Thứ Sáu, 20/9/2024

“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Những việc cần làm ngay”

Ngày 5/4/2017, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến về chủ đề “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Những việc cần làm ngay”.

Tham dự tọa đàm có PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; đồng chí Phạm Đình Đảng (Nhị Lê) - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang. Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng, Trưởng Bộ phận chuyên trách 05.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về  tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là một Nghị quyết rất quan trọng, cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra. Nghị quyết đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đón nhận, đồng tình, hưởng ứng và đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả thực hiện nghị quyết. Buổi tọa đàm hôm nay nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay, các đại biểu tham dự đã thảo luận một số nội dung như sau: Cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Khẳng định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu khách quan, thường xuyên của Đảng ta; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng – nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại các tổ chức đảng. Tập trung tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản về thực trạng và các giải pháp chủ yếu, những việc cần làm ngay để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Vì sao xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một đòi hỏi khách quan?

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đào Duy Quát đã nhấn mạnh nội dung vì sao xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một đòi hỏi khách quan? Đó là vì Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định, phương hướng nhiệm kỳ tới, Đảng đứng trước sứ mệnh lịch sử rất quan trọng, đó là lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện sự nghiệp tiến hành đổi mới đồng bộ toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cải thiện rõ rệt đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân và có uy tín và vị thế cao trên trường quốc tế. Với sứ mệnh, với trọng trách lịch sử này đòi hỏi Đảng ta mạnh, phải trong sạch,  tức là đòi hỏi Đảng thực sự là trí tuệ, là văn minh, gắn bó máu thịt với dân tộc. Chính vì vậy, Đảng ta phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng để đạt cho được mục tiêu xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có hơn 4,5 triệu đảng viên, với trên 5 vạn tổ chức cơ sở đảng. Đảng là một  cơ thể sống, mọi cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục, rèn luyện, cũng như từng tổ chức phải tự chăm lo, xây dựng cho tổ chức mình - đây là nhiệm vụ thường xuyên.

Năm 1994,  tại Hội nghị Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã phát hiện và nêu 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhưng lúc đó gọi là quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sau này thì được khát quát rộng hơn. Đến Đại hội XII, Đảng nhận định nguy cơ này chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có mặt, có bộ phận nghiêm trọng hơn, được Đại hội XII nhận định đây là nguy cơ trực tiếp dẫn đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì thế, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng để ngăn chặn nguy cơ này phải trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Nội dung Nghị quyết Trung ương  4  khóa XII đã chỉ rõ những biểu hiện suy thoái ở mức độ nào. Sự  suy thoái diễn ra ở một bộ phận không nhỏ, tức là lớn của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ có chức vụ trong Nhà nước và có cả cán bộ cấp cao. Đây là nguy cơ trực tiếp đối với sự tồn vong của Đảng và của chế độ.  

Tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tại các đảng bộ

Tại buổi tọa đàm trực tuyến, đồng chí Nguyễn Đức Hà cũng cho biết, Hội nghị Trung ương 4 khoá XII họp từ ngày mồng 9 đến ngày 14/10/2016, nhưng phải đến ngày 30/10, sau khi hoàn thiện xong thì Tổng Bí thư mới ký chính thức ban hành Nghị quyết Trung ương 4. Và đến ngày 9/12, Bộ Chính trị mới triệu tập cán bộ toàn quốc quán triệt với hình thức mới trực tuyến 63 tỉnh, thành. Như vậy, nếu tính từ ngày Bộ Chính trị quán triệt Nghị quyết đến nay mới được hơn 3 tháng. Với một Nghị quyết lớn của Trung ương thì với thời gian ngắn như vậy để làm được những việc gì nhiều, làm việc gì lớn thì cũng cần phải có thêm thời gian.

Trong 3 tháng qua, tất cả các cấp uỷ, tổ chức Đảng trong toàn Đảng mới chỉ làm được một số việc chính như: Thứ nhất, tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 và gắn với nó là xây dựng Chương trình hành động; thứ hai, tiến hành phê bình và tự phê bình cuối năm 2016 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Ở đây, có điểm mới là trong phê bình và tự phê bình gắn Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII chúng ta không làm từ trên xuống, không làm từ dưới lên, cũng không làm từ giữa ra mà tiến hành đồng thời ở các cấp, nghĩa là các cấp cùng tiến hành nhưng ở cấp nào cũng lựa chọn những trọng tâm, trọng điểm. Có một lưu ý, nhưng ở cấp nào cũng đều phải lựa chọn trọng tâm, trọng điểm ở cấp đó. Trung ương chọn một số trọng tâm, trọng điểm của Trung ương; Bộ, ngành chọn một số trọng tâm, trọng điểm của Bộ, ngành; tỉnh chọn trọng tâm trọng điểm của tỉnh; huyện chọn một số trọng tâm trọng điểm của huyện.

Và khi các cấp uỷ chọn những trọng tâm, trọng điểm đó thì nhất thiết phải có gợi ý kiểm điểm sâu và cấp ủy phải chỉ đạo theo dõi sát sao. Ví dụ, Bộ Chính trị đã gợi ý kiểm điểm cho 18 ban thường vụ tỉnh ủy. Tất cả nơi được Bộ Chính trị gợi ý đều bố trí một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị về dự chỉ đạo, theo dõi và có các cơ quan Đảng chỉ đạo. Đây được xem là cái mới. Thêm nữa, hiện nay, tôi được biết Bộ Chính trị vừa kiểm điểm tập thể, cá nhân xong. Và có một số tỉnh cũng đồng thời kiểm điểm tập thể, cá nhân.

Một việc nữa chính là kiểm điểm gắn với kiểm điểm cuối năm 2016. Hiện nay, một số tỉnh đã làm, một số tỉnh đang làm. Tất cả những vấn đề lớn, những vấn đề nổi cộm, những vấn đề được báo chí, dư luận công luận bức xúc, lên án đều được đưa vào Chương trình kiểm điểm năm 2016 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Đồng chí Nguyễn Đức Hà cũng cho rằng, đây mới chỉ là bắt đầu.

Bên cạnh đó, đồng chí Lê Thị Thu Hồng cũng chia sẻ, khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ban hành, Bắc Giang đã xác định đây là nội dung rất quan trọng. Từ kinh nghiệm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI thì với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Bắc Giang đã triển khai rất quyết liệt và đồng bộ. Chúng tôi đã tổ chức học trực tuyến. Lần này, Bắc Giang rất quan tâm chú trọng việc học trực tuyến và đã có tới gần 50% cấp xã, tỉnh tổ chức học trực tuyến và xây dựng một chương trình hành động rất cụ thể với 14 việc cần làm ngay, làm thường xuyên và giao nhiệm vụ cụ thể cho 11 nhóm cơ quan. Hiện tại, đã xây dựng chuyên mục, chuyên trang trên Báo Bắc Giang, trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và thường xuyên phản ánh những thông tin, những kết quả ban đầu thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XII. Nội dung nữa là tiếp tục thực hiện việc gợi ý kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân.  Ở đây, tập trung vào những biểu hiện, dấu hiệu suy thoái về đạo đức lối sống, một số vấn đề nhạy cảm trong công tác cán bộ, đất đai, tài nguyên môi trường, tài chính.

Bắc Giang cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Cụ thể, đến quý 2 này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ giám sát tới 100% đơn vị trực thuộc về triển khai chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Từ những thông tin của các ban xây dựng Đảng cũng như dấu hiệu biểu hiện, thì đến quý 3/2017, sẽ có một cuộc kiểm tra chuyên đề, tức là sau khi nắm tình hình các huyện, ban, ngành thì các cơ quan xây dựng đảng mà ở đây cụ thể là Ủy ban kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Tổ chức sẽ đề xuất để kiểm tra các đơn vị, cá nhân có dấu hiệu, hoặc kiểm tra chuyên đề đối với một số các đồng chí đứng đầu của các sở, ban, ngành cũng như địa phương về thực hiện Nghị quyết.

Đối với Bắc Giang, từ trước tới nay, chủ trương hướng về cơ sở được thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Tuy nhiên, đối với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy sẽ không chỉ dừng ở việc đi tới cấp  huyện, mà tới cấp xã, thôn, bản và dự sinh hoạt ở đó để nắm tình hình thực hiện. Đồng thời, Bắc Giang tập trung vào công tác tự phê bình và phê bình. Ở đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có quy định rõ là hàng tháng chi bộ sinh hoạt thì các đồng chí đảng viên trong chi bộ phải phát biểu và đối chiếu với 27 dấu hiệu, biểu hiện để tự phê bình, phê bình. Cùng với đó là nội dung các đồng chí tham dự báo cáo luôn việc thực hiện cam kết về thực hiện Chỉ thị 05 gắn với những việc cần làm ngay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Đối với những chi bộ mà có đảng viên có dấu hiệu tự diễn biến, tự chuyển hóa hoặc có dấu hiệu vi phạm thì cấp ủy ở đó phải gợi ý; nếu đảng viên, tập thể cấp ủy  đó mà có kết luận của thanh tra, kiểm tra mà đến mức vi phạm nhưng cấp ủy ở đó không gợi ý thì phải chịu hình thức kỷ luật tùy theo quy định.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng cũng cho rằng, bước đầu triển khai nội dung gắn Nghị quyết Trung ương 4 với Chỉ thị 05, việc tự phê bình và phê bình rất sát sao ở các chi bộ bước đầu có sự lan tỏa.

Phát huy vai trò của báo chí trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Theo đồng chí Nhị Lê, báo chí cách mạng Việt Nam với trách nhiệm tập thể của báo giới trước những vấn đề trọng đại của quốc gia, trước những việc lớn của Đảng, báo chí là một trong những lực lượng tiên phong, không phải chỉ với trách nhiệm thiên khải, mà là tư cách là trách nhiệm người cầm bút.

Về Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, chưa bao giờ báo chí tham dự, can dự và cất tiếng nói mạnh mẽ như vậy. Nó không chỉ ở bề mặt, mà với chức năng thiên khải của mình, là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể, giới truyền thông nước nhà (báo chí của Đảng, Nhà nước, Quốc hội…) đã vào cuộc một cách sâu sắc và đồng bộ. Cho đến giờ, nhìn trên diện mạo nước nhà, không một tờ báo, đài truyền hình nào lại không đề cập đến Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng. Qua theo dõi ở hình thức này hay hình thức kia, mức độ nào đi nữa, sự đề cập mặc dù chưa đều nhau nhưng truyền thông của nước nhà đều vào cuộc một cách chủ động. Mỗi tờ báo tiếp cận hiện thực, tiếp cận Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII theo cách riêng của mình, như: Đại đoàn kết, Nhân Dân, tạp chí Tuyên giáo... các tờ báo của 63 tỉnh, thành đều vào cuộc.

Điểm mới đặc biệt lần này, chưa bao giờ tiếng nói của nhân dân được phản ánh một cách sâu sắc, đa diện, toàn diện như vậy. Tất cả những vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sự hiện diện của bạn đọc, sự tương tác của các báo điện tử, đủ các giai tầng, các lứa tuổi, các tờ báo đều mở diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục không chỉ cho tờ báo của mình mà cho mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, tạo một làn sóng rộng rãi, mạnh mẽ và sâu sắc về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chúng ta có thuận lợi là, đây không phải lần đầu chúng ta xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong 87 năm qua, chúng ta đã có 5 lần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà lần  này là đỉnh cao.

Có một điểm trùng hợp nữa là khóa XI có Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 03, khóa XII có Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05. Nó không chỉ thể hiện trách nhiệm của cấp ủy mà còn là công việc của nhân dân. Báo chí là con thuyền chở tiếng nói của dân tộc, là diễn đàn của nhân dân. Hai năm trở lại đây, 82% sự việc được cơ quan chức năng giải quyết là do công phát hiện của báo chí. Sự tương tác của báo chí ngày càng gắn bó với tiếng nói của nhân dân. Chưa bao giờ báo chí vào cuộc mạnh mẽ và được nhân dân giúp đỡ tận tình như vậy. Trong mắt dư luận và đồng bào, chưa bao giờ như bây giờ, tất cả đều hợp lưu vào công việc lớn của đất nước. Đây là điều rất mừng và cũng là chức năng thiên khải của nhân dân đối với báo chí, làm cho Đảng ta thật sự xứng đáng là đứa con nòi của nhân dân lao động, không chỉ là người lãnh đạo mà còn là đầy tớ của nhân dân. Tôi xin nhấn mạnh câu nói của Bác Hồ “Đảng ta là đứa con nòi của nhân dân”. Trách nhiệm xây dựng Đảng không chỉ về mặt pháp lý mà còn là trách nhiệm về mặt đạo lý. Đảng đến lượt mình cũng phải xứng đáng là “đứa con nòi” của nhân dân.

Đây cũng là những điểm mới từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Sắp tới Hội nghị Trung ương 6 sẽ bàn trực tiếp đến các công việc của Đảng. Qua đây, để thấy được rằng, nhìn tổng thể Nghị quyết Trung ương 4  khóa XII là điểm trụ, báo chí phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tích cực triển khai, đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào cuộc sống

Học tập và làm theo Bác được xem như là một giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp tư tưởng chính trị về công tác xây dựng Đảng



Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, học tập và làm theo Bác được xem như là một giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp tư tưởng chính trị về công tác xây dựng Đảng. Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cán bộ, đảng viên và nhân dân không chỉ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, mà còn học và làm theo tư tưởng, phong cách của Người. Năm 2017, chủ đề học Bác được Trung ương đặt ra là làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Như chúng ta đã biết, sinh thời, Bác chỉ ra hàng chục loại bệnh mà chúng ta kiên quyết phải chống, từ bệnh chủ nghĩa cá nhân, kiêu ngạo, lười biếng, đến bệnh lười học chính trị, coi thường lý luận… Vì vậy, học và làm theo Bác thì chắc chắn mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người chúng ta phải nhận thức rõ hơn căn bệnh của mình mà mình phải chống.

Bác cũng dặn chúng ta là mỗi con người đều có mặt tích cực, có mặt tiêu cực, có mặt tốt, có mặt xấu. Mặt tốt thì phải trau dồi, phát huy, mặt xấu thì phải đấu tranh đẩy lùi. Những việc này phải được làm hằng ngày giống như chúng ta đánh răng, rửa mặt. Vấn đề mấu chốt trong Chỉ thị 05 là phải phát huy cho được những mặt tích cực, những mặt tốt đẹp của mỗi cá nhân để đấu tranh với những cái tiêu cực, những cái xấu, những mặt chưa được trong mỗi con người, cũng như trong toàn xã hội.

Do đó, để thực hiện tốt Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mỗi người chọn một vài việc cụ thể để làm theo một cách hiệu quả cũng chính là làm tốt công tác xây dựng Đảng.

Việc học tập Chỉ thị 05 phải gắn liền với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.  

Tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng Đảng

Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, tại buổi tọa đàm, đồng chí Lê Thị Thu Hồng đã chia sẻ những biện pháp nhằm tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng Đảng, nhất là đã kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Thứ nhất, Bắc Giang đã và đang tiếp tục triển khai sâu rộng và nâng cao nhận thức của cấp ủy về Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị năm 2013 về Quy chế giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể trong việc nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền.

Ở Bắc Giang cũng có một điểm có hiệu quả là hằng quý các ban xây dựng Đảng phải có báo cáo tổng hợp, ví dụ như Ban Tuyên giáo có báo cáo về tình hình dư luận nhân dân, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; với Ban Dân vận thì có báo cáo về những vấn đề bức xúc trong nhân dân cần phải giải quyết; Ủy ban Kiểm tra có báo cáo về những dấu hiệu, biểu hiện của cán bộ, đảng viên thuộc Ban Thường vụ quản lý. Đây là nguồn thông tin rất hiệu quả đối với việc chỉ đạo của Ban Thường vụ.

Thứ hai, Bắc Giang cũng tăng cường công tác dân vận, cụ thể là những cơ quan bên chính quyền thì công tác dân vận phải được tăng cường theo tinh thần Nghị quyết 290 về công tác dân vận trong Đảng, đặc biệt đối với Bắc Giang có một số vấn đề cần quan tâm trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đó là tiếp tục một số mô hình về thực hiện quy chế hướng tới việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong giai đoạn hiện nay.

Bắc Giang hiện có một số đề án về tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như các cấp Hội đồng nhân dân. Đây là những vấn đề thiết thực trong giai đoạn hiện nay, trong đó, tập trung vào giám sát, phản biện, đặc biệt là giám sát những vấn đề bức xúc đang nổi lên tại địa phương. Ví dụ như những công trình trọng tâm, trọng điểm.

Một vấn đề được triển khai có hiệu quả ở Bắc Giang là việc thực hiện chấm điểm người đứng đầu. Trong thời gian gần đây, tỉnh có ban hành quy tắc về chấm điểm người đứng đầu. Người đứng đầu đặc biệt là người đứng đầu ở khối chính quyền. Có chấm điểm người đứng đầu là các sở,  ban, ngành, chấm điểm với những người đứng đầu ở huyện và các huyện chấm điểm ngược lại các sở, ban, ngành. Nội dung chấm điểm này hằng năm được đưa vào xếp loại, đánh giá đối với người đứng đầu. Đây là nội dung rất có hiệu quả đối với những đồng chí giữ những trọng trách quan trọng của địa phương. Cuối cùng, phát huy được sức mạnh phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể với các cơ quan đảng đoàn, Hội đồng nhân dân… 

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng cũng khẳng định, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tại Bắc Giang bắt đầu lan tỏa. Tỉnh có sự kỳ vọng lớn trong việc thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là cán bộ đảng viên có theo dõi và giám sát các đồng chí lãnh đạo; sự nêu gương trong thực hiện Nghị quyết Trung ương là như thế nào.

Ngoài những giải pháp trong Kế hoạch và Chương trình hành động qua thực tiễn ở cơ sở cần bổ sung một số giải pháp trong thực hiện Nghị quyết. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, lộ trình phải rất cụ thể trong thực hiện những việc cần làm ngay, những việc làm thường xuyên, đồng thời có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm…

Để nội dung Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống với những chi bộ phải có sự sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết. Ví dụ với chi bộ nông thôn có thể căn cứ vào tình hình cụ thể để hằng tháng sinh hoạt chuyên đề. Những đảng viên trong chi bộ ở khu vực này có nguy cơ mắc vào những diễn biến, chuyển hóa là cái gì và phương pháp giải quyết, ngăn chặn nội dung này ra sao.Như vậy, việc sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực tiễn địa phương và vấn đề này phải được đưa vào một cách cụ thể.

Người đứng đầu là người quan trọng, bởi trong một cơ quan, thủ trưởng làm gương tốt; trong một chi  bộ thì bí thư chi bộ làm gương tốt, cơ quan và chi bộ đó sẽ tốt. Vậy nên vấn đề người đứng đầu thực hiện cam kết trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là vấn đề được cán bộ, đảng viên đang quan tâm và theo dõi.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngoài kiểm tra, giám sát theo chương trình, theo điều lệ quy định thì cũng nên có những kiểm tra chuyên đề. Đặc biệt là đối với những cán bộ, đảng viên có nguy cơ, có dấu hiệu, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây cũng là một bước nhằm ngăn chặn đẩy lùi từ xa đối với những sai phạm cán bộ, đảng viên có thể mắc phải. 

Chủ động, chính xác, cung cấp đủ lượng thông tin cần thiết

Đồng chí Bùi Quang Huy cũng bày tỏ, với sự bùng nổ của truyền thông, hiện nay, rất đông thanh niên sử dụng mạng xã hội và thấy rằng cái gì cũng có mặt trái của nó. Bên cạnh những mặt tích cực của mạng xã hội, mặt trái của nó là các thế lực thù địch cũng đang dựa vào những trang mạng không chính thống để nói xấu chế độ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khiến thế hệ trẻ dễ mất niềm tin.  Do đó, yêu cầu cần thiết là những thông tin chính thống của chúng ta cần phải chủ động nhanh, chính xác, cung cấp đủ lượng thông tin cần thiết về những vấn đề liên quan. Đồng chí Bùi Quang Huy nhấn mạnh ở đây chính là tính chủ động, không đợi đến khi có thông tin sai lệch chúng ta mới đưa thông tin lên, chúng ta đưa sau chỉ mang tính “theo đuôi”, không định hướng được dư luận, tạo cảm giác cho dư luận chúng ta đang cố giải thích.

Thứ hai, phương thức của chúng ta bên cạnh chủ động cần phải thực hiện đúng theo Nghị quyết Trung ương 4 là kết hợp giữa xây và chống, trong đó, xây là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Trung ương Đoàn thì quan niệm cần phải lan toả những cái đẹp, cái đúng đắn, gương mẫu, rộng rãi nhằm hạn chế, bác bỏ những cái xấu.

Thực tế khi báo chí phản ánh những hiện tượng  tiêu cực trong xã hội lại tạo ra sự quan tâm lớn trong dư luận xã hội, nhưng điển hình mà mình nêu gương lại không được quan tâm. Chúng tôi cũng quan niệm rằng việc nêu gương để lan toả cái đẹp trong xã hội phải theo phương án “mưa dầm thấm lâu”, không thể ngày một ngày hai được. Chính vì vậy, việc chúng ta lan tỏa gương người tốt việc tốt, cái đẹp; những chủ trương ưu việt, đúng đắn của Đảng và Nhà nước cần được làm thường xuyên.

Đối với các đoàn viên, các cấp bộ đoàn cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên phải thực hiện tuyên truyền, sinh hoạt, phát ngôn trên mạng có trách nhiệm; trước cái xấu phải biết cách phản bác, trước những cái đẹp phải biết lan tỏa, đề cao tính trách nhiệm trong phát ngôn.

Đối với các tổ chức Đoàn, Trung ương Đoàn xác định đây là phương án chúng ta kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền nếu biết phát huy. Do đó, Trung ương Đoàn chỉ đạo tất cả các tổ chức Đoàn đều phải có trang fanpage để đăng tải thông tin của Đoàn, đồng thời là nơi đoàn viên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, giao lưu, đây cũng là cách nắm được tư tưởng của thanh niên sớm để có biện pháp tác động phù hợp, là nơi triển khai công tác. Hiện nay, chủ trương này được thực hiện khá tốt. 

Phát huy vai trò của báo chí

Để báo chí phát huy vai trò của mình, đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đi vào cuộc sống, theo nhà báo Nhị Lê, thứ nhất, báo chí cần tự soi xét lại mình như bây giờ.  Không ít những tờ báo, không ít những người cầm bút và những tòa soạn vô hình bị mua chuộc, vô hình bị sai khiến. Đấy là tổn thất lớn của báo chí.

Thứ hai, trước những công việc lớn, sự nỗ lực của báo chí bao nhiêu cũng không đủ nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các các cấp và toàn bộ hệ thống. Đồng thời, cũng phải chỉnh đốn lại những tồn tại.

Thứ ba, dù như thế nào đi chăng nữa, bản thân báo chí đã xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân thì cần xứng đáng hơn nữa; xứng đáng là tiếng nói của Đảng và Nhà nước thì cần tiếp tục xứng đáng hơn nữa.

Nhà báo Nhị Lê cũng tin tưởng rằng, trên con đường phát triển của báo chí, tất cả những điều không vui của một số tờ báo và một số người cầm bút tại những tờ báo này, dưới sự  chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy trực tiếp của tờ báo, sự nghiêm minh của pháp luật, và đặc biệt là sự tự trọng của người cầm bút, báo chí xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, các cấp ủy và của quần chúng nhân dân.

Có thể khẳng định, tính đến thời điểm hiện nay, các đảng bộ địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị với những chương trình hành động cụ thể. Buổi Tọa đàm trực tuyến “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4: Những việc cần làm ngay” đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất