Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 25/5/2013 21:30'(GMT+7)

Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp

 Các cấp công đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện. Chỉ thị số 02/CT-TLĐ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chương trình phát triển đoàn viên công đoàn giai đoạn 2008-2013; Nghị quyết số 01/NQ- ĐCT về đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện Thoả ước lao động tập thể; Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT về đổi mới và nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn; thành lập Ban Chỉ đạo tuyên truyền và giáo dục pháp luật theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong các loại hình doanh nghiệp.

Các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 22 tới cán bộ, đoàn viên và công nhân, viên chức lao động. Tại kỳ họp Ban chấp hành TLĐ tháng 7/2008, TLĐ đã quán triệt nội dung Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư và Kế hoạch 1233/KH-TLĐ của Đoàn Chủ tịch TLĐ tới các Uỷ viên Ban chấp hành TLĐ. Đồng thời, Thường trực Đoàn Chủ tịch TLĐ có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với các Liên đoàn Lao động tỉnh  (LĐLĐ), thành phố trọng điểm kinh tế như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng về việc làm, đời sống của CNVCLĐ, chỉ đạo công tác xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.

 Để giúp các cấp công đoàn có tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 22 và các văn bản pháp luật liên quan đến quan hệ lao động, các ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn đã biên soạn và phát hành trên 70.000 cuốn tài liệu liên quan.

Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn các Tổng công ty trực thuộc TLĐ đã tham mưu cho cấp uỷ xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 22; đồng thời tiến hành xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai ở cấp mình. Đã có 100% công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức triển khai tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ công đoàn trực thuộc về nội dung Chỉ thị 22. Một số địa phương, công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 22 tới lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, phòng, ban liên quan, chủ doanh nghiệp và Chủ tịch công đoàn doanh nghiệp trên địa bàn. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên truyền cho 8.320 cán bộ công đoàn cơ sở, 200 chủ doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức tuyên truyền tinh thần của Chỉ thị tới các cấp công đoàn và người sử dụng lao động. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với phòng Tuyên giáo của cấp uỷ đồng cấp tổ chức tuyên truyền tại 925 cơ sở với 43.000 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tham dự... Các công đoàn ngành, công đoàn Tổng công ty phối hợp với Lãnh đạo Bộ, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc tổ chức tuyên truyền quán triệt đến toàn thể Giám đốc, Chủ tịch công đoàn doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Nhiều doanh nghiệp, Ban Chấp hành công đoàn cùng Giám đốc doanh nghiệp đã tổ chức triển khai tuyên truyền trực tiếp tới người lao động.

 Những địa phương có nhiều người lao động được phổ biến Chỉ thị số 22 là thành phố Hải Phòng với 70.000 lao động, Đồng Nai với trên 60.000 lao động, Tiền Giang với 56.000 lao động, Phú Thọ với 36.000 lao động, Hải Dương với 23.500 lao động và Thanh Hoá với 22.000 lao động  

Việc tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 22 ở một số tỉnh còn được lồng ghép với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. Tại Cà Mau có 6.000 cuộc tuyên truyền với 400.000 lượt người, tại Cần Thơ  có 3.900 cuộc với 238.000 lượt người tham gia. Tại Khánh Hoà tổ chức 48 lớp với 2.570 người tham gia, tại Tây Ninh có 5 doanh nghiệp với 1.500 người. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn lồng ghép vào nội dung các hội thảo và tập huấn chuyên đề về kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, đối thoại xã hội, giải quyết tranh chấp lao động ở các cấp công đoàn.

Ngoài hình thức tuyên truyền trực tiếp nêu trên, các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình địa phương chuyển tải nội dung của Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của công đoàn cấp trên và kế hoạch triển khai của cấp mình trên báo, tạp chí, sóng phát thanh truyền hình và qua phát tờ rơi chuyển đến công đoàn cơ sở phát cho người lao động.

Sau hơn 4 năm tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chị thị 22 và Kế hoạch của TLĐ, theo thống kê chưa đầy đủ các cấp công đoàn đã trực tiếp  tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền được trên 214.000 cuộc cho gần 2,9 triệu lượt CNVCLĐ tham gia; biên soạn và phát hành trên 700.000 ấn phẩm tuyên truyền liên quan đến Chỉ thị 22, Kế hoạch 1233 và pháp luật liên quan về quan hệ lao động. Công tác tuyên truyền một năm qua đã góp phần  nâng cao nhận thức cả người lao động và người sử dụng lao động về trách nhiệm các bên trong xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Kết quả trên đã góp phần giảm bớt các xung đột nội bộ, số cuộc đình công đã có chiều hướng giảm dần, cụ thể là: năm 2009: 310 cuộc đình công, năm 2010: 424 cuộc, năm 2012: 509 cuộc giảm đáng kể so với các năm trước.

Để góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 22, TLĐ đã tổ chức nghiên cứu tham gia với các cơ quan Nhà nước xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động, cụ thể:

Một là, TLĐ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách nhà ở cho người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tập trung (KCN), đã tích cực cùng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện Đề án xây dựng đời sống văn hoá cho công nhân lao động trong các KCN; đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn khi suy thoái kinh tế như: cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh hoặc chi trả lương, trợ cấp cho người lao động mất việc làm và hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tạo việc làm mới. TLĐ tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập Đề án “Hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động” của Đảng đoàn Quốc Hội; chủ trì dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn trình Quốc hội thông qua với nhiều quy định mới nhằm nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, góp phần quan trọng vào xây dựng quan hệ lao động hài hoà tiến bộ tại doanh nghiệp. TLĐ là thành viên Ban soạn thảo, tổ Biên tập Bộ luật Lao động sửa đổi, đã có nhiều hoạt động tham gia chủ động và tích cực trong quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động, trong đó có nhiều nội dung quan trọng nhằm bảo vệ người lao động góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; chủ động tham gia với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng các Nghị định của Chính phủ về điều chỉnh tiền lương tối thiểu, về hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; thí điểm thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể ngành Dệt may.

Hai là, các LĐLĐ tỉnh, thành phố tham mưu đề xuất với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ban, ngành xây dựng đề án quy hoạch hoặc bổ sung quỹ đất để xây dựng nhà ở cho CNLĐ làm việc trong các KCN; tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp và người lao động thu nhập thấp, người lao động mất việc làm, phối hợp với chính quyền điều chuyển số lao động bị mất việc sang làm việc tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, trợ cấp khó khăn cho người lao động (phụ nữ đang có thai, nuôi con nhỏ hoặc có hoàn cảnh khó khăn) khi họ bị mất việc .v.v.. Tham gia tích cực vào quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn.

Ba là, các Công đoàn cơ sở cùng tham gia với giám đốc ở nhiều doanh nghiệp xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn như: tổ chức chế độ làm việc linh hoạt, luân phiên nghỉ để duy trì sản xuất, đồng thời vận động người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc phát động thi đua nhằm tăng năng suất lao động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giảm chi phí giá thành, tăng sức cạnh tranh, qua đó, giúp cho doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, hạn chế tối đa chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 22 cũng còn một số hạn chế cần được khắc phục như: Công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện chưa đều khắp, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài nơi chưa có tổ chức công đoàn; nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm pháp luật về lao động và công đoàn, không hợp tác với công đoàn, không tạo điều kiện để công đoàn thành lập và hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Ở một số nơi, việc thanh, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp còn bị buông lỏng; Việc triển khai chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở và công trình hạ tầng xã hội cho người lao động làm việc trong các KCN còn chậm. Do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc chăm lo đời sống của người lao động nên thiếu sự chỉ đạo các cấp, các ngành cụ thể hoá những chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ thành kế hoạch triển khai tại địa phương mình; Công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn, do nhiều chủ doanh nghiệp không muốn thành lập tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó các quy định của pháp luật lao động và công đoàn hiện hành chưa quy định vai trò của công đoàn cấp trên cơ sở trong việc hỗ trợ Công đoàn cơ sở thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ cho người lao động. Vì vậy, vai trò hỗ trợ của công đoàn cấp trên cơ sở đối với công đoàn cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 22/CT-TW, trong thời gian tới các cấp công đoàn cần tập trung làm tốt một số việc sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động, Luật Công đoàn cho người lao động, nhất là người lao động ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tham gia xây dựng các Nghị định hướng dẫn Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn 2012.

Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện Thoả ước lao động tập thể; Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT về đổi mới và nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn.

Ba là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác thành lập Công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên theo Chương trình số 2295/CT-TLĐ của Đoàn Chủ tịch TLĐ, tập trung vào phát triển đoàn viên và xây dựng CĐCS ở các doanh nghiệp có đủ điều kiện, trước hết là các doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đào tạo cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước theo Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam.

Bốn là, tăng cường cán bộ công đoàn chuyên trách ở các doanh nghiệp có đông công nhân lao động; triển khai có hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn và cơ chế đối thoại tại doanh nghiệp.

Năm là, các LĐLĐ tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp tham gia với các cấp chính quyền khẩn trương triển khai chương trình xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hoá cho công nhân làm việc ở các khu công nghiệp./.

     TS. Đặng Quang Điều

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất