Việt Nam đang cố gắng tận dụng tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”,
nhưng đồng thời phải đối diện với nguy cơ già hóa dân số nhanh chóng.
Điều này đã tạo nên áp lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội và
là nỗi lo của những nhà hoạch định chính sách.
Thời cơ đến từ “dân số vàng”
Cơ cấu “dân số vàng” tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh cho Việt Nam với lực lượng lao động trẻ, dồi dào. Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tiến hành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ. Kết quả cho thấy, nhóm dân số trong độ tuổi lao động khá đông, trong số 100 dân thì có 56 người trong độ tuổi lao động, số người trong độ tuổi phụ thuộc (trẻ em chưa đủ 14 tuổi và người già từ 65 tuổi trở lên) là 44 người. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, đây được xem như một lợi thế cho phát triển kinh tế của đất nước nếu năng suất lao động của nhóm dân số trong độ tuổi lao động tăng lên.
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn phân tích của Liên hợp quốc đánh giá, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" từ năm 2010 đến năm 2040. VCCI cũng dẫn kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, đây là giai đoạn các nền kinh tế có khả năng cất cánh để trở thành nước công nghiệp.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, cơ cấu “dân số vàng” thực sự là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cơ cấu “dân số vàng” tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Lực lượng lao động dồi dào với đặc tính cần cù, thông minh cũng đang là yếu tố tạo nên sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế, khiến nước ta trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới.
Như vậy, với cơ cấu dân số như hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thực hiện thành công kế hoạch cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và sớm trở thành nước công nghiệp.
Nhưng thách thức cũng không nhỏ
Tuy nhiên, “dân số vàng” không chỉ mang lại toàn “màu hồng” hy vọng cho Việt Nam mà cũng đem đến không ít thách thức. Nếu không tận dụng tốt cơ hội, kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ bị nhấn chìm trong khó khăn khi “dân số vàng” trở thành “dân số già”.
Thách thức đầu tiên của thời kỳ “dân số vàng” là áp lực giải quyết việc làm cho người lao động. Cùng với đó, trong thời kỳ đòi hỏi lao động phải có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, việc đào tạo người lao động để có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ hiện đại là thách thức không nhỏ. Nếu không giải quyết được vấn đề này, lao động Việt Nam sẽ chỉ là lao động giản đơn, có năng suất thấp và không tạo ra được nhiều giá trị gia tăng. Đó là trở ngại lớn trên con đường đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện nay, Việt Nam còn khoảng 70% lao động chưa được đào tạo nghề. Bên cạnh đó, khoảng 70% dân số Việt Nam sinh sống và làm việc ở nông thôn, trong khi nông dân hiện nay mới sử dụng 40% thời gian cho sản xuất nông nghiệp, còn lại 60% thời gian là nông nhàn. Thu nhập thấp, thiếu việc làm, chất lượng sống và chất lượng dân số chưa cao, tốc độ già hóa nhanh, chi phí an sinh xã hội lớn cũng là những thách thức đặt ra đối với Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân cho biết, hiện nay, kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đối tượng lao động nông thôn học nghề và sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương vẫn còn dàn trải, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn của thị trường, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dẫn đến hiệu quả sau học nghề không cao. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn.
Tất cả những vấn đề nêu trên sẽ trở thành gánh nặng gây hiệu ứng ngược của thời kỳ “dân số vàng” nếu chúng ta không có những chính sách, giải pháp thích hợp.
Hiện nay, Việt Nam đang cố gắng tận dụng tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, nhưng đồng thời phải đối diện với nguy cơ già hóa dân số nhanh chóng, tạo áp lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Già hóa dân số là một hiện tượng mang tính toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Già hóa dân số là xu hướng tất yếu khi kinh tế, xã hội mỗi quốc gia ngày một phát triển, đời sống vật chất của người dân được nâng cao nên tuổi thọ con người được nâng lên, trong khi tỷ suất sinh tăng thấp, hoặc thậm chí giảm. Do vậy, song song với việc tận dụng thời cơ để tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội, trở thành nước công nghiệp như một số quốc gia đã tận dụng thành công, Việt Nam cũng cần đầu tư nhiều hơn vào các vấn đề phúc lợi xã hội cho người cao tuổi, tránh để tới thời kỳ dân số già tăng mạnh sẽ gây sức ép rất lớn lên hệ thống phúc lợi xã hội.
Thực tế cho thấy, lao động Việt Nam không hề thua kém lao động của các nước phát triển, thậm chí được đánh giá cao hơn do có năng suất và tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn khi được làm việc trong cùng môi trường, cùng điều kiện, cùng hoàn cảnh. Một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng đánh giá cao sự thông minh của lao động Việt Nam khi cùng một phương pháp hướng dẫn, đào tạo, công nhân Việt Nam chỉ mất vài ngày là có thể tiếp thu và có thể làm việc, trong khi thời gian này dành cho công nhân ở nhiều nước khác lên tới vài tuần.
Hy vọng, với những thời cơ được mang lại từ thời kỳ “dân số vàng”, từ giai đoạn hội nhập sâu rộng và từ thời đại kinh tế tri thức bùng nổ, Việt Nam sẽ tận dụng được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để sớm vươn mình thành “con rồng” của khu vực và thế giới…
Thu Hương/QĐND