Nhìn lại công tác TTM về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm qua cho thấy, hoạt động công tác TTM đã đạt được kết quả quan trọng. Thực tế trong bối cảnh hiện nay khi hệ thống truyền thông đại chúng như: đài phát thanh, đài truyền hình, báo viết, báo điện tử, đặc biệt là Internet và mạng xã hội bùng nổ mạnh mẽ, nhưng công tác TTM vẫn giữ vững vai trò là một trong những phương thức thông tin, tuyên truyền chủ đạo để tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống sản xuất, kinh doanh; đồng thời, định hướng thông tin, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những thông tin xấu, độc.
Qua khảo sát thực tế của Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, đại đa số cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cả nước và ở các bộ, ngành từ Trung ương đến cơ sở đều quan tâm đến công tác TTM, trong đó có TTM về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, hoạt động công tác TTM luôn được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện theo hướng hiện đại; đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) cơ bản được kiện toàn đầy đủ số lượng, nâng cao về chất lượng.
Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, hầu hết cấp ủy các cấp đã chú trọng, tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ BCV, TTV. Hằng năm và sau mỗi nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, các cấp ủy đã tập trung rà soát, bổ sung, kiện toàn lực lượng BCV của cấp mình. Nhìn chung, đội ngũ BCV, TTV đã được tổ chức bài bản, quy củ, chặt chẽ có hệ thống từ Trung ương tới cơ sở, với cơ cấu tương đối hợp lý (tính đến ngày 30-10-2017, cả nước có 344 BCV cấp Trung ương; 3.945 BCV cấp tỉnh và tương đương; 39.107 BCV cấp huyện và tương đương; 179.094 tuyên truyền ở cơ sở).
Tuy vậy, đến nay công tác TTM về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn không ít khó khăn, khiếm khuyết. Chẳng hạn, đối tượng chủ yếu của công tác TTM về phát triển kinh tế - xã hội trước hết phải là lãnh đạo các doanh nghiệp (cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) và người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; song nội dung, phương thức TTM nhìn chung vẫn mang tính “đại trà”, tuyên truyền cho xong đợt, nên đã hạn chế nhất định đến hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện ở không ít cơ quan, đơn vị chưa được lãnh đạo quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng ứng dụng công nghệ hiện đại chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức TTM.
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ BCV, TTV vẫn còn hạn chế, bất cập, như: đội ngũ đông nhưng chưa mạnh, còn lúng túng trong công tác tham mưu, thường bị động khi xử lý tình huống, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm mới phát sinh; năng lực nắm bắt, phân tích, dự báo về tình hình tư tưởng, nhất là lĩnh vực công tác TTM, vận động quần chúng còn hạn chế. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay hầu hết tuyên truyền viên cấp xã, phường chưa được đào tạo cơ bản về kỹ năng nghiệp vụ công tác tuyên giáo, nghiệp vụ BCV, TTV, do đó tính chuyên nghiệp, khả năng sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ còn yếu.
Mặc dù Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Quyết định số 518-QĐ/BTGTW, ngày 10-11-2011 Quy định về tiêu chuẩn BCV; Hướng dẫn số 31-HD/BTGTW, ngày 30-12-2011 về Xây dựng, kiện toàn đội ngũ BCV, tuy nhiên, việc triển khai, tổ chức thực hiện của cấp ủy, địa phương, bộ, ngành chưa sát với Quyết định và Hướng dẫn nêu trên. Vì thế, trong tổ chức xây dựng đội ngũ BCV còn thiếu thống nhất, số lượng BCV cùng cấp không đồng đều.
Một số nhóm giải pháp cơ bản nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác TTM về thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới là:
Một là, nhóm giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác TTM về kinh tế - xã hội.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung: Quán triệt sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác TTM, hoạt động của đội ngũ BCV; xây dựng, thẩm định, thông qua và triển khai kế hoạch thực hiện các hoạt động TTM về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ BCV, TTV; đổi mới, đa dạng và linh hoạt hóa hình thức và nội dung cung cấp thông tin cho đội ngũ BCV; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sơ kết việc thực hiện nghiêm Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác TTM theo Quyết định số 340-QĐ/TW, ngày 3-12-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu Văn phòng Trung ương Đảng cùng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chính sách phù hợp với tình hình hiện nay; người đứng đầu cơ quan, đơn vị Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng mô hình Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo các cấp làm thiết chế để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác TTM nói chung và TTM về thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói riêng.
Hai là, nhóm giải pháp về củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ BCV, TTV.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng của đội ngũ BCV, TTV. Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ BCV, TTV.
Tiến hành rà soát bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của đội ngũ BCV, TTV, đặc biệt coi trọng việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá (về nhận thức, về thái độ, về hành vi đạo đức…).
Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin đặc biệt đối với đội ngũ BCV, TTV; nâng cao chất lượng và tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ BCV, TTV…
Ba là, nhóm giải pháp về đổi mới nội dung và phương thức tiến hành công tác TTM về kinh tế - xã hội.
Về đổi mới về nội dung: Tập trung tuyên truyền các nhóm vấn đề chính: Tuyên truyền lý luận và các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; về tình hình kinh tế thế giới và trong nước; các dự án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế của Trung ương và địa phương; các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam và thế giới; phong trào thi đua yêu nước; xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình điểm, điển hình, nhân tố mới; về cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các quan điểm sai trái trong lĩnh vực kinh tế.
Tập trung tuyên truyền các nhóm vấn đề chính: Tuyên truyền lý luận và các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; về tình hình kinh tế thế giới và trong nước; các dự án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế của Trung ương và địa phương...
|
Về đổi mới về phương thức: Củng cố và duy trì thường xuyên chế độ thông tin định kỳ cho BCV, vừa tổ chức hội nghị tại Trung ương vừa tổ chức hội nghị luân phiên ở các địa phương, tạo thành nền nếp cung cấp thông tin thông suốt, hướng mạnh về cơ sở, nhất là nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đẩy mạnh thông tin hai chiều theo hướng dân chủ hoá, tăng cường đối thoại. Kết hợp thông tin TTM với việc cung cấp các tài liệu, tư liệu, băng ghi âm, ghi hình, giúp người nghe có thông tin nhanh, phong phú, hấp dẫn. Tổ chức hội nghị trực tuyến và hội nghị trực tiếp.
Chăm lo xây dựng đội ngũ BCV, TTV và tích cực đổi mới phương tiện phục vụ TTM. Chú trọng xây dựng đội ngũ BCV ở Trung ương và đội ngũ cộng tác viên là những cán bộ lãnh đạo, chuyên gia giỏi ở các bộ, ban, ngành Trung ương phục vụ cho hoạt động BCV. Thường xuyên tập huấn và bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ cho BCV, TTV...
Bốn là, nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng cung cấp thông tin định hướng về lĩnh vực kinh tế - xã hội cho đội ngũ BCV, TTV và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động TTM.
Giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp thông tin: 1) Xác định chủ đề, định hướng thông tin TTM về kinh tế - xã hội. BCV phải được cung cấp các nguồn thông tin cơ bản, chính xác, cập nhật và được nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm chắc các nguồn thông tin cơ bản đó. 2) Nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội đang diễn ra trong đời sống xã hội, điểm mạnh, điểm yếu, vấn đề bức xúc, nổi cộm, “điểm nóng” cần tháo gỡ. 3) Chuẩn bị tổ chức hội nghị thông tin TTM chu đáo, hấp dẫn.
Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác TTM: Hiện đại hoá các nội dung, phương tiện công tác TTM; chú trọng các hình thức, biện pháp nghe nhìn bằng công nghệ mới giúp người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và có thể lưu trữ làm tài liệu, tư liệu cá nhân để vận dụng trong thực tiễn TTM.
Các nhóm giải pháp trên đây mang tính cơ bản, đồng bộ, cơ mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Để phát huy tính khả thi, yêu cầu đặt ra đối với các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể là cần phải có chủ trương, biện pháp nâng cao nhận thức tư tưởng, thấy rõ vị trí vai trò tầm quan trọng của công tác TTM nói chung, TTM về kinh tế - xã hội nói riêng. Khắc phục tình trạng nhận thức tư tưởng thiếu đầy đủ, coi thường, xem nhẹ công tác TTM cả từ hai phía: người tổ chức, người nghe và người trực tiếp BCV, TTM. Ngoài việc phân công trách nhiệm cho Ban Tuyên giáo, đồng chí phụ trách, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị và tập thể lãnh đạo thường xuyên xem xét chỉ đạo thực hiện TTM; luôn có kế hoạch cụ thể chỉ đạo công tác TTM về từng chủ đề, vấn đề gắn với thời điểm, đối tượng cụ thể./.
TS. Đoàn Văn Báu
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo
Ban Tuyên Giáo Trung ương