Trong bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới,
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước
ta đã và đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo
của Đảng.
Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc
hội khóa XV, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới,
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới
mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày
9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chia sẻ bên lề Quốc hội, đại biểu Mai Văn Hải (Phó Trưởng đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho
rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có những chỉ đạo rất sâu sắc, nhấn
mạnh đến ba vấn đề, trong đó có đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; thực
hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề
quan trọng của đất nước; đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc
hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong các nội dung, đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ ấn tượng với tư tưởng
chỉ đạo, đổi mới quy trình lập pháp, trong đó có việc Quốc hội cần phải
đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, nhất là phải tăng cường công
tác quản lý nhà nước, đồng thời phải tạo được hành lang pháp lý minh
bạch, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tất cả nguồn lực. Phải đổi mới
tư duy lập pháp để làm sao tránh tình trạng "không quản được thì cấm".
Đại biểu cho rằng, đổi mới tư duy trong công tác lập pháp là cần phải
xây dựng luật một cách minh bạch và có tính bền vững. “Đây là vấn
đề rất cần thiết và quan trọng để tránh tình trạng xây dựng luật có
thời gian, tuổi thọ ngắn. Tôi đồng tình với quan điểm luật chỉ quy định
mang tính chất khung, tính chất nguyên tắc; những vấn đề cụ thể thì giao
cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định, như vậy tính thượng tôn
pháp luật sẽ được nâng cao hơn, đi vào thực tiễn tốt hơn”, đại biểu Mai
Văn Hải nhấn mạnh.
Cho rằng Quốc hội và Chính phủ thời gian qua đã có những nỗ lực nhằm
hoàn thiện các thể chế về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
hay các thể chế về phát triển văn hóa - xã hội, song đại biểu Trần
Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc
hội) thể hiện sự đồng tình với đánh giá trong bài phát biểu của Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về những hạn chế trong công tác lập pháp thời
gian qua, trong đó chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp
ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, tuổi
thọ ngắn, phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Do đó, đại biểu bày tỏ đồng tình với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ công
tác lập pháp và cho rằng đây là quan điểm chỉ đạo rất đúng đắn, giúp cho
các cơ quan soạn thảo luật, lập pháp phải xem xét kỹ lưỡng và khi thảo
luận thì cần tập trung vào tính khả thi, lâu dài của luật, phù hợp với
thực tiễn Việt Nam nhưng đồng thời tiếp thu những tinh hoa của thế giới
để đảm bảo cho hệ thống pháp luật của Việt Nam không trở thành “điểm
nghẽn” mà là “điểm tựa” để thúc đẩy sự phát triển của đất nước; giúp cho
cơ quan quản lý nhà nước, quản trị quốc gia một cách hữu hiệu hơn.
Lấy ví dụ về những kết quả đã đạt được trong
công tác xây dựng kết cấu hạ tầng vừa qua như khánh thành Dự án đường
dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); đã
đưa vào khai thác hơn 2.000 km đường bộ cao tốc..., đại biểu Trần Hoàng
Ngân nhấn mạnh đây là kết quả của cơ chế, thể chế thông thoáng cùng
quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và trình độ khoa học, kỹ thuật trong
nước đã giúp chúng ta tự tin, tự chủ, tự lực thực hiện được.
Theo đại biểu, tại Kỳ họp thứ 8 lần này, Quốc hội sẽ thảo luận, thông
qua nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết. Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều theo
hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đây là vấn đề
rất quan trọng, giúp giải quyết được rất nhiều các thủ tục hành chính và
quan trọng hơn là tiết kiệm, chống lãng phí về thời gian như Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh trong bài viết về “Chống lãng phí”.
“Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương sẽ tạo nên thế
chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương, tạo đột phá phát
triển”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Bày tỏ đồng tình, nhất trí với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước tại phiên khai mạc Quốc hội, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam
Định, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng những định
hướng chỉ đạo này hoàn toàn đúng đắn, là “điểm mốc” rất quan trọng và sẽ
làm thay đổi cơ bản công tác xây dựng pháp luật. Theo đại biểu, việc
xây dựng pháp luật hiện nay cần theo hướng không chỉ phục vụ cho công
tác quản lý mà còn phải giúp cho việc khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các
điểm “nghẽn” để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội./.
TTXVN