Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 9/7/2009 23:12'(GMT+7)

Phát huy các di sản văn hoá thế giới ở VN: Cần một "tổng đạo diễn"

Một góc phố cổ Hội An

Một góc phố cổ Hội An

Tuy nhiên qua thực tế có thể thấy dường như sự liên kết giữa các địa phương có các di sản còn lỏng lẻo, rất cần sự điều hành của một "tổng đạo diễn".Tiến sĩ Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá VN trao đổi về vấn đề này.

Thưa ông, điều gì nổi bật nhất ghi nhận được sau khi các di sản thiên nhiên và văn hoá của nước ta được UNESCO đưa vào danh mục di sản của nhân loại?

Tính đến thời điểm này, các di sản của nước ta đã được UNESCO công nhận ở tầm quốc tế là: Di tích cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, động Phong Nha- Kẻ Bàng, Nhã nhạc Cung đình Huế và Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Sau khi được đưa vào danh mục di sản văn hoá thế giới thì các di sản văn hoá có được sức sống mới sống động hơn. Điều này thể hiện ở hai khía cạnh: Thứ nhất, Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp ở địa phương quan tâm tới việc bảo tồn các giá trị di sản. Thứ hai, khi đã có thương hiệu mới rồi thì nó tạo được sức hút rất lớn, đông đảo công chúng đến với di tích, trở thành một điểm đến hấp dẫn. Từ đó, tạo ra một nguồn thu rất lớn để có thể tái tạo được các giá trị của di tích. Hơn thế nữa, tất cả các di tích sau khi được xếp hạng, đưa vào danh mục di sản thế giới đều đã được qui hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như thế, chúng ta sẽ có tầm nhìn xa hơn, có định hướng lớn hơn, trở thành cơ sở pháp lý và khoa học để tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy.

Nhưng việc thực hiện theo qui hoạch tổng thể được phê duyệt hình như ở đôi chỗ còn lúng túng?

Qui hoạch tổng thể được duyệt rồi thì làm sao để cho những ý tưởng của qui hoạch đó được đi vào đời sống và quản lý được cái qui hoạch cũng là một vấn đề đặt ra. Lâu nay khi qui hoạch xong rồi, các địa phương có di sản chưa thật chủ động tích cực trong việc xây dựng các dự án thực thi. Trong khi các dự án này lại là cơ sở pháp lý và khoa học để nhà nước có thể đầu tư kinh phí được. Có lẽ trong thời gian tới, các địa phương có di sản đã được công nhận là di sản thế giới nên cùng ngồi lại với nhau để có kế hoạch bảo tồn và phát huy có hiệu quả hơn theo nghĩa là có được mô hình phù hợp, đào tạo nguồn nhân lực để cho các bộ máy ấy được tốt hơn; xây dựng được các dự án thành phần để tiếp tục tu bổ, tôn tạo, phát huy. Cuối cùng cũng phải có cái nhìn nhận lại xem cảnh quan sinh thái môi trường của nó liệu sau khi được khai thác du lịch, được tiếp đón đông khách như thế có biến đổi gì không, nhất là với tầm nhìn 10-20 năm sau. Môi trường thiên nhiên của di sản cũng có yếu tố quyết định, bởi vì UNESCO giám sát di sản sau khi đã được công nhận rất chặt chẽ. Nếu nơi nào không giữ được môi trường theo hướng phát triển bền vững thì có thể họ nhắc nhở, cảnh báo, thậm chí có thể bảo vệ không tốt thì họ loại ra khỏi danh mục.

Mô hình quản lý của một số di sản thế giới cũng đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp phải không thưa ông?

Đúng là hiện nay, các mô hình quản lý của chúng ta mỗi nơi một khác, chưa được thống nhất và tôi nghĩ là trong tương lai chúng tôi phải cùng nhau nghiên cứu để tìm ra một mô hình phù hợp nhất với điều kiện của nước ta và phù hợp với từng địa phương để chúng ta có thể quản lý tốt các mô hình đó.

Theo ông đánh giá, trong số những di sản của chúng ta, kể cả vật thể và phi vật thể, thì di sản nào đã phát huy tốt nhất các giá trị của mình ?

Hầu như tất cả các di sản của chúng ta sau khi được công nhận là di sản văn hoá thế giới thì đều được phát huy tốt hơn so với giai đoạn trước đó. Nhưng di sản thu hút được sự tham gia của đông đảo cộng đồng, thực sự sống trong cộng đồng là Hội An. Di sản cũng mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng và có cộng đồng tham gia vào đó. Và Hội An cũng là một mẫu hình về phát triển du lịch trong các khu di sản văn hoá thế giới được UNESCO đánh giá cao.

Có một thực trạng là: dù đều cố gắng để quảng bá cho di sản nhưng các địa phương có di sản văn hoá thế giới của Việt Nam còn hoạt động theo kiểu "riêng lẻ khoẻ ăn". Vậy chúng ta có nên liên kết tạo thành một "con đường di sản" chung để tạo thành một sức mạnh tổng hợp hay không?

Nếu hình thành được một hành trình di sản thế giới của Việt Nam là tốt nhất, là lý tưởng. Nhưng do điều kiện giao thông, đi lại, thì trước mắt để hình thành một hành trình di sản như thế thì trước mắt còn gặp trắc trở. Theo tôi, cần có sự liên kết giữa các ban quản lý các di sản, hàng năm gặp gỡ và trao đổi xem có những vấn đề gì nảy sinh. Hiện nay, ở mỗi di sản văn hoá đều có một trung tâm thông tin để quảng bá cho công chúng biết về những di sản văn hoá thế giới của VN trên toàn quốc. Như vậy có nghĩa là vừa quảng bá, vừa kích thích cho họ không những chỉ thăm một di sản, mà sẽ tiếp tục đi thăm các điểm khác. Có nghĩa là chúng ta có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong việc quảng bá.

Ông Võ Phùng- Giám đốc Trung tâm Văn hoá- Thể thao Hội An: Trên thực tế, người dân Hội An giàu lên nhiều cũng nhờ vào di sản văn hoá thế giới Hội An. Họ đã tham gia, làm chủ, xem di sản Hội An là của chính họ, gắn bó với đời sống của chính họ. Chính quyền Hội An đã làm được việc làm cho nhân dân hiểu về di sản, phát huy giá trị di sản trong khả năng của mình. Riêng hoạt động "Đêm phố cổ Hội An" đã thu hút 500 nghìn lượt khách trong 10 năm qua. Hội An luôn xác định một hướng đi linh hoạt trong việc bảo tồn các di sản, tạo sức hấp dẫn với du khách. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện dự án phố đi bộ, làm thế nào để du khách có cảm giác thoái mái như một sân chơi. Ở đó chúng tôi tổ chức những trò chơi dân gian. Ngoài ra còn có hệ thống âm thanh trong phố cổ (có nhạc cổ điển và nhạc dân gian). Điều này làm du khách có cảm giác thú vị hơn.

Theo ông đánh giá thì việc quảng bá các di sản văn hoá thế giới ở VN đã tốt hơn so với truớc đây không và trong thời gian tới chúng ta cần chú trọng điều gì?

Tôi nghĩ việc quảng bá về các di sản cũng là bước đột phá sau khi được trở thành di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới bởi vì chúng ta đều có lễ hội du lịch ở những địa điểm di sản ấy. Thứ hai là chúng ta có chương trình phối hợp với các phương tiện truyền thông tin đại chúng và sách báo để quảng bá. Nhưng thực ra việc tuyên truyền quảng bá xét dưới góc độ tiếp thị của ta còn yếu. Tiếp thị thì phải hiểu được du khách người ta muốn gì. Các nhu cầu dịch vụ đa dạng của họ mà di sản có thể đáp ứng được, đưa hình ảnh di sản đến với họ thường xuyên, sâu hơn. Điều này thì chúng ta chưa làm được. Quảng bá của chúng ta vẫn còn ở mức nghiệp dư, chứ chưa đạt được đến trình độ chuyên nghiệp. Đó cũng là điều cần khắc phục.

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ huy động tổng lực như thế nào để có ngày càng nhiều hơn các di sản văn hoá của VN trở thành di sản văn hoá thế giới?

Tôi nghĩ là bên cạnh việc tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia quốc tế thì phải tạo ra cơ chế thu hút các chuyên gia đầu ngành ở VN mà có liên quan đến các di sản văn hoá để thu hút chất xám của họ. Kinh nghiệm như ở Hoàng thành Thăng Long vừa rồi và sắp tới ở Thành nhà Hồ cũng thế. Cũng có thể có chế độ đặt hàng: những lĩnh vực nào liên quan đến ngành nào thì để chuyên gia đầu ngành đó viết cho ta phần giới thiệu ấy rồi mình tổng hợp lại thì chắc chắn nó sẽ có chất lượng hơn.

Ngoài khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, các di sản phi vật thể Ca trù, Quan họ, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện những di sản văn hoá nào để trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới?

Tôi nghĩ là di sản vật thể thì chúng ta đang chuẩn bị khu di tích khảo cổ học Cát Tiên, hang Con Moong ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Rối nước VN cũng là một di sản văn hoá có nhiều giá trị. Với Sử thi Tây Nguyên, chúng ta cũng phải quan tâm từng bước để hoàn thiện hồ sơ.

Xin cảm ơn ông./.

Mai Hồng thực hiện

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất