(TCTG)- Sau hơn 2 năm lưu thông trên thị trường Việt Nam (từ tháng 8/2010), sản phẩm xăng sinh học E5 với nhiều lợi ích trong bảo vệ môi trường và đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vẫn được tiêu thụ rất chậm. Theo ý kiến của các nhà quản lý và các chuyên gia, để loại xăng “bảo vệ môi trường” này đứng vững trên thị trường, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và phát triển đồng bộ hệ thống phân phối.
“Xăng bảo vệ môi trường” tiêu thụ chậm
Xăng sinh học E5 được coi là xăng bảo vệ môi trường với nhiều lợi ích. Theo giới chuyên môn, các loại động cơ nổ sử dụng các loại xăng thông dụng lâu nay thường thải ra nhiều chất gây ô nhiễm môi trường (cacbon ôxít, hydro cacbon, nitơ ôxit). Nhưng đối với xăng sinh học có nguồn gốc từ thực vật (trong đó có xăng E5) sẽ hạn chế được lượng khí thải độc hại ra môi trường. Ngoài ra, với xăng thông thường, do đốt không hết dễ dẫn đến lãng phí nhiên liệu, còn xăng sinh học đốt cháy tốt hơn sẽ tiết kiệm được nhiên liệu khi vận hành... Tiêu thụ xăng sinh học góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng, hạn chế trữ lượng dầu mỏ tự nhiên ngày càng sụt giảm.
E5 đã được thử nghiệm cho nhiều loại xe, chứa thử trong các bồn và đều cho kết quả an toàn. Với 5% ethanol pha vào xăng A92 để cho ra E5, xe và các loại động cơ đều vận hành tốt. Ethanol được sản xuất từ sắn, lá, mía, là loại cồn biến tính dùng để pha vào xăng cho ra E5.
Tại Việt Nam, Bộ Khoa học công nghệ và Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã ban hành một loạt quy chuẩn kỹ thuật cũng như hướng dẫn về chứng nhận và công bố hợp quy đối với xăng nhiên liệu sinh học vào năm 2009. Toàn bộ lượng xăng sinh học E5 trước khi được đưa ra thị trường đều được hợp quy bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học (QCVN 1: 2009/BKHCN).
Tuy nhiên, đến nay, loại xăng này vẫn chưa thể đứng vững được trên thị trường, thậm chí mức tiêu thụ có chiều hướng giảm sút. Theo các đại lý xăng dầu, sở dĩ xăng E5 chưa thu hút được người tiêu dùng là do số cây xăng có trụ bơm xăng E5 còn quá lèo tèo; việc quảng bá lợi ích của sản phẩm này còn hạn chế. Do đó, nhiều chủ cây xăng không mặn mà nhận xăng E5 về bán do sức tiêu thụ thấp sẽ không hiệu quả so với bán các loại xăng thông thường.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền
Lý giải nguyên nhân xăng sinh học tiêu thụ chậm, ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Xăng sinh học an toàn và có nhiều lợi ích, nhưng để người tiêu dùng Việt Nam thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng là rất khó. Hiện người dân vẫn có thói quen sử dụng xăng từ chế phẩm dầu mỏ nên nhu cầu sử dụng của loại xăng này rất thấp.
Mặt khác, thời gian gần đây, hiện tượng một số xe cháy liên tục càng làm cho người tiêu dùng e ngại loại xăng chưa thông dụng. Do đó, theo ông Cường, để cải thiện tình trạng trên, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với xăng sinh học.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối xăng sinh học còn nhiều hạn chế. Hiện nay, có 3 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tham gia sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Trong đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là đơn vị có trụ bơm xăng E5 nhiều nhất nhưng thời gian qua cũng chỉ xây dựng được 70 điểm bán chủ yếu ở các đô thị lớn. Saigon Petro chỉ có 3 điểm bán, Công ty CP Vật tư Xăng dầu Comeco có 5 điểm bán đều đặt tại TP HCM. Với mạng lưới tiêu thụ còn hạn chế, chỉ lượng xăng sinh học bán ra còn thấp cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống phân phối xăng sinh học cần đầu tư lớn và mất nhiều thời gian. Đặc biệt, phải có một cơ sở hạ tầng như kho bể và mạng lưới phân phối riêng cho loại xăng này. Với Thái Lan, để có hệ thống phân phối xăng sinh học rộng khắp như hiện nay, quốc gia này đã mất 20 năm xây dựng (từ 1990).
Do vậy, để nâng cao hơn nữa sản lượng bán xăng E5, trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng cáo để người tiêu dùng hiểu biết hơn về lợi ích kinh tế và môi trường của việc sử dụng xăng E5 so với xăng truyền thống.
Hiện Bộ Công thương đã trình Chính phủ lộ trình để phát triển xăng sinh học và có thể được phê duyệt trong năm nay. Theo đó, sẽ bắt buộc tiêu thụ xăng sinh học ở một mức độ nhất định tại một số đô thị. |
Dương Ngọc