1. Trải qua các thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, trực tiếp là của Đảng ủy và Bộ An ninh nhân dân, công tác giáo dục chính trị - tư tưởng ngày càng được coi trọng, trở thành yếu tố quyết định nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong toàn lực lượng. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, tác động trực tiếp đến tư tưởng, chính trị của cán bộ, chiến sĩ, Đảng ủy An ninh Trung ương và Bộ An ninh nhân dân Lào đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, làm cho công tác giáo dục chính trị - tư tưởng trở nên sắc bén, góp phần tạo nên những bước đột phá, chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng lực lượng trên toàn quốc.
Một trong những lực lượng trở thành nòng cốt trong công tác giáo dục chính trị - tư tưởng của lực lượng an ninh nhân dân Lào, chính là đội ngũ những người trực tiếp làm công tác này. Cùng với những thành tích đạt được, đội ngũ làm công tác giáo dục chính trị - tư tưởng trong lực lượng an ninh nhân dân Lào hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều mặt còn hạn chế. Chất lượng đội ngũ chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Nội dung giáo dục còn thiếu tính thuyết phục và chưa thực sự phù hợp với trình độ của từng đối tượng. Hình thức, phương pháp còn mang nặng tính áp đặt, một chiều, đơn điệu. Cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm cho giáo dục ở một số đơn vị, nhất là ở cơ sở còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa lôi cuốn, hấp dẫn cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với các chiến sĩ trẻ. Những hạn chế đó dẫn đến công tác giáo dục chính trị - tư tưởng mặc dù mất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa chuyển hóa thành nhận thức, niềm tin và hành động tích cực của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng an ninh nhân dân Lào.
Việc thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác giáo dục chính trị - tư tưởng hoàn toàn không phải do ý chí chủ quan mà do đòi hỏi khách quan từ thực tiễn. Do đó, trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy đơn vị, đoàn thể các cấp phải chăm lo xây dựng đội ngũ này. Chỉ có sự chăm lo thiết thực mới có tầm nhìn dài hạn trong quá trình xây dựng lực lượng tương xứng với nhiệm vụ được giao. Và cũng chỉ khi nào tiếp cận đúng lô gic này, thì công tác giáo dục chính trị - tư tưởng trong lực lượng an ninh nhân dân Lào mới trở nên hấp dẫn, thu hút sự quan tâm và tinh thần nhiệt huyết của các đối tượng tham gia.
2. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tháng 1-2016) khẳng định: “Công tác chính trị tư tưởng là một vấn đề lâu dài, liên quan trực tiếp đến cách mạng nước Lào từ đầu đến cuối”(1). Báo cáo Chính trị tại Đại hội X nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng và củng cố chính trị tư tưởng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới toàn diện và có nguyên tắc, nổi bật là tiến hành công tác chính trị - tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, song song với công tác xây dựng Đảng và phát triển nguồn nhân lực, là những yếu tố quyết định phát triển đất nước trong giai đoạn mới”(2). Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng nói chung, trong lực lượng an ninh dân dân nói riêng, trong thời gian tới, một số giải pháp đồng bộ cần thực hiện tốt là:
Một là, tiêu chuẩn hóa phẩm chất và năng lực làm cơ sở để lựa chọn, quy hoạch đào tạo cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng.
Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng là mục đích của công tác tư tưởng. Từ mục đích đó, tạo dựng niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, điều này rất khó. Một mặt, công tác tư tưởng luôn là những vấn đề trừu tượng, có tính vĩ mô; mặt khác, niềm tin luôn đòi hỏi sự hiểu biết và cả sự rung động của trái tim. Phải “giải quyết” được những khó khăn này thì công tác giáo dục chính trị - tư tưởng mới nâng cao sự hiểu biết, thúc đẩy niềm tin thành hoạt động tự giác, tích cực trong công tác, học tập, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng an ninh nhân dân.
Đối tượng chiến sĩ, nhất là chiến sĩ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số thường dễ tin vào hành động hơn là lời nói, do đó, xây dựng phẩm chất và năng lực; niềm tin và lý tưởng của đội ngũ giáo dục chính trị - tư tưởng là đòi hỏi khách quan từ thực tiễn. Chủ tịch Kaysỏn Phômvihẳn đã từng chỉ ra: “Nước Lào gồm có nhiều dân tộc. Trong nhiều dân tộc có nhiều sự tốt đẹp. Cũng như trong vườn hoa có nhiều sắc đẹp và hương thơm, Đảng cần biết phát huy những điều tốt đẹp của từng dân tộc ấy”(3). Trong khi, đa số cán bộ, chiến sĩ an ninh nhân dân đều thuộc đồng bào dân tộc và theo đạo Phật nguyên thủy nên cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng cần phải nắm chắc phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số, biết giáo lý đạo Phật và coi đó là một tiêu chuẩn riêng của cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng.
Hai là, xây dựng quy hoạch cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng cả trước mắt và lâu dài.
Lâu nay, việc hình thành đội ngũ cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng ở một số cấp ủy thường diễn ra một cách tự nhiên, tự phát không có quy hoạch. Điều này hoàn toàn không đảm bảo với vị trí đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng. Quy hoạch để có tầm nhìn dài hạn, nghiêm túc, bài bản, không bị hẫng hụt, là yêu cầu bức thiết. Bộ An ninh cần sớm hoàn thiện việc xây dựng tiêu chuẩn, chỉ đạo cơ sở sớm phát hiện những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong nước hoặc ở nước ngoài có tố chất, năng khiếu để đưa vào dự nguồn quy hoạch.
Ba là, tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng trong các trường đại học và thông qua thực tiễn công tác.
Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải quan tâm chọn lựa những người trong diện quy hoạch đi đào tạo cơ bản về nghiệp vụ công tác tư tưởng, tuyên truyền. Bộ An ninh và các cơ quan chức năng cần có chính sách cử tuyển và khuyến khích chiến sĩ là con em các dân tộc thiểu số và cán bộ chính trị đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường đại học, học viện trong và ngoài lực lượng để xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng có chất lượng. Các cơ quan, đơn vị có thể liên kết với các cơ sở đào tạo mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày dành cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị và cán bộ làm công tác Đảng tại cơ sở đào tạo hoặc tại đơn vị.
Bốn là, đổi mới phương thức giáo dục chính trị - tư tưởng
Cần nghiêm túc đấu tranh khắc phục tình trạng cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng “mắc bệnh” quan liêu, xa rời quần chúng, thiếu tôn trọng chiến sĩ. Muốn vậy, cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng phải bám sát quần chúng, lắng nghe thông tin phản hồi từ cơ sở để kịp thời giải đáp những băn khoăn, bức xúc của cán bộ, chiến sĩ, của đồng bào thuộc địa bàn phụ trách. Củng cố và nâng cao năng lực nhận diện, nắm rõ âm mưu của các thế lực thù địch, đội lốt tôn giáo để thực hiện chia rẽ, kích động đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang...
Năm là, quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng.
Cần có cơ chế cung cấp đầy đủ, nhanh chóng tài liệu tuyên truyền thông qua các kênh trong và ngoài lực lượng. Trong điều kiện mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, số cán bộ, chiến sĩ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều, các cấp trong lực lượng không thể không quan tâm ứng dụng mạng xã hội vào công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ bằng các nội dung, phương thức phù hợp mà không ảnh hưởng đến chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Bộ An ninh cần tăng cường đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất như hội trường, câu lạc bộ, nhà văn hóa… làm địa điểm giáo dục tập trung. Đầu tư mua sắm các phương tiện hiện đại như máy tính, máy chiếu, loa tay, hệ thống truyền thanh, pa nô, áp phích, khẩu hiệu… làm phương tiện để hỗ trợ cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng, vừa là công cụ để cán bộ giáo dục chính trị - tư tưởng mở rộng phạm vi tác động và tăng sức lôi cuốn hấp dẫn đối với đồng bào./.
_________________________
(1), (2) Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Quốc gia Lào, Viêng Chăn, 2016, tr.10, 5.
(3) Kaysỏn Phômvihẳn: Phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc trong đại gia đình Lào thống nhất, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và xây dựng hoàn thành xã hội chủ nghĩa, Nxb. Quốc gia Lào, Viêng Chăn, 1982, tr.12.
Sonthavixay Her