Chủ Nhật, 22/12/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 3/11/2014 9:40'(GMT+7)

Xây dựng một xã hội học tập

Giáo dục và đào tạo trước yêu cầu của thời đại mới

Giáo dục không phải là sự nghiệp của riêng ngành giáo dục mà là của cả xã hội, của toàn Đảng, toàn dân. Giáo dục thể hiện trình độ văn minh của xã hội và năng lực hội nhập của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng trong tiến trình lịch sử. Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra không chỉ sự thông thương, cạnh tranh về kinh tế mà còn cả những cơ hội và thách thức trong phát triển văn hóa, giáo dục… Điều đó đòi hỏi mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc phải tăng cường chăm lo phát triển giáo dục, hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, các nhà giáo dục nhân văn thế giới đã đưa ra quan điểm: giáo dục là quyền của mỗi công dân, là điều kiện cho sự phát triển phong phú cá nhân, cần có sự bình đẳng về cơ hội học tập cho các tầng lớp, mọi lứa tuổi trong cộng đồng… Vì vậy, tư tưởng giáo dục liên tục, học tập suốt đời được quảng bá rộng rãi; sau đó là tư tưởng giáo dục cho mọi người, là nhận thức về bốn trụ cột của giáo dục: học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để chung sống, ngày càng được cụ thể hóa thành các chính sách giáo dục của các quốc gia. Trong điều kiện khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, tri thức nhân loại ngày càng phong phú, các chính sách tiến bộ về chính trị - kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia đã được thực thi với đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được nâng cao, thì nhu cầu học tập để tăng cường hiểu biết, phát triển nghề nghiệp, làm phong phú cho cuộc sống cá nhân và tăng cơ hội giao lưu, hội nhập thế giới… đang ngày càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cần thay đổi mạnh mẽ và toàn diện để đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập và yêu cầu phát triển văn hóa của con người trong thời đại mới.

Mặt khác, khoa học - công nghệ phát triển cao đã và đang tạo ra những phương tiện truyền thông đa dạng cùng những công cụ có thể tích hợp kiến thức, thay đổi quan niệm, nội dung, phương pháp học tập và cả quan niệm về lao động xã hội. Lao động giờ đây phải có tri thức cao hơn. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục cần đổi mới về tư duy, hướng tới một xã hội học tập với nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, cách mạng khoa học - kỹ thuật cũng làm biến đổi sâu sắc cơ cấu kinh tế - xã hội, trong đó có cơ cấu lao động trên phạm vi quốc tế. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng ở nhiều nước cũng tạo ra sự thiếu hụt lớn lực lượng lao động có trình độ cao cũng như bộ phận công nhân kỹ thuật lành nghề. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục chẳng những phải đào tạo những lao động lành nghề, có kỹ năng tốt, có thể làm chủ một quy trình công nghệ, mà còn cần đào tạo những lao động mới, có khả năng phát triển và thích ứng với biến đổi liên tục của thị trường lao động và môi trường xã hội cũng như sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ. Việc đào tạo mới và đào tạo lại cho mỗi cá nhân và cộng đồng để thích ứng với việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu phân công lao động, chủ động hội nhập khu vực và thế giới là yêu cầu đang đặt ra với các quốc gia.

Trong thời đại mà toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống, không ít quốc gia đang tỏ ra lúng túng trong việc xử lý và định hình một chiến lược giáo dục tổng thể, để có thể đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của thời đại. “Tấm áo giáo dục” đang trở nên chật chội đối với sự biến đổi như vũ bão của khoa học - công nghệ và quá trình toàn cầu hóa. Nhiều chuyên gia giáo dục quốc tế cho rằng nền giáo dục hiện nay trở nên lạc hậu (kể cả những nước công nghiệp phát triển), về mục tiêu, đối tượng, cơ cấu lẫn nội dung, phương thức giáo dục. Mâu thuẫn giữa quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa các hoạt động của đời sống quốc tế với việc bảo vệ và phát huy tính phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc; sự chênh lệch về mặt bằng dân trí, về trình độ phát triển của các quốc gia cũng rất khác nhau. Điều này dẫn đến sự lúng túng và khó thống nhất trong việc xác định và đánh giá những tiêu chuẩn chung, về nội dung, hình thức cũng như chất lượng đào tạo của ngành giáo dục trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, giáo dục ngày nay đã thay đổi cả về vai trò, chức năng, mục đích, nội dung và cả phương thức. Giáo dục không còn là đặc quyền dành cho một bộ phận có quyền, có tiền trong xã hội mà là quyền của mọi công dân, trước hết là của trẻ em, đồng thời cũng là nghĩa vụ của mọi công dân. Học tập đã trở thành nhu cầu thực sự của con người. Việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ học tập ngày càng được phổ biến và hiện thực hóa trong thực tiễn phát triển giáo dục. Đối tượng của giáo dục cũng thay đổi, không chỉ là trẻ em mà tất cả mọi người mới là đối tượng thật sự và rộng lớn của giáo dục. Giáo dục không chỉ nhằm phát triển nhân cách của thế hệ trẻ mà còn “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Các hoạt động giáo dục được mở rộng, không chỉ trong nhà trường mà trở thành một lĩnh vực hoạt động thu hút sự quan tâm và đầu tư nguồn lực từ mọi phía của xã hội. Vai trò và vị trí người giáo viên cũng có những thay đổi căn bản và ngày càng quan trọng hơn. Người giáo viên không chỉ thuần túy truyền đạt kiến thức mà còn giúp cho học viên cách thức tiếp cận các kiến thức rộng lớn bên ngoài nhà trường. Giáo viên và học viên cùng hợp tác, học tập, khám phá và sáng tạo.

Hướng về xã hội học tập ở Việt Nam

Trước yêu cầu mới của thời đại và thực tiễn của ngành giáo dục nước nhà, Việt Nam đang thực hiện quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục không chỉ riêng của ngành giáo dục, mà là sự nghiệp của toàn xã hội, của toàn Đảng, toàn dân. Nền giáo dục được đổi mới phải chủ động tận dụng cơ hội của toàn cầu hóa, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và phù hợp với trình độ phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì thế, nền giáo dục muốn đổi mới toàn diện phải hướng về một xã hội học tập như một quy luật tất yếu của văn hóa giáo dục nhân loại.

Xã hội học tập là ý tưởng của UNESCO nêu ra từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước trong báo cáo “Học tập để tồn tại” của E. Faure. Theo E. Faure, xã hội học tập là một xã hội mà trong đó mọi người đều học tập, học thường xuyên, học suốt đời; mọi lực lượng xã hội đều có trách nhiệm tạo cơ hội học tập cho mọi người dân. Như vậy, xã hội học tập coi trọng cả hai mối quan hệ “mọi người cho giáo dục” và “giáo dục cho mọi người”.

Xây dựng xã hội học tập là một hướng đi tất yếu của giáo dục Việt Nam, nhằm “đi tắt đón đầu”, rút ngắn khoảng cách để theo kịp các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Xây dựng xã hội học tập nhằm “phát triển mọi tiềm năng sẵn có ở mỗi con người Việt Nam”, phát huy nội lực của người học bằng tự học, tự rèn luyện, tự lập nghiệp, khai thác và phát triển những nguồn lực xã hội để hướng tới thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng xã hội học tập góp phần thiết thực gắn kết giữa mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội trên phạm vi cả nước, có sự thống nhất từ Trung ương tới địa phương, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể… Đó cũng chính là tạo ra môi trường thuận lợi để huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc, phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Xây dựng xã hội học tập cũng chính là hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, có tính đến đặc thù các vùng, miền và cá nhân người đi học để có những biện pháp khả thi và hiệu quả nhất; qua đó, góp phần thay đổi cơ chế quản lý giáo dục hiện nay theo hướng phân cấp quản lý để tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Giáo dục và đào tạo Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện để hướng tới sự phát triển. Muốn đổi mới hiệu quả, cần phải tính đến những yếu tố bên ngoài (toàn cầu hóa, khoa học - công nghệ bùng nổ, xu thế chung của giáo dục thế giới) và những nhân tố bên trong (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và thực trạng nền giáo dục Việt Nam). Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trước hết phải đổi mới tư duy, đổi mới mục tiêu, chương trình nội dung và phương pháp dạy - học, chủ thể dạy - học, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất và cuối cùng là xây dựng nếp văn hóa học tập cho toàn xã hội để hướng tới xây dựng một xã hội học tập, phù hợp với nền kinh tế tri thức.

Thứ nhất, đổi mới tư duy trong giáo dục chính là điều chỉnh triết lý giáo dục cho phù hợp với thời đại mới.

Trước tiên, cần xem xét đối tượng dạy và học, nội dung, phương pháp học… Với triết lý giáo dục dạy cho một số ít, người học phải tuân thủ học theo từng cấp học tùy theo trình độ và lứa tuổi, còn người dạy phải là người được đào tạo cơ bản theo chuẩn mực sư phạm nhất định. Còn với triết lý giáo dục cho mọi người thì bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, miễn là có nhu cầu học tập đều có thể lựa chọn nội dung và phương thức học phù hợp. Còn người dạy, ngoài những người thầy đạt chuẩn sư phạm, còn những ai có hiểu biết hơn đều có thể trở thành người thầy, hướng dẫn học tập, nghề nghiệp cho mọi người. Nội dung giáo dục cũng vừa phong phú vừa linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học và của thị trường lao động. Vì vậy, chương trình mới cần được thiết kế theo học phần, tín chỉ… để người học có thể học suốt đời và học những điều họ thấy cần.

Triết lý giáo dục cho mọi người đòi hỏi quy trình cũng như phương pháp dạy và học phải hết sức linh hoạt, tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu của cả người dạy và người học; các loại hình giáo dục cần đa dạng hóa như giáo dục thường xuyên, đào tạo từ xa, đào tạo liên thông… Bên cạnh đó, mục đích của học tập cũng được xác định là để nâng cao trình độ thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của xã hội, của khoa học kỹ thuật, của thời đại. Điều này đòi hỏi cơ sở đào tạo phải thiết kế nhiều nội dung và loại hình giáo dục để đáp ứng mục đích học đa dạng của cả cộng đồng. Thời gian và không gian học tập cũng cần hết sức mềm dẻo và linh hoạt, tùy thuộc sự thỏa thuận của người học và sự đáp ứng của người dạy.

Như vậy, rõ ràng triết lý giáo dục cho số đông phải được định hướng trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Nó phải thấm nhuần toàn diện từ tư tưởng giáo dục đến nội dung, phương pháp và các loại hình giáo dục…

Thứ hai, xây dựng nếp “văn hóa học tập” cho toàn thể cộng đồng.

Để có một xã hội học tập, không thể không xây dựng nếp “văn hóa học tập” cho tất cả mọi người. Nhu cầu học tập thường xuyên, học suốt đời cần được mọi người nhận thức như một nhu cầu sống, một lẽ sống. Cả xã hội ai cũng cần tự giác và say mê học tập. Trước hết, các cấp chính quyền, đoàn thể, các nhà giáo dục, quản lý giáo dục cần nhận thức điều này, cần hoạch định đường lối chính sách, vận động, tuyên truyền trên mọi phương tiện truyền thông, làm cho mọi người thấy được lợi ích của việc học, ý thức tự giác học tập thấm sâu vào toàn thể cộng đồng, trở thành một thói quen, một nhu cầu lĩnh hội kiến thức trong toàn xã hội. Đây chính là thực chất của văn hóa giáo dục và nó quyết định sự thành bại của giáo dục.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục vừa đông đảo vừa có năng lực, có nhiệt huyết để đáp ứng nhu cầu học tập của cả cộng đồng.

Thực tiễn giáo dục Việt Nam mới chỉ đào tạo vài triệu học sinh. Giáo viên được đào tạo vẫn chưa đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu như đổi mới giáo dục, cần đáp ứng nhu cầu học tập cho toàn xã hội hàng triệu triệu người, thì số lượng giáo viên sẽ là một thách thức lớn. Vì vậy, Nhà nước và trực tiếp là ngành giáo dục phải có chiến lược dài hạn cho công tác đào tạo giáo viên. Cố nhiên, đi kèm với chiến lược này cần có những chính sách phù hợp để động viên họ say mê hết lòng với công tác giáo dục.

Thứ tư, lựa chọn những nội dung phù hợp với với từng trình độ, từng đối tượng, từng cộng đồng dân cư, vùng miền. Việc lựa chọn kiến thức vừa có nội dung khoa học, tiên tiến lại vừa phong phú, đa dạng là một khâu quan trọng bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, thu hút người học và tăng cường hiệu quả giáo dục cho toàn cộng đồng.

Thứ năm, giải quyết tốt mối quan hệ giữa hệ thống giáo dục chính quy và đa dạng hóa hệ phi chính quy.

Giải quyết tốt mối quan hệ này chính là nhằm hướng tới một xã hội học tập. Hệ thống giáo dục chính quy vẫn cần giữ vai trò chủ đạo với những chuẩn mực cho cả hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, để phù hợp với một xã hội học tập, thì hệ chính quy cần được mềm dẻo, linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu học suốt đời cho mọi người. Bên cạnh đó, cần mở rộng hệ giáo dục phi chính quy với nhiều loại hình đa dạng và trải rộng khắp các vùng miền trong cả nước, kể cả trong cộng đồng quốc tế.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để triển khai thuận lợi hoạt động giáo dục cho mọi người.

Những điều kiện học tập như cơ sở vật chất, trang thiết bị góp phần không nhỏ cho việc bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc học. Ngoài những cơ sở vật chất như trường lớp, cần quan tâm và phổ cập những phương tiện nghe nhìn, mạng in-tơ-nét, giúp cho nhiều đối tượng có cơ hội học tập ở nhiều nơi, có thể tiếp cận được phương pháp học tập hiện đại, hiệu quả. Đầu tư tài chính cho giáo dục cũng là đầu tư dài lâu cho văn hóa con người./.

PGS. TS. Trần Lê Bảo
Đại học Sư phạm Hà Nội
(Nguồn: TCCS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất