Tham dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các đoàn thể Trung ương và Thành phố Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội qua các thời kỳ… đã về dự Đại hội. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đã có bước phát triển mới trong việc tập hợp, vận động nông dân. Phương thức hoạt động của Hội được đổi mới, gắn công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân; tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở nông thôn; phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, nhất là Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giầu; Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong những năm tới, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Nông nghiệp chưa thoát khỏi qui mô sản xuất nhỏ, phân tán, năng suất, chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng tốt yêu cầu; Trình độ văn hoá, tay nghề, chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn còn hạn chế, đang ở giai đoạn đầu của chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Ô nhiễm môi trường đang gia tăng. Phân hoá giầu, nghèo đang diễn ra và vẫn còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác ở nông thôn cần được giải quyết.
Tình hình trên đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới phương thức vận động nông dân. Đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra về nâng cao đời sống, về nhận thức chính trị, trình độ sản xuất, kinh doanh và ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân. Từng bước thực hiện vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Tại phiên khai mạc, Đại hội đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch trình bày báo cáo của BCH T.Ư Hội NDVN khóa V trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội NDVN, nhiệm kỳ 2013-2018. Báo cáo đã nêu bật những kết quả công tác Hội và phong trào ND trong 5 năm qua, đồng thời đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào ND, nhiệm kỳ 2013-2018. Tiếp theo, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng đã trình bày báo cáo dự thảo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội trình Đại hội VI Hội NDVN. Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều trình bày báo cáo kiểm điểm của BCH T.Ư Hội NDVN (khóa V) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội NDVN.
|
Toàn cảnh Đại hội (Ảnh: Thu Hằng)
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích to lớn của phong trào nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ qua. Tổng bí thư hoan nghênh và ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các Bộ, ban, ngành đoàn thể thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cảm ơn sự giúp đỡ thiện chí, hợp tác có hiệu quả của tổ chức Nông dân, bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhìn nhận 5 năm qua, phong trào nông dân và hoạt động của Hội Nông dân các cấp còn những hạn chế, yếu kém. Đó là, phong trào phát triển chưa đồng đều, kết nối chưa sâu rộng, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng kinh tế tập thể và hội nhập. Định hướng lãnh đạo, tham gia chính sách, phương pháp vận động, tập hợp nông dân của Hội tính đột phá chưa cao, nhiều lúc còn thiếu cụ thể, chưa phù hợp với từng đối tượng, vùng miền và yêu cầu chính đáng, hợp pháp của người nông dân. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa được đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả thực hiện một số chương trình chưa cao.
Tại Đại hội này, Tổng bí thư đề nghị các đại biểu cần trao đổi, thảo luận, xác định rõ hơn phương hướng xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế toàn cầu; Vai trò của Hội Nông dân trong đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người nông dân trong kinh tế thị trường; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào nông dân; hoạt động của tổ chức Hội Nông dân trong chương trình xây dựng Nông thôn mới và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ sự đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013-2018 do Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa V trình đại hội, đặc biệt là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp lớn. Tổng bí thư cũng đã gợi mở thêm một số vấn đề để đại hội thảo luận, xem xét, quyết định. Đó là:
Một là, Hội Nông dân Việt Nam cần nắm vững và quán triệt thật sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ mới; thường xuyên sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; những thực tiễn hoạt động của phong trào; nguyện vọng chính đáng của nông dân để tham mưu chính sách cho Đảng, Nhà nước và có những biện pháp cụ thể đưa những quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Hội làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nông dân hưởng ứng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân được học tập, học nghề; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tiếp cận thị trường và nâng cao trình độ trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Hai là, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; “phong trào sản xuất kinh doanh giỏi”, “chung sức xây dựng nông thôn mới” với tổ chức các hình thức hợp tác sản xuất góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Hội cần chú trọng xây dựng các chương trình, đề án, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, pháp luật, khoa học, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn; học nghề tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững, tiến tới “no đủ - làm giàu”. Hội Nông dân chủ động giúp những nông dân sáng tạo, đi đầu trong mở rộng sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản, trong áp dụng khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ hộ, nhóm hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, nông dân trẻ giỏi, giúp họ trở thành những doanh nhân, doanh nghiệp có tài đức làm nòng cốt phong trào và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Kết luận số 61 của Ban Bí thư để xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh là “Trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Mọi hoạt động của Hội phải hướng về cơ sở, khu dân cư; cải tiến công tác chỉ đạo điều hành, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ để tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, phô trương, hành chính hóa trong hoạt động của Hội. Trong tình hình hiện nay, các cấp Hội cần chú trọng đến vấn đề xây dựng “Làng văn hóa”, phối hợp với các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giữ gìn và phát huy tinh thần “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, hết lòng, hết sức giúp nhau khi thiên tai, hoạn nạn. Chú trọng xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”, bồi dưỡng cho nam hội viên nông dân về kiến thức, kỹ năng tổ chức làm chủ gia đình, hướng nghiệp cho con, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, lên án những hành vi đánh bạc, say rượu, bạo hành với phụ nữ, trẻ em, vô trách nhiệm với gia đình.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Ảnh: Thu Hằng)
|
Bốn là, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân. Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh và vị trí công việc. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội cấp cơ sở và huyện, những cán bộ qua hoạt động thực tiễn được “Dân tin, dân học tập, dân làm theo” để giới thiệu vào nguồn cán bộ của Đảng, chính quyền góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm là, trong sự nghiệp “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, nhiệm vụ xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân- nông dân- trí thức vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Một trong những vấn đề lớn của liên minh công nhân – nông dân – trí thức là liên minh về kinh tế làm nền tảng cho liên minh chính trị. Việc trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa nông thôn và thành thị là hình thức liên kết kinh tế có tác dụng kích thích mạnh mẽ nông dân sản xuất, kết nối thị trường, hợp tác lao động và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất - chất lượng - hiệu quả. Hội Nông dân phải coi đây là khâu quan trọng để hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hội phải có quyết tâm cao, biện pháp tốt dẫn dắt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi “Đi từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi hợp đồng”.
Sáu là, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) là đợt sinh hoạt chính trị lớn trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hội Nông dân Việt Nam cần tổ chức thật nghiêm túc việc quán triệt, học tập, triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ, hội viên của hội. Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là: phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi liền với nghĩa vụ công dân; Chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân, huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân. Xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ, ban, ngành cần quát triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tổ chức lãnh đạo, xây dựng chương trình hành động, tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả trong nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các cơ quan thông tin đại chúng chú trọng tuyên truyền gương cán bộ, hội viên, nông dân giỏi, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; đấu tranh chống tư tưởng: Xa rời nông thôn, coi thường nông nghiệp, xem nhẹ vai trò người nông dân trong quá trình phát triển.
Tổng bí thư cũng nhấn mạnh nhiệm kỳ tới của Hội công việc sẽ nhiều hơn, có những việc khó khăn phức tạp hơn, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ Hội đủ sức lãnh đạo phong trào và công tác Hội. Tại Đại hội này, các đại biểu sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội, gồm các đồng chí có phẩm chất, năng lực, uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm cao, đủ sức thực thi các nhiệm vụ do dại hội quyết nghị. Đại hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, sáng suốt, lựa chọn những người xứng đáng để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2013-2018.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn tự hào về giai cấp nông dân Việt Nam, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân Việt Nam góp phần to lớn trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trong nông dân. Đồng chí Huỳnh Đảm hoan nghênh và chúc mừng những thành quả to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ qua; đề nghị Hội Nông dân Việt Nam phát huy vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, góp phần xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Tại Đại hội, đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã trao Bảng vàng tôn vinh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng tặng Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa V.
Chiều 1-7, Đại hội tập trung tại Hội trường thảo luận theo tổ với các nội dung: báo cáo tổng kết công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ V, phương hướng nhiệm kỳ VI, báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành khóa V.
Ngày 2-7, Đại hội sẽ tiến hành công tác bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI và tham luận tại Hội trường.
Ngày 3-7, Đại hội sẽ báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tại tổ, biểu quyết thông qua các chi tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2013-2018, báo cáo kết quả Hội nghị Ban Chấp hành họp phiên thứ nhất bầu ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI. Ban Chấp hành Trung ương hội khóa VI ra mắt Đại hội. Thảo luận và biểu quyết Nghị quyết Đại hội và bế mạc Đại hội.
Bảo Châu