Theo con số thống kê của Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ thì hiện Quần thể di tích chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ có gần 40 điểm di tích lịch sử, riêng khu vực lòng chảo Mường Thanh có đến gần 30 điểm. Một thực tế đáng quan ngại là các di tích lịch sử này nằm dàn trải trên diện tích rộng. Nhưng đặc thù di tích lại không tách biệt thành khu vực riêng nên khó quản lý, trung tu, tôn tạo.
Nằm ở phía Tây của Tổ Quốc, Điện Biên được người dân Việt Nam biết đến với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, danh xưng Điện Biên đã vượt giới hạn không gian, vị trí địa lý để du khách nước ngoài biết đến. Những di tích trong Quần thể di tích lịch sử đã và đang khẳng định là thế mạnh để ngành Du lịch tỉnh Điện Biên phát triển. Tuy vậy, trước rào cản về cơ chế, chính sách , kinh phí đầu tư, tu sửa còn hạn chế, chưa sát thực tế thì công tác gìn giữ, phát huy giá trị di tích lịch sử đối với ngành Du lịch Điện Biên là một điều không đơn giản.
* “Quả trứng vàng” của Du lịch Điện Biên
Có thể nói, hiếm vùng đất nào lại có nhiều di tích lịch sử có giá trị và mật độ di tích lại “dày” như ở thành phố Điện Biên Phủ.
Riêng những di tích lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954 là cả một "kho" đồ sộ. Nằm ở phía Bắc thành phố, cửa ngõ vào trung tâm lòng chảo Mường Thanh trên Quốc lộ 279 là Cụm tượng đài kéo pháo bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa, sừng sững trên trên triền đồi Bó Hôm, ngày đêm soi bóng xuống dòng sông Nậm Rốm (địa phận xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên). Cụm tượng đài dài 24 mét, rộng 8 mét, cao 12,5 mét, nặng 1.200 tấn, mô phỏng lại cảnh Trung đội pháo binh của ta đang kéo pháo bằng tay vào trận địa pháo phía Bắc của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Là một cụm tượng đẹp, quy mô hoành tráng, đặt theo thế tựa sơn, hướng thuỷ, tạo thế trường tồn; Khuôn mặt, dáng vẻ của 21 nhân vật bán thân, 8 nhân vật toàn thân được đặc tả khác nhau nhưng tư thế và ý chí thì đều thể hiện rõ đang dồn tâm, sức để kéo, chèn, quan sát, đảm bảo cho khẩu pháo nặng hàng tấn vượt dốc an toàn. Điều đặc biệt, Cụm tượng được đặt chính trên con đường cách đây 58 năm, một trong những đơn vị pháo binh đầu tiên của quân đội ta, trong đó có Trung đội pháo 105 ly của Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã kéo pháo vào trận địa pháo phía Bắc của chiến trường Điện Biên Phủ. Tại nơi đây, Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo và anh dũng hi sinh.
Theo hướng Tuần Giáo- Điện Biên vào thành phố Điện Biên Phủ, du khách sẽ bắt gặp trung tâm đề kháng Him Lam (Béatrice) - một trong ba trung tâm đề kháng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cứ điểm này được quân Pháp xây dựng đầu tiên trên điểm cao gần 500m trên ba quả đồi cách phân khu trung tâm hơn 2km. Với vị trí “cửa ngõ” án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên nên Him Lam được xây dựng thành vị trí kiên cố nhất của tập đoàn cứ điểm.
Vào trung tâm khu vực lòng chảo Mường Thanh, du khách sẽ lạc vào xứ sở được mệnh danh là “thung lũng di tích” của "thành phố Hoa Ban". Từ đây, trong vòng bán kính trên, dưới 10 km du khách có thể dễ dàng đến các điểm di tích lịch sử với những tên gọi đã “nằm lòng” trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam như: Di tích đồi D1- cứ điểm ở vị trí cao nhất của dãy núi phía đông, thuộc phân khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do một đại đội của tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3 Angiêri) đóng giữ, nơi đặt tượng đài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Đồi A1(cứ điểm Elian 2) trên đường “đại lộ” 7/5 của thành phố Điện Biên Phủ- điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ- Đây là nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất, điểm đánh ác liệt nhất có tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ; Di tích hầm Đờ Cát-xtri- Trung tâm đầu não của quân Pháp, nơi tướng De Castries cùng Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống trong chiều 7/5 lịch sử; Di tích cầu Mường Thanh lịch sử; Di tích đối Độc Lập, Bản Kéo, di tích trại tập trung Noong Nhai...
Nằm trong khu rừng nguyên sinh cách thành phố Điện Biên Phủ gần 30km về phía Đông, thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), quần thể di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi làm việc của Bộ Chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh chiến dịch đã đưa ra những quyết định quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”....
Không thể phủ nhận kho tàng di tích trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ luôn có giá trị hiện hữu đối với thế hệ hôm nay và cả mai sau về truyền thống lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của quân và dân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Lợi thế từ những “quả trứng vàng” đó, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn đánh giá Du lịch lịch sử là ngành kinh tế mũi nhọn và những di tích trong Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ là thế mạnh của nền “công nghiệp không khói” ở tỉnh này. Hơn một thập kỷ qua, tỉnh Điện Biên tự hào khi được giữ gìn những giá trị di sản Chiến thắng Điện Biên Phủ-di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia của cả nước. Tuy nhiên, đi kèm với niềm tự hào còn là một trọng trách khá “nặng” khi ngành Du lịch Điện Biên cùng lúc phải thực hiện hai mục tiêu: Bảo tồn các di tích; Phát huy giá trị các di tích lịch sử.
Ông Đào Ngọc Lượng , Giám đốc Ban Quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ cho biết: Mỗi một di tích lịch sử tồn tại như một thực thể nên không thể không tính đến yếu tố xuống cấp trước thời gian, điều kiện ngoại cảnh. Điều đáng lo ngại đối với các di tích lịch sử trong quần thể di tích chiến dịch Điện Biên Phủ là cơ chế, chính sách để trùng tu, tôn tạo còn hạn chế nên việc gìn giữ “nguyên bản, nguyên trạng” các di tích này cũng gặp không ít khó khăn. Phần lớn các di tích nằm ngoài trời, Điện Biên lại thuộc tiểu vùng khí hậu khắc nghiệt, nền biên độ nhiệt giữa ngày và đêm, giữa các mùa có sự chênh lệch rất lớn nên các hiện vật bị hoen gỉ, xuống cấp là điều khó tránh. Dù các hiện vật di tích được Ban Quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ lên kế hoạch bảo tồn, tôn tạo hàng năm, nhưng kinh phí tốn kém, nguồn ngân sách Nhà nước hạn chế, nên kinh phí trùng tu, tôn tạo các hiện vậy là điều không dễ.
* Lời giải cho bài toán trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử ở Điện Biên
Xác định được trở ngại đó nên ngành Du lịch Điện Biên đã thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm” để gỡ khó trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử.
Ông Lượng, cho biết: Khi nguồn kinh phí hằng năm cho công tác trung tu, tôn tạo di tích lịch sử ở Điện Biên còn hạn hẹp thì chủ trương “xã hội hoá” trùng tu, tôn tạo di tích là một việc làm cần thiết trước mắt và lâu dài đối với tỉnh Điện Biên. Ngoài việc huy động được nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo di tích, qua đây sẽ tạo được cho người dân ý thức, tâm lý tôn trọng, bảo vệ di tích hơn.
Từ chủ trương trên, những năm qua, Ngành Du lịch tỉnh Điện Biên đã nghiên cứu, khảo sát, xây dựng nhiều phương án mời gọi tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, theo như ông Lượng thì mọi dự án đầu tư, thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo di tích đều phải tính toán kỹ lưỡng, phải tôn trọng, đảm bảo yếu tố gốc của di tích lịch sử.
Thành công lớn nhất trong chủ trương “xã hội hoá” trùng tu, tôn tạo di tích từ trước đến nay của ngành du lịch Điện Biên đã mời gọi được Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) tài trợ kinh phí và trực tiếp thi công Dự án mái che các hiện vật ngoài trời. Công trình có tổng mức đầu tư 5,2 tỷ đồng, khởi công cuối tháng 2/2012. Sau hơn 2 tháng thi công, toàn bộ 12 hạng mục nhà mái che cùng các công trình phụ tại 9 điểm di tích khu vực thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật và quan trọng nhất là giữ nguyên được hiện trạng di tích.
Về tính khả thì công trình mái che mà Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội đã bỏ kinh phí đầu tư xây dựng, ông Lượng đánh giá: Công trình mái che hiện vật ngoài trời là công trình áp dụng đầu tiên đối với các di tích lịch sử. Tuy mang tính thử nghiệm nhưng công trình đã thể hiện rõ ưu điểm: Nhờ mái kính mà nền nhiệt trong khu vực di tích ít chịu sự biến đổi theo nhiệt độ môi trường; tránh nước tình trạng “phơi trần” như trước đây của di tích nên kinh phí đánh gỉ (do mưa ngấm) tại di tích cũng giảm. Cùng với đó hệ thống kính chuyên dụng đã ngăn cản được toàn bộ bức xạ, tia cực tím của mặt trời tác động trực tiếp lên hiện vật...
Quan trọng hơn, theo ông Lượng: Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội trực tiếp thi công công trình, không tính đến kinh doanh, lợi nhuận càng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sỹ ngã xuống.
Được biết, theo con số thống kê của Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ thì hiện Quần thể di tích chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ có gần 40 điểm di tích lịch sử, riêng khu vực lòng chảo Mường Thanh có đến gần 30 điểm. Một thực tế đáng quan ngại là các di tích lịch sử này nằm dàn trải trên diện tích rộng. Nhưng đặc thù di tích lại không tách biệt thành khu vực riêng nên khó quản lý, trung tu, tôn tạo.
Tiến tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/4/2014) và định hướng lâu dài, ngành Du lịch Điện Biên sẽ tiếp tục xây dựng đề án, phương án cụ thể, đẩy mạnh công tác quảng bá về du lịch lịch sử ở Điện Biên để mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội tham đều có thể chung tay thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo để ngày càng phát huy, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể di tích lịch sử trên địa bàn. /.
TTX