóa, thể thao tư nhân đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí và rèn luyện sức khỏe của người dân. Nhiều trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời được lắp đặt đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện sức khoẻ của người dân.
Thông qua việc chỉ đạo xã hội hóa TDTT, huy động các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở vật chất. Kết quả ban đầu cho thấy, nhiều sân bãi tập luyện, hồ bơi đã được đầu tư xây dựng tại các khu dân cư, trong khuôn viên các công sở, trường học, đặc biệt là sân bóng đá mini cỏ nhân tạo đã được hình thành khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn, với gần 700 sân (216 cơ sở, điểm tập), góp phần vào việc nâng cao sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Toàn tỉnh có 1.062 cơ sở, câu lạc bộ TDTT (võ thuật, bida, bóng đá mini, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ thể thao, bơi lội, yoga,...), góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của nhân dân.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như: Tổng Công ty Becamex IDC, Cty Cao su Dầu Tiếng, Cao su Phước Hòa, Cấp thoát nước và Môi trường, Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An cũng đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như Trung tâm Văn hóa thể thao, Nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, Nhà Văn hóa, phòng truyền thống, sân bóng đá, bóng chuyền, … một số doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp cũng quan tâm và chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao nội bộ như hội trường đa năng có sân khấu để biểu diễn văn nghệ, sân chơi một số môn thể thao phổ thông (bóng đá, bóng chuyền) để làm nơi cho công nhân sinh hoạt vui chơi, giải trí.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng, nhiều nhân tố có năng khiếu được phát hiện và bồi dưỡng bổ sung vào các đội tuyển của tỉnh. Nhờ đó, trong 10 năm qua, thể thao thành tích cao của Bình Dương từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thể thao quốc gia. Điều đó được minh chứng rõ qua các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc; các giải Vô địch quốc gia.
ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH BÌNH DƯƠNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Để tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa TDTT trong những năm tới, tỉnh Bình Dương xác định đẩy mạnh đổi mới phương thức quản lý nhà nước về TDTT, chuyển một phần công việc của nhà nước cho nhân dân và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thực hiện. Đầu tư của nhà nước tập trung cho các mục tiêu, các chương trình lớn, hoạch định chính sách, quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động sự nghiệp TDTT.
Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa thể dục thể thao của Bình Dương trong thời gian tới,cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò của quản lý địa phương, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa TDTT trên địa bàn Bình Dương.
Mục tiêu của quản lý ngành TDTT tỉnh Bình Dương phát huy và đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa TDTT; tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp TDTT; chuyển giao hoạt động tác nghiệp về TDTT cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ sở ngoài công lập thực hiện. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho thể thao bằng nhiều hình thức và phù hợp với quy hoạch. Cần được thể hiện ở khả năng tạo dựng xã hội hóa TDTT thu hút các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác xã hội hóa TDTT tỉnh Bình Dương.
Sự hấp dẫn của xã hội hóa TDTT đối với các nhà doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước chính là sự ổn định, phát triển bền vững, pháp lý an toàn, các thủ tục hành chính đơn giản, cơ sở hạ tầng xã hội hóa TDTT phát triển và có những định hướng đúng đắn khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý không ngừng tăng cường kiểm soát quản lý các tổ chức xã hội. Phát triển thể dục, thể thao cho mọi người: thể thao trong nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất. Phát triển thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp: nâng cao số lượng, chất lượng và quy mô tổ chức các giải thi đấu thể thao đỉnh cao cấp quốc gia và cấp quốc tế; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo tài năng thể thao. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tài năng của tỉnh, hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ đối với nhân tài thể thao. Phấn đấu để thể thao Bình Dương đứng đầu trong khu vực Đông Nam Bộ và nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có nền thể thao mạnh nhất của cả nước.
Thứ hai, xây dựng mô hình quản trị tư nhân trong lĩnh vực TDTT, tiến tới đề nghị sửa Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để áp dụng trong lĩnh vực TDTT.
Với các cơ sở vật chất của thể dục thể thao như các sân vận động, nhà nước nên giao quyền quản lý khai thác cho các CLB, doanh nghiệp hoặc tư nhân. Tất nhiên, quyền quản lý, khai thác ấy phải chịu sự ràng buộc bởi những quy định pháp lý. Khi được trao quyền, CLB hoặc tư nhân luôn có kế hoạch khai thác hết công năng của cơ sở vật chất một cách hiệu quả. Ngoài việc tổ chức thi đấu, họ còn khai thác mặt bằng cơ sở với đa dạng các loại hình dịch vụ như bán quà lưu niệm, tổ chức các loại hình thể thao cộng đồng để người dân tới sinh hoạt có thu phí, nhà hàng, tổ chức sự kiện, các buổi biểu diễn ca nhạc. Thông qua việc tổ chức đa dạng các loại hình kinh doanh như vậy, nguồn thu được dùng vào việc tu bổ cơ sở vật chất, đóng thuế cho nhà nước mà không phải chi phí cho bộ máy quá cồng kềnh so với các đơn vị do nhà nước quản lý. Quan sát một số địa phương, mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu các cơ sở vật chất của thể dục thể thao nói chung, sân vận động nói riêng, được giao cho tư nhân hay doanh nghiệp quyền vận hành, quản lý, khai thác.
Thứ ba, phải xác định thể thao cũng là một ngành kinh tế và phải thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để kinh tế thể thao là một phần của nền kinh tế quốc dân.
Đây là hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thể thao, luyện tập và thi đấu, sản xuất, cung cấp dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến thể thao. Kinh tế thể thao là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các loại hình kinh doanh dịch vụ rất phát triển như du lịch thể thao, hàng hóa thể thao, trang thiết bị dụng cụ thể thao, quảng cáo thể thao,… Các quốc gia tận dụng các cơ hội đăng cai các giải thi đấu lớn để tạo hình ảnh đất nước, phát triển dịch vụ hàng hóa thể thao, bản quyền truyền thông thể thao, thu hút du lịch thể thao.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau hoạt động kinh tế thể thao nước ta nói chung trong đó có Bình Dương chưa thực sự sôi động và còn đang ở dạng tiềm năng chờ đợi những cơ hội đầu tư khai phá, thậm chí bùng nổ nếu có chính sách phù hợp. Phát triển kinh tế thể thao sẽ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp, thu nhập và việc làm cho các cá nhân và gia đình, đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước. Phát triển kinh tế thể thao không chỉ đóng góp cho ngành thể thao mà còn mang lại lợi ích và kích thích sự phát triển cho các ngành khác như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, thúc đẩy thu hút đầu tư cho địa phương.
Hiện tại, Đảng và Nhà nước đã có những nhận thức mới về vai trò của thể thao trong thời kỳ mới, về mối quan hệ của thể thao với kinh tế, về phát triển công nghiệp thể thao. Tuy nhiên, vẫn còn nút thắt chính sách đối với ngành thể thao Việt Nam chính là chính sách liên quan đến cơ sở vật chất. Đối với các nước phát triển, khi quy hoạch khu dân cư có quy hoạch riêng đất cho thể thao, dành cho các hoạt động kinh doanh thể thao, cho người dân có chỗ tập luyện. Ở các nước khác họ quy định khu đất đó dành cho thể thao thì có thể xây sân vận động, nhà thi đấu, sau đó các liên đoàn, hiệp hội hoặc câu lạc bộ chuyên nghiệp và các đơn vị kinh doanh thể thao sẽ thuê lại sân, nhà thi đấu đó trong một số năm quy định nào đó. Còn ở ta cơ sở vật chất đã thiếu mà nhà nước lại quản lý gần như độc quyền. Chúng ta đang có cơ chế là cơ sở vật chất đầu tư công nhưng quản trị tư - để triển khai rất khó khăn. Liên quan đến đối tác công tư về thể thao đang vướng vì ngành văn hóa thể thao chưa được quy định trong Luật hợp tác công tư. Do đó các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp không có sân vận động, không có cơ sở vật chất thì không phát triển được kinh doanh thể thao. Trong khi đó nguồn thu từ sân vận động phần rất lớn đến từ kinh doanh quảng cáo, quyền khai thác thương mại,… nhưng nếu nhà nước quản lý sân vận động thì nguồn thu này rất hạn chế do vướng cơ chế, hoặc có nơi nhiều câu lạc bộ cùng sử dụng chung một sân vận động sẽ gây khó khăn cho việc kinh doanh quảng cáo, khai thác thương mại không hiệu quả và làm ảnh hưởng thất thu ngân sách.
Thứ tư, quy hoạch tích hợp là “đòn bẩy” quan trọng.
Có thể nói quy hoạch tích hợp là giải pháp của mọi giải pháp, quy hoạch một cách khoa học sẽ là công cụ tháo gỡ "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển, quy hoạch không chỉ thúc đẩy phát triển lĩnh vực TDTT mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và cả nước.
Do đó, Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm đến công tác quy hoạch, trong đó tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng điều này. Bình Dương xác định tầm quan trọng và vai trò của quy hoạch tỉnh, làm kim chỉ nam cho thời kỳ phát triển mới và xa hơn nữa nhằm mục tiêu phát triển bức phá thành tỉnh có thu nhập cao dựa trên 3 triết lý: Xây dựng môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả; xã hội hài hoà, nhân văn và bền vững; chính quyền địa phương năng động và kiến tạo. Hiện nay Bình Dương đang bước vào những phần việc cuối cùng để trình các cấp thông qua Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây sẽ là công cụ vô cùng quan trọng để tỉnh định hướng, điều hành và quản lý nhằm giúp tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Một trong những thành tố quan trọng của Quy hoạch tích hợp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Bình Dương sẽ hình thành Khu Liên hợp Văn hóa, Thể thao hiện đại lên đến 500ha với nhiều công trình văn hóa thể thao quy mô, được đầu tư bài bản từ nguồn ngân sách và từ xã hội hóa. Khi Khu Liên hợp này hoàn thành, sẽ là địa chỉ quen thuộc để đăng cai, tổ chức các sự kiện về văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế, đồng thời phục vụ đa dạng các hoạt động văn hoá, thể thao của người lao động, các doanh nghiệp cũng như các khu, cụm công nghiệp của cả vùng.Nhiều hạng mục công trình của Khu Liên hợp này nếu được quy hoạch bài bản, là điều kiện lý tưởng để các tổ chức, các doanh nghiệp chung tay cùng nhà nước đầu tư, là bước đột phá của công tác xã hội hóa TDTT.
TS. Cao Văn Chóng
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương