Thứ Sáu, 20/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 14/11/2015 9:54'(GMT+7)

Xây dựng đề án phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại trong môi trường mạng

Ngày 13/11, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại trong môi trường mạng với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. 

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng: Thế giới phẳng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em nhưng chính trẻ em cũng phải chịu nhiều rủi ro và nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn từ môi trường mạng. Hai mươi năm trước, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về truyền hình và trẻ em chỉ ra tính chất hai mặt của thế giới phẳng và nó tác động hai mặt đến trẻ em. Bất kỳ trẻ em nào khi truy cập mạng đều có nguy cơ bị xâm hại. Vì vậy chính sách hướng tới trẻ em cần được xây dựng chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro này dù nguy cơ là cao hay thấp...
 
Nhằm phòng ngừa, trợ giúp trẻ bị xâm hại trong môi trường mạng, ông Đặng Hoa Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam đang xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu. Nhà nước chưa có quy định cụ thể đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng nhằm phân loại các nội dung trên internet; năng lực của các cơ quan liên quan còn hạn chế. Bên cạnh đó, đa phần phụ huynh không có thời gian và đủ kiến thức về công nghệ thông tin để giáo dục trẻ em. Các chương trình giáo dục của nhà trường mới dừng lại ở việc phổ cập tin học chứ chưa trang bị kiến thức tự bảo vệ cho trẻ. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. 

Vì vậy, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đã xây dựng đề cương Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với mục tiêu bảo vệ mọi trẻ em khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng, được hưởng lợi ích từ việc sử dụng tiện ích của internet mà không có nguy cơ. Theo đó, đề án sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước, chú trọng các thành phố, khu vực đô thị - nơi có tỷ lệ lớn trẻ em tham gia sử dụng các ứng dụng tiện ích trong không gian mạng. Đề án được thực hiện từ 2016 - 2020. 

Bà Quách Thu Trang - Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số đề xuất cần cải thiện kỹ năng giao tiếp, trao đổi của bố mẹ đối với vị thành niên liên quan đến việc sử dụng internet an toàn, phòng ngừa và xử trí bị bắt nạt, dụ dỗ tình dục qua mạng. Các nhà trường cần có hỗ trợ và quy trình xử lý hợp lý khi có những báo cáo về các trường hợp bị bắt nạt, dụ dỗ từ học sinh. Các tổ chức dịch vụ cần có sự kết nối, tư vấn, dịch vụ sức khỏe, công an, pháp lý để hỗ trợ vị thành niên khi gặp những trải nghiệm không mong muốn qua mạng. Giáo dục giới tính bắt buộc cho vị thành niên trong và ngoài trường học cần đưa vào luật. 

Theo Chuyên gia của UNICEF Afrooz Kaviani Johnson, những yếu tố quan trọng để tạo nên môi trường có tính bảo vệ cho trẻ em đó là những hành động liên ngành, đa ngành, nhận thức và sự ủng hộ của công chúng cũng như các cán bộ làm việc vì trẻ em… 

Theo kết quả Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam, năm 2004 mới chỉ có 17,3% thanh, thiếu niên Việt Nam sử dụng internet, một tỷ lệ khá thấp so với khu vực, nhưng đến 2013, tỷ lệ này đã tăng vọt lên 73% và trên 60% thanh, thiếu niên truy cập mạng để tán gẫu và chơi game. /. 

Ngọc Anh/TTXVN 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất