Đồ sứ, có nguồn gốc từ Trung Quốc, thu hút được sự quan tâm của cả thế giới ngay từ rất sớm, bởi vẻ đẹp độc đáo và cách thức chế tác đặc biệt của nó.
Nhu cầu về đồ sứ Trung Quốc đã có từ thế kỷ thứ 9 và không chỉ đến từ châu Âu hay châu Mỹ, mà còn ngay cả trong khu vực châu Á, như Nhật Bản, Đông Nam Á và các nước Arab.
Trong lịch sử, có nhiều gian đoạn mà các triều đại phong kiến Trung Hoa đã cấm xuất khẩu đồ sứ, như dưới triều Minh (1370-1570). Chính điều này đã tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh của các trung tâm gốm sứ lớn trong khu vực, cũng như giai đoạn phát triển rực rỡ của gốm sứ trắng-xanh Việt Nam thế kỷ 15-16.
Một trong điểm nhấn của triển lãm chính là bình sứ cổ trắng-xanh được chế tác ở miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ 15, với vị trí trưng bày trung tâm và nổi bật.
Theo ban tổ chức, dù đến nay vẫn chưa rõ thuốc nhuộm xanh trên bình được làm thế nào, song có thể nói rằng bí quyết tạo màu phức tạp và tinh xảo của nghệ nhân Việt Nam thời đó là duy nhất ở Đông Nam Á.
Dù được trang trí chủ yếu với hoa văn hình cá lấy cảm hứng từ sứ Trung Quốc thời nhà Nguyên (1271-1368), các nghệ nhân Việt Nam đã hoàn toàn sáng tạo khi hoa văn được thể hiện rất “lạ” và sống động, như hình cá lớn nuốt cá bé, hay thủy quái Makara vốn xuất hiện rất nhiều trong nghệ thuật ở Đông Nam Á.
Giám tuyển Kan Shuyi cho rằng Việt Nam có một vị trí cao trong lịch sử chế tác gốm sứ thế giới, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, khi ngay từ thế kỷ 14, Việt Nam đã là một trong những trung tâm chế tác và xuất khẩu gốm sứ lớn.
Nữ giám tuyển của Bảo tàng các nền văn minh châu Á cũng đánh giá cao hình thái nghệ thuật và sự sáng tạo của các nghệ nhân cổ Việt Nam, đồng thời cho biết nhiều đồ tạo tác gốm sứ Việt Nam đã được tìm thấy Philippines, Java, Sulawesi, bán đảo Malay, thậm chí là cả Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ.
Diễn ra từ ngày 2/8-14/9, triển lãm “China Mania!” trưng bày 150 mẫu vật, trong đó có nhiều mẫu vật mới, không chỉ đến từ Trung Quốc mà còn từ nhiều nơi khác trong khu vực và thế giới.
Theo ban tổ chức, triển lãm nhằm mục đích nhìn nhận lại hoạt động giao thương quốc tế cũng như giao lưu văn hóa trong lịch sử đã ảnh hưởng thế nào đến phong cách, hình thức và cả công nghệ chế tác gốm sứ./.
TTX