HOẠT ĐỘNG HỘI Ở CÁC CẤP NGÀY CÀNG CHUYÊN NGHIỆP VÀ ĐI VÀO CHIỀU SÂU
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân dân cho biết, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Thường trực Hội chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành, luôn bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, về hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam để các tổ chức Hội triển khai có hiệu quả.
Các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới và sáng tạo, vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo bước chuyển biến tích cực, hoạt động Hội ở các cấp Hội ngày càng chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu; vai trò và uy tín của tổ chức Hội Nhà báo ngày càng tăng cường trong đời sống báo chí và đời sống xã hội.
Về lãnh đạo công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và công tác hội cho hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam coi hoạt động nghiệp vụ và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của Hội Nhà báo Việt Nam, thường xuyên được Đảng đoàn, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng quan tâm.
Đồng chí Lê Quốc Minh báo cáo tại buổi làm việc.
Ngoài nhiệm vụ công tác trọng tâm được tổ chức thường xuyên hằng năm, như chủ trì tổ chức Giải báo chí Quốc gia; các hoạt động nghiệp vụ trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc, phối hợp với các ban, bộ, ngành của Trung ương, các địa phương tổ chức giải báo chí chuyên ngành, giải báo chí khu vực.
Về công tác tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và công tác hội cho hội viên từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tổ chức được trên 256 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và nâng cao trình độ chính trị cho gần 9.000 lượt hội viên nhà báo trên toàn quốc.
Về công tác kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội, Đảng đoàn đánh giá hoạt động kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động hơn và đúng chức năng, thẩm quyền, giúp các cấp Hội củng cố tổ chức, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại hạn chế.
Các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã thành lập trên 250 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và đi vào hoạt động ngày càng nền nếp, đã xử lý kịp thời và nghiêm minh một số vụ vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; đồng thời, Hội chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền tác nghiệp đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên.
Về hoạt động báo chí, truyền thông của Hội, Trung ương Hội hiện có 03 cơ quan báo chí truyền thông: Báo Nhà báo và Công luận, Tạp chí Người Làm Báo và Cổng thông tin điện tử; các đơn vị trên tiếp tục hoạt động tốt bám sát tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao.
Về công tác đối ngoại nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo địa phương đưa việc thực hiện Chỉ thị 12 ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới là nhiệm vụ trọng tâm. Một mặt duy trì trao đổi đoàn với Hội Nhà báo hoặc Liên đoàn các nhà báo ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc... năm 2022 thiết lập quan hệ song phương và ký kết hợp tác với Tổ chức xã hội “Hội Nhà báo Belarus”, đây là bước tiến mới trong hoạt động hợp tác quốc tế của Hội và hỗ trợ Hội Nhà báo các tỉnh: Bắc Giang, Lâm Đồng, Quảng Ninh hợp tác với Hội Nhà báo một số địa phương của Thái Lan, Hàn Quốc...
Năm 2023, Hội tổ chức rất thành công hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” với sự tham dự của 07 đoàn đại biểu báo chí các nước ASEAN, để lại ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè quốc tế, người làm báo cả nước và cơ quan quản lý báo chí.
Về công tác tổ chức cán bộ, đã ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy Cơ quan Trung ương Hội, việc quy hoạch cán bộ được thực hiện theo quy trình, phù hợp với điều kiện thực tế của Hội; khắc phục được tình trạng bổ nhiệm cán bộ không có trong quy hoạch.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐƯỢC ĐỀ XUẤT
Với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, dân chủ, trách nhiệm, tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến, nhận xét, đánh giá về một số nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Thứ hai, công tác chuẩn bị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Thứ ba, báo cáo công tác chỉ đạo triển khai các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam theo phân công trong Kế hoạch số 316-KH/BTGTW, ngày 29/6/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Thứ tư, kết quả triển khai Kế hoạch số 154-KH/BTGTW, ngày 10/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; Kế hoạch số 156-KH/BTGTW, ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Thứ năm, công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thứ sáu, kết quả triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trong thời gian qua.
Các ý kiến kiến nghị, đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục quan tâm, cho chủ trương để các cơ quan chức năng đảm bảo các điều kiện cần thiết thực hiện tốt nhiệm vụ được Ban Tuyên giáo Trung ương giao trong Kế hoạch kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; Kế hoạch về phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; Kế hoạc về “Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay”.
Tiếp tục duy trì chính sách đầu tư, hỗ trợ sáng tạo cho báo chí, cho chủ trương để Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng Đề án tiếp tục hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở Trung ương, địa phương (Giai đoạn 2026 – 2030) theo hướng tách riêng Chương trình hỗ trợ báo chí với hỗ trợ văn học nghệ thuật giúp các cấp hội nhà báo thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chính sách cho người làm công tác hội. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và kinh phí để các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực báo chí; có chính sách hỗ trợ, quản lý hoạt động tuyên truyền phổ biến tác phẩm báo chí trên không gian mạng.
Thúc đẩy hoạt động của Hội trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đối với báo chí và người làm báo, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí.
Hội Nhà báo Việt Nam hiện có 25.607 hội viên đang sinh hoạt tại 307 đơn vị các cấp Hội.
Tuy số lượng hội viên giảm so với cuối nhiệm kỳ trước (do các cơ quan báo chí cắt giảm nhân sự khi sáp nhập, giải thể để triển khai Quy hoạch báo chí) nhưng số cơ quan báo chí đăng ký tham gia thành lập Chi hội nhà báo tăng lên. Điều này chứng tỏ tăng lên chứng tỏ vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam đã được nâng cao, tạo sức hấp dẫn, thu hút người làm báo Việt Nam tham gia sinh hoạt Hội.
Hội tổ chức nhiều hoạt động có hiệu quả xã hội cao như: Hội báo Xuân các địa phương, Hội Báo toàn quốc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình về nguồn tại Thái Nguyên; Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội…
|
ĐỂ HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM NGÀY CÀNG XỨNG ĐÁNG LÀ TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP QUAN TRỌNG CỦA CẢ NƯỚC
Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa gửi lời chúc mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cả nước, trong đó có công sức rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam.
“Tôi xin chúc các đồng chí nhiều sức khỏe, công tác tốt, đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác Hội nói riêng, cho nền báo chí nước nhà nói chung. Chúc cho Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp quan trọng của cả nước, là “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người làm báo cả nước. Chúc cho nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, xứng đáng với vai trò quan trọng và vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó” – Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa kết luận buổi làm việc.
Để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu sắc vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, có vị trí quan trọng trong hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở nước ta, là nơi tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Làm tốt những điều này, chúng ta sẽ có tổ chức hội mạnh và phát huy tốt vai trò, sứ mệnh nghề nghiệp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, giao phó.
Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam, hội nhà báo các cấp quán triệt cho các hội viên hội nhà báo tăng cường thông tin, tuyên truyền việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản, quy định gắn trực tiếp với hoạt động báo chí, hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc Sơ kết 05 thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; trên cơ sở đó, có những kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, chính sách cho hoạt động báo chí; hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo các cấp. Củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Việc kết nạp và cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Điều lệ Hội. Lãnh đạo các cấp hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo. Tham gia công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các cấp hội, có cơ chế để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý làm công tác hội.
Bốn là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, chú trọng, tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức, nghiệp vụ cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lớn mạnh, bền vững của báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam cần là địa chỉ tin cậy, là điểm tựa về chuyên môn, nghiệp vụ để các cơ quan báo chí tiếp tục nỗ lực, tìm tòi đổi mới mình, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, bám sát thực tiễn đất nước, hơi thở của cuộc sống, từ đó thực hiện chức năng định hướng tư tưởng, tạo đồng thuận trong xã hội, giữ vững vai trò là nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy đối với người dân. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một tác phẩm có tính văn hóa, giáo dục. Mỗi người làm báo phải thực sự là một chiến sĩ trên trận địa tư tưởng với "mắt sáng, lòng trong, bút sắc", nhanh nhạy trong hoạt động nghiệp vụ, dám đấu tranh chống lại những sai phạm, giữ vững bản thân trước những cám dỗ thường trực...
Chủ động rà soát tổng thể các giải báo chí toàn quốc, giải báo chí của các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương để có báo cáo đánh giá toàn diện, sâu sắc về tính chất, quy mô, chất lượng, hiệu quả của từng giải báo chí, từ đó đề xuất giải pháp căn cơ, hiệu quả; cần tham mưu đề xuất quy hoạch giải phù hợp; tập trung nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia để duy trì, khẳng định vị thế, uy tín của Giải.
Năm là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hội viên, việc thực hiện những quy định của người làm báo Việt Nam, quy tắc tham gia mạng xã hội; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh những nhà báo hội viên có biểu hiện diễn biến về tư tưởng chính trị, xuống cấp về đạo đức; xử lý nghiêm người làm báo vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Cần phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, kịp thời xử lý, có những phán quyết nghiêm minh đối với các cấp hội, hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Song song với đó, cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của hội viên, kịp thời quan tâm, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên; động viên, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, công tác hội; tiếp tục chỉ đạo các cấp hội nhà báo hưởng ứng, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí"...
Sáu là, tiếp tục khẩn trương triển khai các đề án, kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong đó tập trung vào việc ôn lại truyền thống vẻ vang, những đóng góp quan trọng, to lớn, sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc; khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân đối với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam; cổ vũ, động viên, biểu dương, tôn vinh và tri ân những thế hệ người làm báo, các cơ quan báo chí có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; bồi dưỡng, giáo dục niềm tự hào, lòng yêu nghề đối với đội ngũ những người làm báo trên cả nước, góp phần xây dựng đội ngũ những người làm báo cả nước ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt yêu cầu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cần coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, để sự kiện này trở thành một cột mốc đáng nhớ đối với báo giới cả nước với những hoạt động ý nghĩa, có chiều sâu.
Bảy là, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thật tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Cần nhận thức sâu sắc rằng Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam là sự kiện chính trị - xã hội - nghề nghiệp quan trọng, là diễn đàn của giới báo chí cả nước, do đó, công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội phải được thực hiện với yêu cầu cao cả về nội dung văn kiện, công tác nhân sự cũng như công tác tổ chức Đại hội. Đây là một công việc hết sức quan trọng. Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, chặt chẽ, khoa học để việc tổ chức Đại hội diễn ra thành công, tốt đẹp, tạo dấu ấn, diện mạo mới của báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 100 năm xây dựng và phát triển.
Thu Hằng