(TG)- Đây là những nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Đảng và Nhà nước những cách tiếp cận mới, những nhận thức mới về quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam từ đổi mới đến nay, chỉ ra những thành tựu cũng như những hạn chế, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm cho quá trình này.
Ngày 22-8, tại Đà Nẵng, Hội đồng Lý luận Trung ương, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới, Ban Chủ nhiệm đề tài "Định hướng phát triển văn hóa - sức mạnh nội sinh của dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế", Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên- Huế phối hợp tổ chức Hội thảo “Nhận diện văn hóa với tư cách là sức mạnh nội sinh của sự phát triển trong giai đoạn mới”. Đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, làm rõ các nội dung như: Mối quan hệ biện chứng nội sinh và ngoại sinh tạo thành sức mạnh của dân tộc và của sự phát triển lý luận và thực tiễn; văn hóa và các giá trị đặc trưng, bền vững của dân tộc, của con người Việt Nam; đặc trưng của văn hóa vùng, vùng văn hóa tạo nên sự phong phú của sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam; đa dạng và thống nhất, thống nhất trong đa dạng, sức mạnh nội sinh của văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập đến vai trò của Huế, Đà Nẵng trong việc chuyển tiếp văn hóa phía Bắc vào Trung bộ và phía Nam, tiếp biến văn hóa đàng ngoài và đàng trong… Những ý kiến tại Hội thảo chứa đựng sự dày công nghiên cứu và những trăn trở về con đường chấn hưng văn hóa dân tộc, xây dựng con người để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đem lại cho con người những điều kiện để phát triển toàn diện, đem đến những cơ hội cho đất nước phát triển bền vững. Từ đó, tiếp tục làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận, thực tiễn về xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam trong những năm đổi mới, phục vụ cho việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới, đồng thời góp phần vào việc xây dựng Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng.
Ban Tổ chức hội thảo tiếp thu và ghi nhận những nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Đảng và Nhà nước những cách tiếp cận mới, những nhận thức mới về quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam từ đổi mới đến nay, chỉ ra những thành tựu cũng như những hạn chế, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm cho quá trình này.
TG