(TG)- Năm 2015 và những năm tới, cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động, văn hoá, văn học nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, có năng lực nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Sáng 22/7/2015, tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc. Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông và PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí văn nghệ toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng, báo chí văn nghệ trong thời gian qua luôn đi sát định hướng phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Với ưu thế và trách nhiệm, báo chí văn học, nghệ thuật đã tuyên tuyền, phổ biến kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trước hết là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những năm gần đây, khó khăn về kinh tế đã có tác động đến hoạt động chung của báo chí, tuy nhiên báo chí văn nghệ vẫn luôn giữ được sự ổn định về số lượng và lượng phát hành. Với đặc thù và dấu ấn riêng, nội dung đăng tải các sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật, báo chí chuyên ngành văn hóa, văn nghệ đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Điều đáng ghi nhận là số cơ quan báo chí văn nghệ xuất bản được báo hoặc trang tin điện tử đã tăng lên đáng kể. Trên các kênh chương trình phát thanh, truyền hình được phát sóng quảng bá đều có các chương trình, chuyên mục về lĩnh vực văn hóa, sân khấu, điện ảnh, ca nhạc…chiếm tỷ lệ và thời lượng phát sóng khá lớn thu hút sự quan tâm lượng lớn khán thính giả.
Đặc biệt, với phương châm nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, báo chí văn nghệ cả nước đã đắm mình trong đời sống thực tiễn để phác hoạ bức tranh sinh động tích cực của đời sống hiện thực, thành tựu toàn diện của công cuộc đổi mới; đồng thời đã dũng cảm đấu tranh với cái ác, cái xấu, góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa có nhiều tác phẩm báo chí văn nghệ đỉnh cao, gây tiếng vang, sức lan toả sâu rộng trong xã hội; còn không ít tác phẩm báo chí sa vào đời sống tầm thường, khai thác, mô tả những mảng đời khốn khó, những vụ án mạng dã man; báo chí văn nghệ chưa thật chủ động đổi mới nội dung, phương thức để hoà mình trong môi trường mạng xã hội hiện nay.
Trong năm 2015 và những năm tới, báo chí văn nghệ cần phát huy ưu thế, sức lan toả sâu rộng trong đời sống xã hội của các loại hình nghệ thuật để đăng tải phong phú, đa dạng các tác phẩm thơ, văn, ký…về chủ đề xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam; các cơ quan báo chí văn nghệ cần đầu tư bài bản, xây dựng và đăng tải các tác phẩm có chiều sâu về các điển hình tiên tiến tập thể, cá nhân trong các lĩnh vực của xã hội; các tác phẩm về đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; các tác phẩm phê phán, phác bác quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo đề dẫn của Cục Báo chí- Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 15 ý kiến tham luận của đại diện cac cơ quan báo chí: Báo Nhân dân; Đài Truyền hình Việt Nam; Báo Quân đội nhân dân; Báo Công an nhân dân; Báo Văn nghệ; Tuần báo văn nghệ TP Hồ Chí Minh; Tạp chí Non nước (Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng); Báo Gia Lai; Báo Cần Thơ…
Kết luận Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, năm 2015, mặc dù có không ít khó khăn, thách thức, song các cơ quan báo chí văn nghệ đã có nhiều nỗ lực vươn lên. Báo chí văn nghệ đã bám sát thực tiễn đời sống phản ánh phong phú những sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, của Đảng, những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước; tích cực bút chiến, phê phán, bác bỏ những quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch.
Trong thời gian tới, báo chí văn nghệ cần bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, giải đáp thấu đáo bốn vấn đề đặt ra hiện nay. Đó là, phải nâng tầm chất lượng nội dung, đáp ứng yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng báo chí; chủ động hội nhập quốc tế nhưng không đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc; tăng cường các tác phẩm lý luận phê bình văn học nghệ thuật tương xứng với số lượng tác phẩm sáng tác về báo chí, văn học nghệ thuật ngày càng tăng; chăm lo xây dựng đội ngũ phóng viên văn nghệ đáp ứng nhu cầu tuyên truyền phát triển văn hoá và con người hiện nay.
Mặt khác, cần tăng cường sự chỉ đạo, định hướng văn học, nghệ thuật của Ban Tuyên giáo các cấp, sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đối với các hoạt động báo chí. Trước mắt, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần mở chuyên trang, chuyên mục, tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tăng cường các thể loại báo chí cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chủ động , tích cực tham gia đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, những quan điểm sai trái trong hoạt động văn học, nghệ thuật. Cùng với chăm lo bồi dưỡng lập trường tư tưởng chính trị và đào tạo, tập huấn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cần tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ nhuận bút đặc biệt với cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật./.
Trần Thắng