Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 27/8/2014 9:50'(GMT+7)

Xây dựng đội ngũ kế cận gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa ca trù

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu khai mạc.

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu khai mạc.

Tối ngày 26/8 tại Hà Nội, Viện âm nhạc Việt Nam phối hợp với các tỉnh, thành phố có Di sản ca trù đã chính thức khai mạc Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014, diễn ra từ ngày 26/8- 29/8. Liên hoan có sự tham gia của 25 đơn vị thuộc 12 tỉnh thành phố tham dự với gần 300 nghệ sỹ. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam PGS.TS Lê Văn Toàn, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam GS.TSKH Tô Ngọc Thanh  đã tham dự.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh: Tháng 10/2009, Hát Ca trù của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhận được danh hiệu là một niềm vui, một điều vinh dự cho đất nước ta nói chung và cho nghệ thuật Ca trù nói riêng, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với chúng ta trong việc bảo vệ Di sản này. 5 năm trôi qua, mặc dù còn không ít khó khăn, bất cập cần từng bước tìm cách giải quyết, chúng ta đã có nhiều nỗ lực hoạt động để bảo vệ Di sản Ca trù. Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014 là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch bảo vệ Di sản mà Việt Nam đã cam kết thực hiện trong hồ sơ đệ trình lên UNESCO.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng đánh giá cao Viện Âm nhạc Việt Nam với tư cách là cơ quan xây dựng hồ sơ đã có nhiều đóng góp trong chương trình hành động bảo vệ Ca trù và đặc biệt đã bỏ nhiều công sức để tổ chức Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014.

Thứ trưởng Vương Duy Biên kêu gọi: Bảo vệ di sản văn hoá ca trù là trách nhiệm không chỉ của các nhà quản lý Văn hoá mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Mỗi chúng ta hãy cùng chung tay để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Ca trù nói riêng một cách bền vững.


 Nghệ nhân CLB Ca trù Lỗ Khê – Hà Nội trình diễn

Nội dung các chương trình trình diễn tại Liên hoan, ngoài những thể cách hát quen thuộc thường ca hát trong CLB, các  tổ chức, BTC cũng khuyến khích các đơn vị đưa vào chương trình trình diễn 5 trên 15 thể cách Ca trù có tính kinh điển, bao gồm: Hát Mở, (hoặc hát Mở Cửa Đình); Thét nhạc; Gửi thư; Bắc Phản; Ngâm vọng; Thiên thai; Mưỡu- Hát nói; Ngâm thơ cô đầu; Hát kể chuyện; Hat đò đưa; Các thể cách trong hát múa Chúc hỗ; Các thể cách trong Hát Cửa Đình; Ả Phiền 36 giọng; Hát múa Bài bông; Hát múa Bỏ bộ. Đồng thời khuyến khích các đơn vị trình diễn những thể cách hát hoặc hát múa ca trù mới được phục hồi, khai thác đưa vào biểu mục nghệ thuật của đơn vị mình.

Sẽ có 3 tiêu chí đánh giá nghệ thuật trong Liên hoan: Đúng, hay, đẹp. Trong đó: Đúng là trình diễn đúng cách, làn điệu cổ truyền, không pha tạp, lẫn lộn, thể hiện được phong cách Ca trù của địa phương mình. Hay là: Đàn, hát chuẩn, không chênh phô, không sai nhịp, thể hiện đúng các kỹ thuật trình diễn cơ bản của Ca trù. Đẹp là trang phục, đội hình đẹp, đúng với quy cách của Ca trù truyền thống, nét mặt, động tác sinh động, tươi tắn, nhuần nhị… phù hợp với nội dung của tiết mục, đảm bảo thuần phong mỹ tục.

Khác với lần Liên hoan trước, cơ cấu giải thưởng của Liên hoan lần này mở rộng các giải thưởng cho các cá nhân với mục đích ghi nhận, khích lệ tình yêu, sự đóng góp của các cá nhân đối với nghệ thuật Ca trù. Đồng thời góp phần xây dựng một đội ngũ kế cận các nghệ nhân Ca trù để tiếp nối trên con đường gìn giữ, bảo vệ Di sản Văn hoá này./.

Tuấn Sơn         


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất