Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định đánh giá học
sinh tiểu học chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2014. Việc đánh giá
học sinh theo phương pháp mới được đánh giá là mang tính nhân văn với
nhiều ưu điểm và có thể đánh giá học sinh một cách toàn diện, đồng thời
giảm áp lực điểm số cho các em.
Ghi nhận sau gần 2 tuần triển khai quy định mới này tại Phú Thọ cho thấy cần thêm sự nỗ lực và đồng thuận của giáo viên và phụ huynh để phát huy hết những ưu điểm của phương pháp giáo dục mới này.
“Cởi bỏ” áp lực cho học sinh
Theo Thông tư 30, thay bằng việc chấm điểm, giáo viên sẽ ghi những nhận xét cơ bản về mức độ hoàn thành nội dung học tập của từng em, có thể nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Cuối kỳ học, cuối năm học, giáo viên vừa ghi kết quả điểm số vừa ghi nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục học sinh về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn và hoạt động giáo dục khác.
Thông tư 30 ra đời là một chủ chương đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là một bước đệm trong việc đổi mới giáo dục. Bởi lẽ, từ nay các em học sinh không còn áp lực về điểm số. Các em sẽ được vừa học, vừa chơi, tạo được tâm lý thoải mái và như vậy các em sẽ ham thích đến trường.
Nhiều phụ huynh rất đồng tình với việc bỏ chấm điểm bậc tiểu học. Chị Phùng Thị Bích Liên, có con đang học lớp 1 tại trường Tiểu học Minh Nông, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) vui vẻ chia sẻ: các em học sinh mới rời mẫu giáo thường làm những gì mình thích. Do đó, việc bỏ chấm điểm sẽ không gây áp lực cho cho các em, hơn nữa nó còn tạo sự đam mê, thích thú đến trường, đến lớp của các em. Đối với lứa tuổi các em thì việc giáo dục, định hướng để các em hình thành nhân cách quan trọng hơn điểm số.
“Chúng ta không nên nhồi nhét quá nhiều vào đầu con trẻ, điều đó sẽ khiến các con bị áp lực, nhiều em có học lực yếu sẽ sợ đến trường, sợ cô giáo mắng và sợ về nhà mỗi khi bố mẹ hỏi điểm số. Do đó khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương này tôi thấy rất hợp lý”, chị Giang có con đang học lớp 2 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên trường Tiểu học Cao Mại, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) chia sẻ: Trước kia, với việc chấm điểm hằng ngày, một bộ phận học sinh tỏ ra rất hào hứng vì điểm số là cái để các em khẳng định mình. Tuy nhiên không ít trường hợp nhận điểm kém thì bật khóc trước lớp và cảm thấy tự ti với bạn bè. Thực hiện việc bỏ chấm điểm là một chủ trương hết sức nhân văn, vừa giúp học sinh giảm áp lực về điểm số, lại tạo môi trường lành mạnh, không còn sự đố kị giữa các học sinh.
Cần thêm sự đồng thuận của phụ huynh
Thừa nhận thông tư 30 ra đời là một đột phá trong cải cách giáo dục, với cách đánh giá này sẽ toàn diện, chính xác và nhân văn hơn. Tuy nhiên, 2 tuần đầu khi triển khai, do chưa hiểu rõ về yêu cầu của chủ trương đổi mới phương pháp đánh giá này xuất hiện tâm lý hoang mang của một số phụ huynh và tâm lý lo sợ quá tải ở giáo viên.
Có con đang theo học tại trường Tiểu học Minh Nông, thành phố Việt Trì, chị Nguyễn Thị Nguyệt băn khoăn: Trước đây hàng ngày chúng tôi theo dõi việc học tập của con qua điểm số, nhìn vào điểm cao, thấp để biết con mình học hành thế nào. Nay nghe nói sẽ thay bằng những nhận xét của giáo viên, chúng tôi rất băn khoăn không biết con mình đạt cụ thể ở mức nào. Sợ rằng những người nông dân như chúng tôi, trình độ nhận thức cũng có phần hạn chế nên không nắm bắt được hết những “ý tứ” trong lời nhận xét của giáo viên.
Còn chị Nguyễn Thị Liên, có con học lớp 5 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì chia sẻ: Tôi vẫn thích các con được chấm điểm. Bởi nếu chỉ nhận xét mà không có thêm biện pháp nào khác thì sẽ làm mất tính ganh đua, mất động lực phấn đấu của các em. Theo tôi, chỉ nên bỏ chấm điểm ở lớp thấp 1 - 2, còn từ lớp 3 trở đi thì vẫn nên duy trì chấm điểm.
Giải đáp những băn khoăn của các phụ huynh giống như của chị Nguyệt, chị Liên, đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục Đào tạo cho rằng: Những lời nhận xét của giáo viên chỉ liên quan đến bài học của học sinh cấp tiểu học, yêu cầu không có gì cao siêu. Vì thế các phụ huynh ở nước ta - một nước phổ cập tiểu học từ 20 năm trước, nhiều tỉnh đã phổ cập THPT không nên lo ngại sẽ không hiểu được ý tứ trong lời phê của giáo viên tiểu học.
Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục Đào tạo cũng khuyến khích những lời nhận xét càng cụ thể, chi tiết càng tốt vì sẽ giúp cho các em hiểu ra những hạn chế cần sửa chữa. Nếu như trước đây, phụ huynh chỉ có thói quen hỏi điểm các con sau mỗi ngày học, nếu nhận điểm tốt thì thấy yên tâm, điểm thấp thì có khi la mắng. Nhưng với yêu cầu mới này, phụ huynh nên đầu tư thời gian xem cụ thể bài học và lời nhận xét để biết rõ con em mình đang học nội dung gì, từ đó biết cách hỗ trợ các em tốt hơn. Lời nhận xét sử dụng trong quá trình học tập. Còn việc chấm điểm vẫn sẽ được thực hiện vào giữa và cuối mỗi kỳ học nên không lo ngại là các em thiếu sự ganh đua.
Cô Nguyễn Thị Tường, trường Tiểu học Minh Nông chia sẻ: Do mới bắt đầu thực hiện được gần 2 tuần nay nên bản thân tôi và nhiều giáo viên khác còn khá lúng túng trong việc đưa ra nhận xét đối với học sinh. Nhiều em vẫn giữ tư duy cũ nên hỏi lại cô là “tính ra con được bao nhiêu điểm?”. Mặc dù đã được thông báo về việc không chấm điểm thường xuyên nhưng nhiều phụ huynh cũng vẫn giữ tư duy cũ nhờ cô quy ra điểm để nắm bắt tình hình học tập của con em mình.
Điều này cho thấy để thực hiện thành công việc Đổi mới giáo dục, không chỉ cần sự nỗ lực của các nhà quản lý giáo dục và cần thêm sự đổi mới tư duy của toàn xã hội vì sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân.
Thông tư 30 quy định việc nhận xét có thể bằng lời nói trực tiếp với học sinh, bằng lời viết hoặc kết hợp cả 2. Việc này không nhất thiết ngày nào cũng phải thực hiện với tất cả học sinh mà các giáo viên cần có phương pháp phân loại học sinh theo nhóm để nhận xét cho sát hợp. Vì thế đòi hỏi giáo viên phải có trách nhiệm lớn hơn so với trước. Cô Phạm Thị Lan Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Mại, huyện Lâm Thao cho biết: Thực hiện thông tư này có hiệu quả, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực thực sự và có tâm với nghề.
Ông Nguyễn Minh Tường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện Thông tư 30/2014 về đánh giá học sinh tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 30/2014 về đánh giá học sinh tiểu học và hướng dẫn sử dụng hồ sơ đánh giá học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chủ động tập huấn những nội dung theo hướng dẫn của Thông tư và tiến hành các đoàn kiểm tra tại các trường từ ngày 15/10.
Theo ông Tường: Để thực hiện tốt Thông tư 30, hàng tháng, giáo viên cần trao đổi với phụ huynh qua điện thoại, sổ liên lạc, hay có thể gặp gỡ trực tiếp. Các bậc phụ huynh cần chủ động gặp gỡ, nắm bắt, phối hợp với giáo viên giúp đỡ con. Học sinh cũng có thể tham gia tự đánh giá năng lực của mình qua từng hoạt động giáo dục và các buổi thảo luận trên lớp để nhận biết điểm mạnh, yếu từ đó có hướng khắc phục và phát huy.
Mục đích của Thông tư 30 là nhằm “cởi bỏ” áp lực điểm số cho học sinh, đồng thời yêu cầu các bộ quản lý, giáo viên cần nâng cao năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, bắt kịp xu thế thời đại. Việc thay đổi trên sẽ mất thời gian và gặp không ít khó khăn, để thực hiện tốt thông tư rất cần sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh./.
Theo TTXVN