Theo kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí y học The Lancet, xạ trị não bộ không đem lại lợi ích gì cho các bệnh nhân ung thư phổi di căn lên não.
Một cuộc thử nghiệm với hơn 500 bệnh nhân cho thấy phương pháp điều trị này không giúp kéo dài hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
Theo thống kê, mỗi năm tại Anh có hơn 45.000 người mắc bệnh ung thư phổi. Khoảng một phần ba số trường hợp trên, ung thư sẽ di căn lên não.
Các khối u não thứ cấp thường được điều trị bằng xạ trị toàn bộ não cùng với steroid và các phương pháp điều trị khác để giảm tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư. Tuy nhiên, nó cũng có tác dụng phụ nghiêm trọng, gây buồn nôn, mệt mỏi, và tổn hại cho hệ thần kinh.
Kết quả nghiên cứu này, với sự tham gia của các bác sỹ, chuyên gia và bệnh nhân từ các bệnh viện trên khắp nước Anh, cho thấy không có sự cải tiến trong chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau mỗi tuần xạ trị toàn não bộ.
Tiến sỹ Paula Mulvenna, thuộc tổ chức NHS Foundation Trust, cho biết phương pháp xạ trị toàn não bộ được sử dụng vì có khả năng kiểm soát u não "nhưng thực tế tại phòng khám ung thư phổi của bà không thấy sự tiến triển trong quá trình điều trị, mà phương pháp này thậm chí còn có thể gây hại đến chức năng nhận thức."
Theo giáo sư Ruth Langley, thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Đại học College London, xạ phẫu đang là kỹ thuật thay thế được ưa chuộng và giảm tối đa tác dụng phụ.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại nghiêng về phương pháp xạ trị toàn não bộ. Họ cho rằng cần tối ưu hóa xạ trị toàn não bộ, áp dụng đúng thời điểm với từng bệnh nhân, có thể giúp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân./.
Theo VN+