Thứ Năm, 21/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 29/7/2021 15:44'(GMT+7)

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Trong quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam luôn chú trọng đổi mới trong nước, coi cải cách, hoàn thiện thể chế trong nước là cơ sở để hội nhập kinh tế thành công, đồng thời khai thác, tận dụng các thỏa thuận đã ký và có các biện pháp phòng vệ hợp lý trước những tác động tiêu cực từ hội nhập kinh tế.

Độc lập, tự chủ của quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải có một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đó là nền kinh tế có cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và bảo đảm độ an toàn cần thiết; nền kinh tế phát triển bền vững và có năng lực cạnh tranh cao; cơ cấu xuất, nhập khẩu cân đối; đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong một số ngành kinh tế, nhất là những ngành kinh tế quan trọng, chiếm một tỷ lệ không thể chi phối được nền kinh tế; hạn chế hoặc không cho phép đầu tư nước ngoài vào những ngành nhạy cảm... Nói cách khác, một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến động đó; trong bất cứ tình huống nào nó cũng có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội và phục vụ đắc lực nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ ở nước ta được thể hiện ở độc lập, tự chủ về đường lối phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất - kỹ thuật đủ mạnh; có cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm kinh tế chủ yếu có vai trò quan trọng hàng đầu, hiệu quả… Cùng với đó, phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; an toàn năng lượng, tài chính - tiền tệ, môi trường; đất nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, độc lập về kinh tế của một quốc gia không phải là biệt lập, khép kín, tự cung, tự cấp. Tự chủ không phải là tự quyết định một cách cứng nhắc và tuyệt đối, không tính đến các quy định của các thể chế kinh tế - tài chính quốc tế, không thực hiện đúng các cam kết, luật pháp và thông lệ quốc tế... Tham gia vào sân chơi quốc tế, chúng ta đã thực hiện mở cửa thị trư­ờng nội địa, chủ động thay đổi kết cấu kinh tế, đã hình thành các khu công nghiệp tập trung và hướng tới hình thành một số trung tâm kinh tế lớn để thu hút một khối l­ượng lớn vốn đầu tư­. Mặt khác, chúng ta thực hiện tự do hoá nền kinh tế theo các cam kết quốc tế, tức là chuyển giao một số quyền đáng kể từ nhà n­ước sang thị tr­ường. Trong điều kiện kết cấu độc lập về kinh tế thay đổi nh­ư vậy, trọng tâm của việc bảo đảm chủ quyền kinh tế là tăng cư­ờng toàn diện năng lực tự chủ kinh tế.

Từ việc xác định đúng mục tiêu, nội dung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chúng ta đã tập trung phát triển các ngành, các lĩnh vực trọng yếu tạo nền tảng cho phát triển bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước trên mọi tình huống, vừa bảo đảm cho xuất khẩu. Nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ được thu hút cả trong nước và ngoài nước, kết hợp hài hòa giữa ngoại lực và nội lực, trong đó phát huy mạnh mẽ nội lực.

Thành công trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong 35 năm đổi mới vừa qua chính là nền kinh tế có bước phát triển tốt và ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, xu hướng phát triển năm sau cao hơn năm trước, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Nền kinh tế từng bước được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường, nguồn nhân lực để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đã đứng vững và phát triển trước những thách thức to lớn từ các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhất là trong đại dịch Covid-19. Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò quản lý và kiến tạo. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đang được nâng lên. Đáng chú ý, các chỉ số về kết quả hội nhập kinh tế đã đạt được ở mức cao. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính chung cả giai đoạn 2016-2020, đạt 167,8 tỷ USD. Hiện đã có hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Việt Nam. Vốn FDI vào Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỷ USD cho Việt Nam từ 2018 đến 2020. Đến nay đã có hơn 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thành công là nhân tố trọng yếu để tăng cường nội lực của đất nước./.

GS.TS Vũ Văn Hiền

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất