Thực hiện Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai Đề án “Đổi mới việc ban hành, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong tình hình mới”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tiến hành sơ kết, tổng kết công tác ban hành, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy trong giai đoạn 2010- 2020.
Trong 10 năm qua (2010-2020), Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 12 nghị quyết, 44 chỉ thị và 152 kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.Việc xây dựng và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được thực hiện đúng quy trình, quy định. Các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; trong đó, nhiều chủ trương mang tính đột phá, sáng tạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; chú trọng lãnh đạo việc tổ chức học tập, nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của của Trung ương, của tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị nhằm đưa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện thường xuyên, kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đối với việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức sơ kết, tổng kết 69 nghị quyết, 74 chỉ thị, 22 kết luận của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, xây dựng 110 báo cáo sơ kết, 101 báo cáo tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhìn chung, việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đã đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện; đồng thời, đề xuất, kiến nghị Trung ương chỉ đạo giải quyết một số vấn đề vượt thẩm quyền của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, như: Công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh có lúc còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị; chưa chú trọng lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, có giải pháp đột phá thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận; công tác sơ kết, tổng kết có lúc, có nơi còn hình thức; chưa đánh giá sát tình hình, kết quả thực hiện; chưa chỉ ra được những nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục đối với mặt hạn chế, yếu kém;...
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những hạn chế, khó khăn trên, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau: Một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương chưa được hướng dẫn quán triệt, học tập kịp thời; Một số văn bản của Trung ương có phạm vi, nội dung ở tầm vĩ mô hoặc mang tính đặc thù, có độ mật cao nên việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện ở cơ sở gặp khó khăn; Việc sơ kết, tổng kết một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương yêu cầu thời gian gấp, nội dung báo cáo chưa sát với từng cấp nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng sơ kết, tổng kết; Một số văn bản, quy định của Đảng còn chồng chéo, chưa đồng bộ với các quy định của Nhà nước, nhất là trong công tác đánh giá, phân loại, xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức; Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh; năng lực thực tiễn của một số cấp ủy ở cơ sở còn hạn chế; Chưa có quy định cụ thể và thống nhất về quy trình sơ kết, tổng kết; thể loại văn bản ban hành sau sơ kết, tổng kết chưa rõ;...
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, tham mưu cho Trung ương xây dựng, thực hiện thành công Đề án “Đổi mới việc ban hành, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong tình hình mới”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất: Nhóm giải pháp đổi mới việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đó là:
Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận; các cấp ủy Đảng chú trọng lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, đột phá trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp để xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận trong chương trình công tác; đảm bảo sau khi có nghị quyết, chỉ thị, kết luận thì lĩnh vực đó phải có sự chuyển biến thực sự, tạo xung lực cho các lĩnh vực khác.
Việc ban hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận phải đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, đảm bảo tính khả thi cao; cấp dưới không ban hành nghị quyết, chỉ thị trùng lặp với nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; Tập trung ban hành các nghị quyết của cấp ủy vào hai năm đầu của nhiệm kỳ, để nửa nhiệm kỳ sau tổ chức kiểm tra, đánh giá và đề ra giải pháp tiếp tục thực hiện.
Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp trên phải đảm bảo cụ thể, rõ ràng, có lộ trình, thời gian thực hiện, bảo đảm điều kiện thực hiện (nhân lực, tài lực, thời gian…), phân công rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để tập trung lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế để triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Thứ hai: Nhóm giải pháp đổi mới việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy:
Tiếp tục nghiên cứu đổi mới việc tổ chức sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận đảm bảo thiết thực, hiệu quả; có quy trình, quy định cụ thể về việc sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận, như: Cấp thực hiện; thời gian sơ kết, tổng kết; chế độ kiểm tra, giám sát;...
Việc yêu cầu các địa phương, đơn vị sơ kết, tổng kết phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến nội dung nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các nhiệm vụ được cấp ủy giao triển khai thực hiện trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận (tránh khi hướng dẫn sơ kết, tổng kết thì yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị trong hệ thống đều phải tiến hành sơ kết, tổng kết mang tính hình thức).
Việc tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận phải đảm bảo tuân thủ quy trình, quy định; có cơ chế cử cán bộ cấp trên phụ trách lĩnh vực tham dự để chỉ đạo, định hướng và nắm bắt thực tiễn trong quá trình sơ kết, tổng kết.
Việc xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết cần tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường các thông tin định lượng (thông qua các bảng biểu, phụ lục nhằm cung cấp thông tin, số liệu). Nội dung báo cáo tập trung đánh giá một cách khái quát, ngắn gọn, tập trung vào những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Sau hội nghị sơ kết, tổng kết, việc văn bản hóa nội dung chỉ đạo tiếp theo của cấp ủy cần được thực hiện kịp thời.
Lê Văn Châu
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum