Thứ Năm, 26/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 28/4/2012 11:27'(GMT+7)

Trưng bày "Thăng Long - Thiên Trường triều Trần”

Bắc Môn - một trong những cổng thành còn lại của Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bắc Môn - một trong những cổng thành còn lại của Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Với gần 150 hiện vật, hình ảnh, tư liệu, bản vẽ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Nam Định, khu trưng bày đã giới thiệu tới công chúng Thủ đô và khách tham quan mối quan hệ đặc biệt giữa Thăng Long - Thiên Trường thông qua những tư liệu chính sử đã dẫn, qua sưu tập hiện vật của các khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long, tại các điểm di tích liên quan đến Hành cung Thiên Trường (Nam Định) và qua các tác phẩm thơ văn Lý - Trần.

Khu trưng bày chuyên đề được bố cục gồm ba phần chính là Thăng Long - Thiên Trường dưới triều Trần thế kỷ XIII-XIV qua lời dẫn sử liệu; Thăng Long - Thiên Trường dưới thời đại Trần thế kỷ XIII-XIV qua hiện vật của các cuộc khai quật khảo cổ và Thăng Long - Thiên Trường dưới thời đại Trần thế kỷ XIII-XIV qua các tác phẩm thơ văn.

Người xem được thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật thời Trần như phù điêu đất nung đầu Rồng, đầu Phượng đất nung, ngói gắn hình chim Phượng, ngói úp gắn hình lá đề cân; đặc biệt là mô hình nhà của vua quan nhà Trần bằng đất nung gồm 14 mảnh, xây dựng theo kiến trúc nội công ngoại quốc được khai quật ở thôn Lời, xã Hiền Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, ở thế kỷ XIII-XIV, Thăng Long có mối quan hệ đặc biệt với Thiên Trường - Nam Định.

Hành cung Thiên Trường không chỉ là quê hương nhà Trần mà còn là kinh đô thứ hai, một căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất sau Thăng Long thời kỳ đó; là trung tâm chính trị quan trọng đóng vai trò rất lớn trong việc quản lý, điều hành đất nước.

Chiều cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc cuộc triển lãm cây cảnh nghệ thuật nhằm góp phần tôn vinh giá trị di sản, tạo cảnh quan cho khu di tích.

Cuộc triển lãm lần này giới thiệu 500 cây cảnh, đá, lũa nghệ thuật của các nghệ nhân Hội cây cảnh nghệ thuật Thăng Long và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang...

Đây là thú chơi tao nhã của người dân Hà Nội và trở thành một hoạt động văn hóa thường niên tại khu di tích.

Trưng bày chuyên đề "Thăng Long - Thiên Trường dưới triều Trần thế kỷ XIII-XIV" và triển lãm cây cảnh nghệ thuật là hoạt động chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4, ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ngày sinh nhật Bác.

Trưng bày chuyên đề và triển lãm mở cửa đến hết ngày 30/6./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất