Sau những kết quả nghiên cứu đã được công bố thời gian qua, khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long vẫn tiềm ẩn rất nhiều giá trị mà chúng ta chưa thể hiểu biết hết. Chính vì vậy, để có thể làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần xây dựng chiến lược lâu dài và có hệ thống trong tương lai.
Hoàng Thành Thăng Long là một quần thể di tích phong phú, đa dạng và là công trình kiến trúc được các triều vua xây dựng qua nhiều giai đoạn lịch sử. Tọa lạc chính giữa lòng Thủ đô của đất nước, khu Trung tâm Hoàng thành mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO ghi nhận. Dù trên một diện tích không rộng lắm, nhưng nơi đây chồng xếp, đan xen nhiều lớp văn hóa của kinh thành Thăng Long từ năm 1010 đến năm 1788. Những đánh giá bước đầu rút ra chủ yếu từ địa điểm khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã nói lên giá trị bất hủ của Di sản Hoàng thành Thăng Long khi đạt 3 tiêu chí của một Di sản Thế giới.
Những kết quả đã ghi nhận Từ những dấu tích khảo cổ học đã phát lộ, giới khoa học Việt Nam xác định được sự chồng xếp liên tục của các tầng văn hóa, kiến trúc từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng đến thời Nguyễn. Chính điều này đã giúp đưa ra những nhận thức mới trong công tác khảo cổ học, đưa ra được những bằng chứng thuyết phục rằng, các cung điện, lầu gác trong Hoàng thành Thăng Long vốn từng được xây dựng rất công phu, tráng lệ tuy những kiến trúc ấy không còn tồn tại đến ngày nay. Bên cạnh đó, những loại hình di vật đặc biệt như phù điêu, tượng tròn, ngói lợp mái trang trí rồng, phượng cho thấy kiến trúc Hoàng thành Thăng Long được thiết kế với sự phô bày vẻ đẹp rực rỡ, áp đảo bởi những đồ án trang trí mang tính vương quyền, nhằm thể hiện sự oai nghiêm, đường bệ của hoàng đế. Không những thế, giới khoa học còn phát hiện ra rằng các di tích có sự liên kết mật thiết với nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn phức tạp nhưng lại hết sức phong phú và hấp dẫn, phản ánh mối quan hệ, sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long. Đặc biệt, tại khu A - B còn tìm được hàng triệu di vật khảo cổ, trong đó có nhiều đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á, minh chứng rõ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long trong lịch sử.
Hồi cuối tháng 11 vừa qua, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập UNESCO và 5 năm Hoàng thành Thăng Long được vinh danh Di sản văn hóa thế giới. Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới - nhìn từ Hoàng thành Thăng Long” đã nêu bật những thành tựu đạt được trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long đồng thời đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều mặt của Di sản Thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Cụ thể, trong 5 năm vừa qua (từ năm 2011 – 2015), công tác nghiên cứu đạt được rất nhiều thành tựu , soi sáng rất nhiều cho hiểu biết của chúng ta về khu di sản này. Đó là lần đầu tiên đã xác định ở khu vực chính điện Kính Thiên tầng văn hóa có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8 – 9 đến thế kỷ 19 – 20; Lần đầu tiên xác định được các dấu tích kiến trúc ở Trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại; Bước đầu làm xuất lộ 4 dấu tích kiến trúc thời Lý rất lớn và hoành tráng là đường nước lớn, sân nền lát gạch vuông thời Lý, kiến trúc có móng trụ sỏi và đường móng tường làm bằng sành. Trong khi đó, những nghiên cứu cũng cho thấy dấu tích kiến trúc thời Trần bị phá hủy nghiêm trọng. Một thành tựu quan trọng nữa phải kể đến đó là bước đầu xác định được một phần không gian Chính điện Kính Thiên - cung điện quan trọng bậc nhất, là nơi vua thiết triều, bàn những việc quốc gia đại sự.
Gần đây nhất, ngày 14/12, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2015. Cuộc khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn với tổng diện tích gần 1.000m2 đã làm rõ tầng văn hóa với nhiều lớp kế tiếp nhau có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ VIII - IX đến thế kỷ XIX - XX) ở trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Kết quả khai quật trên, nối tiếp các cuộc khai quật từ năm 2002 đến nay đã đem lại nhận thức có tính “đột biến” đối với việc nghiên cứu các dấu tích của kinh đô Thăng Long. Vẫn còn nhiều vấn đề cần minh chứng sáng rõ hơn Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau quá trình dài nghiên cứu, Hoàng thành Thăng Long vẫn còn nhiều “ẩn số” cần phải minh chứng rõ hơn. Trước tiên là những vấn đề khó khăn, cần sự đầu tư lâu dài trong việc so sánh nhằm tiến tới nhận diện được hình thái, tính chất, chức năng, tên gọi các công trình kiến trúc của khu di tích này. Ngoài ra, dù nơi đây tập trung nhiều tầng văn hóa của nhiều thời kỳ chồng xếp, đan xen, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn từ thời Đại La, Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê và các dấu tích cảnh quan sông ngòi, ao, hồ… nhưng việc nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn về diện mạo, quy mô, tính chất, chức năng, niên đại ở từng khu và đánh giá sâu hơn về trình độ, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, sắc thái độc đáo riêng biệt của kiến trúc cung điện, lầu gác trong Hoàng cung Thăng Long qua các thời kỳ, vẫn còn là những vấn đề lớn cần được minh chứng rõ ràng.
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật trên diện tích hơn 2.500m2. Kết quả khai quật cũng đặt ra một số vấn đề lớn cần phải tiếp tục nghiên cứu như dấu tích và quy mô đích thực của điện Kính Thiên, dấu tích của điện Càn Nguyên thời Lý, điện Thiên An thời Lý-Trần ở bên dưới điện Kính Thiên, dấu tích của sân Đan Trì… Phó giáo sư, tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: Hiển nhiên, tất cả đó mới chỉ là dự đoán và cần chờ đợi các kế hoạch nghiên cứu lâu dài, có tính chất “thế kỷ” ở khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Phải xây dựng chiến lược lâu dài trong công tác bảo tồn di sản Để có thể bảo tồn và phát huy được hết giá trị của một di sản thế giới không chỉ là hoàn thành những nhiệm vụ trước mắt mà cần có một kế hoạch quản lý tổng quát, toàn diện. Trước hết là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia nghiên cứu. Thời gian qua, những hiện vật phát lộ tại khu di sản này đang trong tình trạng bị đe dọa và trước mắt, cần có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp. Theo bà Nguyễn Thị Hương Thơm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, với số lượng lớn di vật đã được đưa lên khỏi hố khai quật, gồm gạch ngói, chân tảng đá đã nhiều năm vẫn được lưu giữ tạm ngoài trời chưa có kho bảo quản.
Những di vật này thường xuyên chịu tác động trực tiếp của môi trường tự nhiên, đã và đang tự xuống cấp nghiêm trọng. Một số di vật đã được lưu giữ trong kho nhưng chưa được trang bị và vận hành các thiết bị cần thiết để kiểm soát môi trường cũng như chưa được nghiên cứu, phân loại và thiết lập môi trường bảo quản phù hợp với loại hình và chất liệu di vật do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn. Ngoài ra, cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu những thành tựu mới trong việc nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long tới đông đảo công chúng. Bởi công tác khai quật khảo cổ không chỉ để phục vụ cho việc nghiên cứu của các nhà khoa học mà phải công bố rộng rãi trong cộng đồng, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn di sản văn hóa. Để làm tốt điều này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần tăng cường giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ từ năm 2008 đến nay, tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm di vật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long tới đông đảo công chúng. Như một nhân chứng sinh động cho quá trình phát triển của đất nước suốt hơn 1000 năm qua, Hoàng thành Thăng Long mang trong mình những giá trị lịch sử, khảo cổ to lớn. Giá trị này đã được các nhà khoa học trong nước cũng như các chuyên gia quốc tế, kể cả tổng giám đốc UNESCO đánh giá rất cao, hoàn toàn xứng đáng để được công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Hy vọng thời gian tới sẽ có một chiến lược hoàn thiện trong quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản để gìn giữ cho thế hệ mai sau di sản quý giá, niềm vinh dự và cũng là tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.
Theo cinet.gov.vn