(TG) -Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Chiến lược thương hiệu Quốc gia Việt Nam” đã diễn ra hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Diễn đàn do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức. Đây là một trong các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Việt Nam 2019 diễn ra từ ngày 15 - 21/4/2019.
Gần 300 đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu đã tham gia Diễn đàn.
KHẨN TRƯƠNG TRIỂN KHAI XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA PHÙ HỢP XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết. Theo ông, “Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài”.
Chính vì vậy, Việt Nam cần tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Đồng nhất trí với nhận định này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Không nằm ngoài xu thế, thương hiệu quốc gia không thể thiếu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, vào thời điểm này, để cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, thì việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia đúng mức và đúng cách là biện pháp bổ trợ đáng kể”. Ông cho rằng, càng có nhiều nguồn lực khác nhau chung sức tham gia sẽ tạo ra sức mạnh tổng thể; sự chung tay của mọi thành phần xã hội trong và ngoài nước cùng với sự điều phối chiến lược của Đảng và Nhà nước sẽ giúp rút ngắn khoảng cách khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
PGS. TS. Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương bày bỏ hy vọng Diễn đàn lần này sẽ tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tới lãnh đạo các bộ, các ngành, các địa phương, tới lãnh đạo các doanh nghiệp, tới cộng đồng xã hội, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng to lớn của xây dựng thương hiệu, chung tay, góp sức xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam để góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế đất nước. Bởi theo ông nhận định, đến nay, Việt Nam vẫn chỉ được xem là nước sản xuất nguyên liệu thô, gia công, lắp ráp, cung cấp đầu vào cho các tập đoàn lớn, thương hiệu lớn. Xây dựng và phát triển thương hiệu Quốc gia Việt Nam ngày càng trở thành yêu cầu cấp bách.
Theo thống kê của Bộ Công thương, số lượng DN được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng đều qua các thời kỳ. Nếu như năm 2008 chỉ có 30 DN thì đến năm 2018 đã có 97 DN được công nhận.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43.
|
GĂN KẾT THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG THU HÚT ĐẦU TƯ, QUẢNG BÁ DU L ỊCH
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư, Bộ Công Thương – ông Đỗ Bá Phú, hiện nay, Bộ Công thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Ông Đỗ Bá Phú khẳng định, “Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của DN với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế”. Ngoài ra, Bộ Công thương cân nhắc, bên cạnh việc công nhận các DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, trong giai đoạn mới, chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này.
Bộ Công Thương kỳ vọng Đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận, nhất quán trên phạm vi cả nước, từ trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.
Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2019 chia ra hai phiên chính, tập trung trao đổi về chiến lược và giải pháp phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Phiên thứ nhất trao đổi, thảo luận về “Định hướng Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và quảng bá thương hiệu các quốc gia Đức, Pháp, Italy, Hàn Quốc.
Phiên thứ hai thảo luận về Cơ chế quản lý, phối hợp thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo sức mạnh tổng thể từ các bộ ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong quá trình phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam.
|
Giao Tuyến