Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 27/6/2009 15:51'(GMT+7)

Xây dựng Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại sử dụng rượu bia: Cần "bàn tay sắt"

 

Làm thế nào để các doanh nghiệp vừa chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Nhà nước, nhưng vẫn đảm bảo phát triển sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách và đảm bảo an sinh xã hội? 

Coi rượu bia như... "ngoáo ộp"

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN - ông Nguyễn Văn Hùng - cho biết, trong hội thảo về việc uống rượu bia khi lái xe do Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức mới đây, đã có đại biểu phát biểu ý kiến cho rằng, bia rượu là "quỷ dữ" bởi nó là mối liên kết trực tiếp với những tai nạn rủi ro trên đường, là nguyên nhân của sức khỏe kém, quan hệ tình dục không an toàn, bạo lực gia đình, gia đình tan vỡ...

Bia rượu cũng có ảnh hưởng tiêu cực vô hình đến văn hoá, truyền thống, đời sống đạo đức và kinh tế. Đã có cả một đề tài nghiên cứu của Bộ Y tế cho rằng, tác hại của bia rượu còn lớn hơn sự đóng góp của ngành bia rượu vào ngân sách hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu của Uỷ ban An toàn giao thông cho rằng, chỉ có từ 6 - 8% các vụ tai nạn giao thông từ năm 2004 - 2008 là có liên quan đến bia rượu. Còn theo Cục Sức khoẻ môi trường và thuốc phòng bệnh thì trong 185.058 trường hợp tai nạn xảy ra trong năm 2008, có 13% liên quan đến bia rượu.

Điều mà các DN sản xuất bia rượu quan tâm là cơ quan soạn thảo chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của sử dụng rượu bia đang đưa ra thành luật là không được quảng cáo bia rượu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, không quảng cáo bia rượu gần bệnh viện, trường học, các Cty sản xuất bia rượu không được phép tài trợ cho các hoạt động văn hoá thể thao và xã hội;

Quy định khắt khe hơn về độ tuổi được mua bán bia rượu và việc cấp phép cho phân phối bán bia rượu; đánh thuế cao hơn cho các sản phẩm bia rượu, giới hạn ngày giờ mở cửa của các cửa hàng rượu, cấm bán bia rượu trong suốt dịp Tết; trừng phạt khắt khe hơn đối với những người uống bia rượu khi lái xe...
"Bàn tay sắt"

Có thể nói, ngành công nghiệp bia - rượu - nước giải khát có vai trò khá quan trọng trong nền công nghiệp VN. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 26.745 tỉ đồng - chiếm 4,69% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp, thu hút trên 37.000 lao động với mức thu nhập bình quân khá cao so với các ngành khác. Năm 2008, toàn ngành bia đã đạt sản lượng gần 2 tỉ lít, ngành rượu đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 347 triệu lít.

Và mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát VN đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành phải đạt từ 12 - 13%/năm, đến năm 2010, sản lượng sản xuất bia sẽ đạt 2,5 tỉ lít bia, 80 triệu lít rượu công nghiệp và đến năm 2015 sản lượng sẽ phải đạt gấp đôi. Và việc thực hiện chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của sử dụng rượu bia sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện quy hoạch nêu trên.

Hiện nay, người tiêu dùng có thể mua rượu bia
ở bất cứ đâu, bất cứ giờ nào. Ảnh: Kỳ Anh.


Điều đáng quan tâm là những con số nêu trên về sản lượng bia rượu là diện quản lý được từ các DN sản xuất bia rượu. Còn theo số liệu của Trung tâm Quốc tế về chính sách rượu bia (ICAP) thì có tới 80% lượng tiêu dùng rượu ở VN được cung cấp từ nguồn "phi thương mại", được cung cấp từ các lò rượu thủ công và nguồn rượu nhập lậu, rượu giả - đang là đối tượng sẽ không chịu tác động từ việc hạn chế quảng cáo cũng như chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của sử dụng rượu, bia, bởi chưa có biện pháp nào quản lý và hạn chế được nguồn cung cấp từ đối tượng này.

Trong lúc đối tượng sử dụng loại rượu tự chế lại đa số là người nghèo, nên việc ngăn chặn và quản lý rượu tự chế là điều rất khó.

Mặt khác, trong số sản lượng gần 2 tỉ lít bia đang cung cấp cho thị trường tiêu dùng, các doanh nghiệp nhà nước lớn có công suất hàng trăm triệu lít/năm chiếm phần lớn, nhưng cũng đang có rất nhiều nhà máy bia có công suất 5 - 10 triệu lít năm đang hoạt động, mà chất lượng sản phẩm rất thấp do hầu hết đều sử dụng lại máy móc cũ thanh lý, công nghệ cũ.
 
Giám đốc Cty bia Thanh Hoá cho biết, Nhà nước cần có "bàn tay sắt" để quản lý việc cung cấp bia chất lượng thấp, rượu tự chế để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, qua đó mới có thể thực hiện chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của sử dụng rượu bia một cách phù hợp, chứ không nên áp dụng việc cấm đoán một cách tràn lan đối với các sản phẩm bia rượu đủ tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN, việc áp dụng chế độ độc quyền bán lẻ, hạn chế giờ và ngày bán rượu bia, hạn chế mật độ của các quán, hạn chế quảng cáo, tuyên truyền... nhằm điều chỉnh khả năng tiếp cận sản phẩm rượu bia, giảm tiêu dùng rượu bia sẽ hạn chế thương mại và thị trường tự do, ảnh hưởng đến sản xuất, phân phối và bán hàng.

Điều này sẽ là nguyên nhân làm gia tăng hoạt động sản xuất, buôn bán hàng lậu đối với mặt hàng bia rượu, gây thất thoát nguồn thu ngân sách./.

(Theo Lao Động điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất