Thứ Hai, 2/12/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 24/7/2023 9:25'(GMT+7)

Xây dựng chuẩn mực đạo đức trung thành, kiên định, vì nước, vì dân

Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” sáng 19/5/2023.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” sáng 19/5/2023.

VỀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Xin được bàn về mấy chuẩn mực: Trung thành; Kiên định; Vì nước, vì dân.

Trung thành được hiểu là trước sau như một, giữ trọn niềm tin, tình nghĩa, tình cảm một cách chân thực, thực sự, không thêm bớt, thay đổi đối với ai hay cái gì. Như vậy, trung thành có hai nghĩa chính gắn bó mật thiết với nhau: một lòng một dạ (không thay lòng đổi dạ) và chân thực. Chỉ có một vế một lòng một dạ mà không chân thực thì không thể gọi là trung thành; ngược lại chỉ có chân thực mà không trước sau như một cũng không thể coi là trung thành.

“Trung” hay “Trung thành” là khái niệm cũ, mà rõ nhất là trung với vua. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào khái niệm cũ một nội dung mới, giá trị mới có ý nghĩa cách mạng. Đó là trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng, với Chính phủ, với giai cấp, với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v.. Một điều đặc biệt là trong khi nói/viết về chữ “trung” hay “trung thành”, Hồ Chí Minh thường thêm những trạng từ để nhấn mạnh như “tận”, “tuyệt đối”, “hết sức”, “trọn đời”, “thật”, v.v.. Một vài ví dụ thể hiện:

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm (tháng 8/1948), Hồ Chí Minh nói: “Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”(1) .

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (1958), Hồ Chí Minh viết: “Cho nên đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng”(2).

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc (ngày 22/9/1962), Hồ Chí Minh nói: “Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp”(3).

Trong “Di chúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(4).

Trong giai đoạn mới, nói cán bộ, đảng viên trung thành là phải một lòng một dạ, thật sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trọn đời vì dân tộc và Tổ quốc, vì dân, vì Đảng, vì giai cấp và vì công cuộc đổi mới. Đảng viên phải thực hiện đúng những gì đã hứa trước đảng kỳ khi vào Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng hiện nay. Cán bộ thì phải thi hành nghiêm các quy định trong Luật Cán bộ, công chức và những văn bản liên quan tới cán bộ, công chức. Một người vừa là cán bộ, vừa là đảng viên thì phải thực hiện tốt cả hai vai.

Có một điều cần được làm rõ khi bàn về trung thành nói chung, nói cụ thể là trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh được hiểu như thế nào? Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh là trung thành với mục tiêu, lý tưởng mà Người nêu ra, hoài bão lớn nhất mà Người ấp ủ như thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, giàu mạnh, công bằng, hòa bình, hữu nghị, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu; trung thành với tinh thần, những quan điểm, phương pháp luận có tính nguyên tắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt... Mỗi công tác phải hợp với từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh”(5).

Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh còn được hiểu là trung thành với logic phát triển tư tưởng của Người, phát triển theo phép biện chứng trong quá trình đi tìm quy luật của công cuộc đổi mới, của sự phát triển đất nước để đạt được mục đích đã đề ra.

Hiểu trung thành như vậy là đúng với bản chất khoa học và cách mạng trong lý luận của V.I. Lênin. Ông viết: “Người cộng sản phải có dũng khí nhìn vào sự thật, phải có gan vứt bỏ những nhận thức của ngày hôm qua không phù hợp với tình hình diễn biến của ngày hôm nay, phải biết “thay đổi sách lược, chọn một con đường khác để đi tới đích của chúng ta, nếu con đường cũ, trong một thời gian nhất định nào đó, xem ra không thích hợp nữa, không đi theo được nữa”(6).

Kiên định được hiểu là vững vàng, không dao động, ngả nghiêng, lung lay trước mọi sóng gió thử thách, gian khổ, khó khăn, trở lực. Kiên định thường liên quan tới ý chí, ý định, thái độ, lập trường, tư tưởng, v.v.. Ta thường nói thái độ kiên định, lập trường kiên định; kiên định ý chí, kiên định mục tiêu và con đường đã chọn, v.v..

Trong giai đoạn mới, hai từ “kiên định” đối với cán bộ, đảng viên không hề thay đổi, nhưng chứa đựng nhiều giá trị mới và cụ thể của của sự vững vàng, không dao động, mà nổi lên hàng đầu là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(7). Kiên định là “Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa”(8), mà “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”(9).

Kiên định không đồng nghĩa với bảo thủ, rập khuôn, máy móc, giáo điều, khư khư giữ nếp cũ, “tin một cách mù quáng từng câu một trong sách”(10). Khi nhận thức thấu đáo giá trị, ý nghĩa ý định mình đưa ra, mục đích việc mình làm, con đường mình đi, v.v.. thì dù khó khăn, gian khổ, trở lực đến mấy cũng phải giữ vững ý chí, kiên định lập trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê bình sự thiếu kiên định, một trong những biểu hiện của bệnh “cá nhân”: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”(11).

Để làm rõ hơn kiên định đối lập với giữ nếp cũ một cách bảo thủ, Hồ Chí Minh viết: “Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”(12). Người phân tích rõ hơn cách hiểu kiên định chủ trương, đường lối của Đảng là phải phù hợp với tình hình khách quan: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(13).

Tình hình khách quan cần được hiểu sâu rộng đó là thực tiễn, xu thế đổi mới của nước ta và diễn biến của thời đại, là hơi thở của cuộc sống, đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng và đòi hỏi của người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(14).

Hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực phản động, thù địch, cơ hội dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc muốn xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, hạ bệ “thần tượng Hồ Chí Minh”, hướng chúng ta đi theo một con đường khác. Trong bối cảnh đó, cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối kiên định vững vàng, không được “phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(15); không được xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng, phụ họa theo những quan điểm lệch lạc, sai trái, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tham quan trưng bày triển lãm tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, diễn ra ngày 19-5, tại Hà Nội.

Đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu tham quan trưng bày triển lãm tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, diễn ra ngày 19-5, tại Hà Nội.

Về mặt phương pháp luận, để kiên định chống lại sự thỏa hiệp, xuôi chiều thì phải hiểu thấu và làm đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”(16).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau khi khẳng định phải luôn luôn kiên định vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã nhấn mạnh: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(17).

Vì nước, vì dân là đề cập tới mục đích làm việc, hoạt động, cống hiến của cán bộ, đảng viên. Ở đây, nước và dân là đối tượng phục vụ của cán bộ, đảng viên trong mọi thời gian, không gian, mọi công việc. Quan trọng nhất của chuẩn mực đạo đức vì nước, vì dân là phải đặt lợi ích của nước, của dân lên trên hết, trước hết. Xét đến cùng thì vì nước, vì dân là cốt lõi đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là vì nước, vì dân liên quan gì tới vì Đảng?

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể”(18). “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”(19).

Trong di sản Hồ Chí Minh có mấy cách viết về mối quan hệ vì nước, vì dân và vì Đảng. Thứ nhất, khi viết về trọng lợi ích của Đảng hơn hết(20), Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”(21). Người lại viết: “Phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”(22). Thứ hai, Người cho rằng cán bộ, đảng viên phụ trách trước Đảng và Chính phủ là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ còn phải phụ trách trước nhân dân. “Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân”(23).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25/1/1961(Ảnh: Tư Liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25/1/1961(Ảnh: Tư Liệu)

Hồ Chí Minh nhiều lần nói về mọi công việc của bản thân mình chỉ nhằm một mục đích duy nhất vì Tổ quốc và nhân dân. Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(24). Người khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”(25). Thậm chí về việc riêng, Người cũng khẳng định: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(26).

Trước đây cũng như hiện nay, chuẩn mực đạo đức vì nước, vì dân là không thay đổi, nhưng giá trị có bổ sung. Nước và dân là mục đích, đối tượng phục vụ của cán bộ, đảng viên, mà quan trọng nhất là phải đặt lợi ích của nước, của dân lên trên hết, trước hết. Việc gì lợi cho dân, cho nước, dù nhỏ mấy, cũng phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, cho nước, dù nhỏ mấy, cũng phải hết sức tránh. Vì nước và vì dân hòa quyện vào nhau, bởi “dân là dân nước, nước là nước dân”, dân có giàu thì nước mới mạnh, nước có mạnh thì dân mới giàu, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; “vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu”(27).

Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là tìm kiếm, xây dựng hệ giá trị mới. Mà giá trị mới là loại bỏ những giá trị cũ được thực tiễn kiểm nghiệm là không đúng; những gì lạc hậu, lỗi thời; những cái cũ đúng giai đoạn trước nhưng trong giai đoạn mới không phù hợp. Giá trị mới vẫn có thể bao hàm những giá trị cũ, nhưng vượt lên trên cái cũ và bổ sung thêm những giá trị mới phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sự phát triển của công cuộc đổi mới, của cách mạng, của xã hội. Tức là chuẩn mực đạo đức mới phải phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển đạo đức cách mạng, đáp ứng, trả lời được những câu hỏi mà cuộc sống đặt ra, đặc biệt trong nhiệm vụ xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.

PGS.TS. BÙI ĐÌNH PHONG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

___

(1) (11) (18) (19) (20) (21) (22) (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.112-113, 595, 298, 290, 290-291, 334, 334, 334, 334.

(2) (8) (10) (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 605, 378, 98-99, 98-99.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.471.

(4) (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622, 623.

(5) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.555, 55.

(6) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, t.44, tr.189.

(7) (27) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.109, 205.

(9) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378, 377.

(13) (24) (25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.28, 187, 272.

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.28.

(17) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.37 -38.

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất