Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược). Theo đó, Chiến lược xác định 6 quan điểm: 1) Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực. 2) Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. 3) Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường. 4) Tăng trưởng xanh phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước. 5) Tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh. 6) Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.
Cùng với mục tiêu tổng quát: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; Chiến lược cũng đã xác định các mục tiêu cụ thể như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu...
Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ giao, phân công các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan liên quan triển khai, trong đó Bộ Công Thương có các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, tăng tỷ trọng năng tượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, năng lượng hóa thạch, quản lý chặt chẽ việc phê duyệt và triển khai các dự án nhiệt điện than đảm bảo phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia được cấp thẩm quyền phê duyệt; tăng cường các giải pháp công nghệ đảm bảo phát triển hài hòa năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển nhiên liệu khí hydro gắn với điện gió ngoài khơi.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng; nghiên cứu, đề xuất áp dụng các công cụ tài chính, cơ chế khuyến khích, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính đối với các dự án đầu tư vào sử dụng hiệu quả năng lượng.
Ba là, hoàn thiện các điều kiện cần thiết cho việc phát triển đồng bộ thị trường năng lượng cạnh tranh, đẩy mạnh cơ chế khai thác hạ tầng năng lượng dùng chung. Thúc đẩy thị trường cho thiết bị hiệu suất cao và các công ty dịch vụ năng lượng.
Bốn là, xây dựng danh mục và hướng dẫn triển khai các giải pháp kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh nghiệm quản lý môi trường tốt nhất cho các ngành công nghiệp theo điều kiện quốc gia và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ; rà soát, xây dựng và ban hành định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp. Triển khai giải pháp quản lý và công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản, chú trọng chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Năm là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp.
Sáu là, chủ trì tổ chức, triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trên cơ sở những kết quả đạt được từ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược 2011-2020); thực hiện sự phân công, giao nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, các nội dung chính về tăng trưởng xanh ngành công thương chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ:
Một là, mục tiêu tổng quát:
Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.
Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 190 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420 - 460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375 - 410 kgOE/1.000 USD GDP.
Thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo theo hướng tăng trưởng xanh trong đó áp dụng các giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045 và với sự hỗ trợ của quốc tế phấn đấu đạt các mục tiêu cao hơn, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.
Hai là, mục tiêu cụ thể:
Giai đoạn 2021-2025: Thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát, giấy,..; 50% đến 70% các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại;
Giai đoạn 2026-2030: Thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 7 - 10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát, giấy và một số ngành sản xuất khác; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.
Ba là, các nhiệm vụ chủ yếu về tăng trưởng xanh ngành Công Thương:
Phát triển ngành sản xuất điện theo hướng tăng trưởng xanh với định hướng chiến lược tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp, giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hóa thạch;
Xây dựng và ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng mới như hydrogen, thu hồi lưu giữ và tái sử dụng các-bon;
Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy khuyến khích phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo;
Thực hiện các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ trong sản xuất công nghiệp, tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm tối đa chất thải ra môi trường;
Xây dựng các cơ chế khuyến khích triển khai các giải pháp về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước, tái chế, tái sử dụng chất thải trong công nghiệp;
Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển mô hình cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp;
Xây dựng danh mục và hướng dẫn triển khai các giải pháp kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh nghiệm quản lý môi trường tốt nhất cho các ngành công nghiệp theo điều kiện quốc gia và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ.
Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững thuộc Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ;
Triển khai thực hiện lộ trình loại bỏ phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới theo Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg ngày 18/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển thị trường các thiết bị hiệu suất cao, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của toàn xã hội, thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng đối với danh mục các thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ.../.
VĂN QUÁN