Thứ Ba, 26/11/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 1/9/2012 17:16'(GMT+7)

Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và thực chất

 PV: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết đặc điểm nổi bật và những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới 2012-2013? 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Năm học 2012-2013 là năm học thứ 2 triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.

Năm học 2012-2013 là năm học thứ 2 triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020. Năm học 2012-2013 là năm học thứ 2 triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.

Chúng ta cũng chờ đón Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là năm học mà ngành tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Nhiệm vụ trước hết là tập trung vào đổi mới cơ chế quản lý giáo dục trong đó trọng tâm là thực hiện nhiệm vụ phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho các cơ sở, đồng thời tăng cường chấn chỉnh những vấn đề mà lâu nay bức xúc trong ngành như là dạy thêm, học thêm tràn lan, việc thu góp không đúng quy định, những biểu hiện của bệnh thành tích, không trung thực trong thi cử, kiểm tra, đánh giá.

Thứ hai, chúng ta tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên cơ sở đó sẽ làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi ở các cấp, bậc học khác nhau.

Trọng tâm là tiếp tục thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, giảm đi sự căng thẳng không cần thiết cho học sinh, nhưng phải đảm bảo phù hợp với mục tiêu giáo dục đã đặt ra. Cùng với đó tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh.

Đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá theo hướng: yêu cầu nâng cao năng lực, đánh giá đúng năng lực của người học. Cùng với đó, chỉ đạo các nhà trường tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ để tăng cường cơ hội tiếp cận thể hiện của các em học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện.

Thứ ba, chúng ta tiếp tục thực hiện việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ở các bậc học, ngành học theo hướng: đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu giữa các bộ môn, các vùng miền và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Ngành tiếp tục thực hiện việc bồi dưỡng giáo viên về tư tưởng, đạo đức nhà giáo, năng lực chuyên môn, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học. Đi đôi là việc đánh giá đội ngũ theo các chuẩn đã ban hành và lấy kết quả đánh giá đó làm căn cứ để thực hiện việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, việc đề bạt, quy hoạch và áp dụng các chế độ chính sách.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ 4 là tiếp tục phát triển hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đảm bảo yêu cầu tối thiểu của việc tổ chức hoạt động dạy và học an toàn, thân thiện, để thu hút được các em học sinh đến học theo nhu cầu phát triển các cấp học, bậc học.

Cùng với đó, quan tâm phát triển mạng lưới giáo dục thường xuyên, để ngày càng có nhiều chương trình học tập phong phú, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân theo hướng “cần gì thì học nấy” góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. 

PV: Đổi mới quản lý giáo dục tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm số 1 trong năm học này. Đây cũng là giải pháp mang tính đột phá để khắc phục những hạn chế yếu kém. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về giải pháp này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trước hết chúng ta tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 115 và thông tư số 47 về giao nhiệm vụ quản lý giáo dục đào tạo của các địa phương, bộ, ngành và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc tự chủ và tự chịu trách nhiệm về giải trình đảm bảo thực hiện “ba công khai”. Công khai về những điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, công khai về cam kết chất lượng, kết quả chất lượng giáo dục đạt được, và công khai về tài chính.

Trong công tác đổi mới này, cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở, phải tăng cường việc bồi dưỡng năng lực thực hiện của cơ sở, gắn với nó là nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý sai phạm, đảm bảo tính nghiêm túc trong ngành.

Trước mắt, tập trung vào những chuyên đề như chống dạy thêm học thêm, thu góp trái quy định. Bộ đã có thông tư quy định về những việc này. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để có sự chỉ đạo cụ thể với các ngành, trong đó đặc biệt là ngành giáo dục đào tạo để quản lý các trường trong việc chấn chỉnh những vấn đề giáo dục lâu nay gây bức xúc.

PV: Gắn dạy chữ với dạy người và hình thành nhân cách cho học sinh lâu nay chúng ta làm chưa tốt. Vậy theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân chính và giải pháp cơ bản để khắc phục là gì?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Dạy chữ dạy người là mục tiêu, là phương châm của giáo dục được ghi trong tất cả những văn bản từ Luật Giáo dục cho đến các Nghị quyết, các chỉ thị của Đảng, Nhà nước và của ngành Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, chúng ta thực hiện chưa tốt việc gắn dạy chữ với dạy người, nói đúng hơn là coi trọng về dạy chữ, mà coi nhẹ về dạy người.

Nguyên nhân đầu tiên là do nhận thức chưa tốt trong ngành, trong đó có một phần của xã hội về đánh giá vai trò của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Chúng ta cũng có những khó khăn nhất định, như về thời lượng dạy học ít, điều kiện để tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện mà phải thông qua đó thì mới rèn luyện được phẩm chất tư cách đạo đức, lối sống kỹ năng sống của học sinh còn ít, nên các nhà trường cũng ít quan tâm đến các nội dung này.

Công tác đánh giá chất lượng giáo dục lại chưa quan tâm đúng đến đánh giá về mặt đạo đức tư cách của học sinh, sinh viên. Cùng với đó là những hạn chế về năng lực của đội ngũ giáo viên trong việc giáo dục đạo đức học sinh cũng như là chúng ta thiếu một số loại hình giáo viên để giúp cho việc thực hiện này. Thí dụ như đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế về tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, rồi năng lực của cán bộ đoàn, đội cũng còn hạn chế. Chưa kể những tác động xấu từ xã hội, từ những mặt trái của cơ chế thị trường đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường học đường, đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.…

Giải pháp sắp tới là tập trung khắc phục những thiếu sót như trên. Trước hết, phải xác định cho rõ nhận thức của mọi người về vai trò, ý nghĩa của việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Tiếp đó, tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục dưới nhiều hình thức phong phú để cho học sinh, sinh viên được tiếp cận với những tình huống của thực tế, rèn luyện trong thực tế, để được thể hiện phẩm chất đạo đức tác phong trong quan hệ giao tiếp ứng xử với thầy cô giáo, với người trên, với bạn bè, cũng như khả năng thích ứng, ứng xử được với những tình huống trong thực tế.

Thực ra các hoạt động này cũng đã được ngành chỉ đạo thực hiện mấy năm nay thông qua phong trào Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực. Tới đây, sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa. Đây là giải pháp rất tốt, nếu thực hiện đủ 5 nội dung của phong trào này thì có tác dụng rất tốt trong việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục giá trị sống cho học sinh sinh viên.

Cũng cần phải nói thêm, để việc giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách cho học sinh đạt kết quả, nhất thiết phải có sự chung tay của các gia đình và toàn xã hội. Những năm qua, sự quan tâm của gia đình, xã hội trong lĩnh vực này chưa rõ nét, cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội cũng chưa rõ ràng. Đây là điểm yếu cần khắc phục.

PV: Để giảm bớt áp lực học hành, thi cử, chuyển việc dạy học mang nặng tính lý thuyết, nhồi nhét, sang việc kích thích khả năng tự học, sáng tạo và vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh, thì giải pháp mấu chốt cần quan tâm ở đây là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trước hết chúng ta tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh nội dung dạy học, làm thế nào để dạy học kiến thức cơ bản, tránh việc trùng lắp không cần thiết giữa các bộ môn, hoặc một số những yêu cầu quá cao không phù hợp với năng lực, đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh.

Tiếp theo là phải quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy học, làm thế nào để cùng với việc nội dung dạy học được tinh giản, giáo viên  có thời gian, có điều kiện để thực hiện những phương pháp dạy học tích cực, khắc phục lối dạy học truyền thụ một chiều, tăng cường và khuyến khích học sinh chủ động tham gia vào quá trình học tập, thông qua đó rèn luyện phương pháp tự học.

Một biện pháp khác cũng rất quan trọng, đó là việc đổi mới kiểm tra, đánh giá,  theo hướng: không đánh giá những cái nặng về lý thuyết, không yêu cầu học sinh nhớ một cách máy móc đối với những kiến thức mà không cần thiết phải nhớ đến mức độ như vậy, mà kết hợp đánh giá cả năng lực thực hành, năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, nhằm phát huy được tính chủ động sáng tạo, bản lĩnh của học sinh sinh viên trong quá trình học tập.

Việc kiểm tra đánh giá học sinh phải được chú trọng trong suốt quá trình dạy học để thông qua đó giáo viên có giải pháp giáo dục, giúp đỡ phù hợp đối với từng học sinh, để các em tiến bộ dần trong quá trình học tập và rèn luyện.

PV: Vậy các kỳ thi trong năm học 2012-2013 có gì thay đổi không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Năm học vừa qua công tác thi cử cũng đã có những điều chỉnh và được đánh giá là tích cực.

Quan điểm chỉ đạo công tác thi cử của Bộ là tiếp tục đề cao vai trò, chức năng của đội ngũ cán bộ giáo viên, của cơ quan quản lý các cấp đối với việc thi cử, thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, gắn với việc kiểm tra đánh giá và hỗ trợ những điều kiện thực hiện cho các cơ sở. Vì vậy, năm học này qui chế thi về cơ bản giữ ổn định như năm trước, nhưng cũng sẽ xem xét để có thể điều chỉnh những điều gì là chưa thật phù hợp, tăng cường biện pháp để thực hiện tốt qui chế, tăng thêm vai trò giám sát của xã hội đối với hội đồng thi cũng như cán bộ coi thi, chấm thi.

Công tác ra đề thi, coi thi, chấm thi sẽ tiếp tục được đổi mới, đặc biệt đề thi đối với những môn khoa học xã hội sẽ tiếp tục ra theo hướng mở gắn với những vấn đề thời sự kinh tế, xã hội của đất nước nhằm phát huy tính độc lập, sáng tạo của học sinh.

Ngành cũng sẽ chỉ đạo sát sao hơn việc tổ chức dạy và học cũng như công tác tổ chức ôn tập, trong đó chú trọng việc giúp đỡ học sinh yếu kém. Bộ sẽ tiếp tục phân tích kết quả thi của năm vừa rồi, để có sự chỉ đạo riêng đối với từng Sở GD&ĐT mà có những hạn chế trong công tác tổ chức thi, tiếp tục giáo dục ý thức thi cử một cách trung thực để hoạt động thi cử trong năm học mới nghiêm túc hơn, tự giác hơn.

PV: Hiện nay, sự phát triển giáo dục giữa các vùng miền trong cả nước không đồng đều, còn có khoảng cách lớn. Vậy, với những vùng KTXH khó khăn, vùng miền núi, hải đảo…, Thứ trưởng có thể cho biết Bộ có giải pháp đặc thù gì?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Phải khẳng định là, công tác giáo dục đào tạo ở các vùng KTXH khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, vùng ven biển, hải đảo đã được Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều năm nay. Tuy nhiên, chất lượng vẫn còn thấp hơn một số vùng khác trong cả nước. Chúng ta cũng đã có nhiều giải pháp, chẳng hạn nhưng năm vừa qua đã có đề án phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, có chủ trương phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú và có quy chế đối với loại hình trường này. Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ về kinh phí cho học sinh, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh vùng khó khăn. Chương trình kiên cố hóa trường lớp, xóa nhà tạm, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên cũng tập trung chủ yếu vào các vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp chăm lo cho đội ngũ cán bộ giáo viên, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, giúp anh chị em ổn định đời sống, yên tâm công tác.

Về phía Bộ GD&ĐT đã quan tâm tạo điều kiện, dành nhiều thời gian, nội dung để tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giáo viên ở những vùng khó khăn. Có nhiều mô hình tổ chức giáo dục mới tập trung cho vùng này và năm nay tiếp tục thực hiện theo hướng đó…

PV: Năm học mới 2012-2013 đã đến. Điều Thứ trưởng muốn nhắn gửi với đội ngũ cán bộ, giáo viên và các em học sinh trong cả nước là gì?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 đã tạo cơ hội mới cho giáo dục phát triển, nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Một năm học mới đến, tôi mong các thầy cô giáo, các em học sinh trong cả nước luôn luôn chủ động, sáng tạo. Thầy cô giáo phải nêu gương đạo đức, tự học và sáng tạo, để trò cũng biết cách tự học và sáng tạo; đồng thời thực hiện nghiêm nội qui, qui chế, cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và thực chất./. 

PV:Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

Theo VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất