(TCTG) - Sau phiên hội thảo chuyên đề (16/12), Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử Việt Nam 2008 đã chính thức diễn ra hôm nay (17/12) tại Hà Nội.
Với chủ đề “Xây dựng chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính nhà nước”, Hội thảo trao đổi về thực trạng vấn đề chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính của nước ta, thảo luận và đề xuất các biện pháp xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) gắn liền với cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước. Mục tiêu của Hội thảo này là nhằm tìm kiếm giải pháp xây dựng CPĐT gắn liền với cải cách hành chính thay vì thực hiện các hoạt động tin học hóa quản lý hành chính nhà nước một cách thụ động và riêng rẽ.
Phát biểu chủ trì Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khẳng định: Thực tiễn cho thấy, ứng dụng CNTT trong QLNN và tổ chức Chính phủ điện tử là nền tảng quan trọng để CCHC nhanh, triệt để và hiệu quả nhất.
Việc xây dựng CPĐT là một phần trong chiến lược cải cách thủ tục hành chính (CCHC), hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp, giúp người dân và DN làm việc với các cơ quan, Chính phủ được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Thể chế trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân đã được đổi mới bằng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đề cao vai trò giám sát của Quốc hội, của nhân dân và nhất là việc triển khai rộng rãi cơ chế “một cửa”. Tổ chức bộ máy hành chính các cấp được chấn chỉnh và kiện toàn, đầu mối của Chính phủ giảm từ 48 xuống còn 22. Các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện cũng được điều chỉnh, tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả cao hơn. Các cuộc giao ban và giao lưu trực tuyến giữa các cơ quan QLDN với doanh nghiệp, công dân với chính quyền các cấp được tăng cường, công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục được cải cách theo hướng rõ hơn về phân công, phân cấp, thẩm quyền trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức của mỗi cấp trong hệ thống hành chính nhà nước.
TS. Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ nhận định: CCHC là một chủ trương quan trọng trong đường lối đổi mới của Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nói đến vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính thực chất là đề cập đến những khả năng tạo ra sự thay đổi đối với hành chính phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của cải cách hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và Hội Tin học Việt Nam đã công bố Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam 2007 (Vietnam ICT Index 2007). Trong 3 năm qua, đây được xem là bộ chỉ số chính thống, đầy đủ nhất để xem xét tình hình phát triển CNTT-TT ở Việt Nam.
Theo báo cáo, ở khối các bộ và cơ quan ngang bộ, Bộ GD-ĐT tiếp tục xếp vị trí số 1 giống năm 2007 về chỉ số tổng quan, xếp hạng chung cho việc sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT-TT, Bộ NN-PTNT xếp thứ 2; xếp cuối cùng là Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ở khối các tỉnh, thành phố, Hà Nội xếp vị trí số 1 (năm 2006 xếp thứ 2), Đà Nẵng xếp thứ 2 (2006 là thứ 5) và TPHCM xếp thứ 3 (năm 2006 là số 1).
|
Sau 3 năm nỗ lực phấn đấu, theo xếp hạng của mạng lưới trực tuyến về hành chính công và tài chính của Liên Hợp quốc (UNPAN), chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 14 bậc, đạt 4,558 điểm, tăng 14 bậc, từ hạng 105 vào năm 2005 lên hạng 91/182 nước vào năm 2008, trong khi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều tụt hạng so với năm 2005.
Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) cho biết, từ vị trí quốc gia dẫn đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm, Việt Nam nay đã ra khỏi top 9 quốc gia có tỷ lệ vi phạm cao nhất.
Với gần 6 triệu thuê bao quy đổi và 23,5% dân số sử dụng Internet (20 triệu người), Việt Nam cũng đã vượt ngưỡng thuê bao Internet của thế giới (16,9% dân số), xếp hạng 17 trong top 20 quốc gia về số người sử dụng Internet.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin & Truyền thông, Việt Nam cho biết mục tiêu sẽ xây dựng chính phủ nối mạng vào năm 2010, xây dựng một cổng thông tin điện tử dành riêng cho cán bộ công chức; xây dựng thử nghiệm 4 bộ không dây, bao gồm Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ GD-ĐT, và xây dựng thử nghiệm 5 UBND tỉnh không dây, là TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An và Đắc Lắc.
Các đại biểu cũng cho rằng việc xây dựng và phát triển CPĐT Việt Nam còn nhiều khoảng cách so với yêu chung và với quốc tế, chưa tương xứng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và yêu cầu của nhân dân. Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu trong tin học hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước song các hệ thống ứng dụng được xây dựng mới dừng ở mức độ là các hệ thống rời rạc, chưa có sự liên kết giữa các hệ thống ứng dụng này theo chiều dọc (hệ thống ngành) và theo chiều ngang (sự phối hợp hoạt động giữa các ngành).
Theo ông Wei Choong Lam - Giám đốc quản lý Veros Consulting, một nghiên cứu của trường Đại học Manchester về triển khai CPĐT ở các quốc gia cho hay: 35% các dự án của CPĐT thất bại hoàn toàn, 50 % các dự án thất bại một phần, chỉ có 15% là thành công. Ông cho rằng, các yếu tố cản trở chính là: vốn, cam kết chính trị và hạ tầng cơ sở. Một số nước trên thế giới được coi là thành công trong xây dựng CPĐT là Mỹ, Canada, Hàn Quốc, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những vấn đề vướng mắc này.
Với trên 40 tham luận phong phú về các vấn đề có liên quan do đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng các chuyên gia trong và ngoài nước trình bày, Hội thảo thể hiện rõ quyết tâm cao của Chính phủ trong việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và đổi mới trong công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch, triển khai CPĐT trong giai đoạn tới. Hội thảo giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thêm thông tin xác định những hướng đi, cách làm mới nhằm xây dựng CPĐT thành công trong tương lai.
PV