Dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo gây ra nhiều băn khoăn đối với các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất nước mắm liên quan đến tiêu chuẩn sản xuất nước mắm.
Liên quan vấn đề này thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
- Xin ông cho biết ý kiến về Dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12607:2019
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Mục đích của việc xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm là nhằm tạo thuận lợi cho các bên liên quan trong đó có cả người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà quản lý. Đồng thời, đây là công cụ giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nhanh chóng nắm bắt các tiến bộ khoa học, đưa ra các khuyến nghị thực hành sản xuất tốt nước mắm, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm, bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12607:2019 đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu khá công phu trong khoảng chín năm (từ năm 2008-2017) và gần hai năm tổ chức xây dựng dự thảo (2017-2018) nhưng vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về các khuyến nghị kỹ thuật.
Nội dung chính của Dự thảo dựa trên tiêu chuẩn Codex về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Thực tế, không có bất kỳ tiêu chuẩn nào nhận được sự đồng thuận 100%, kể cả tiêu chuẩn quốc tế.
Quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật hoàn toàn khác, độc lập với xây dựng tiêu chuẩn. Khi thực sự xây dựng quy chuẩn thì toàn bộ bước nghiên cứu xây dựng dự thảo, lấy ý kiến, thẩm định là độc lập, không dễ gì quy định tiêu chuẩn thành quy chuẩn được.
Mục đích chính của tiêu chuẩn nói chung là đưa ra khuyến nghị về xác định các mối nguy, từ đó có thể đưa ra cách thức giúp nhà sản xuất hạn chế nguy cơ và tránh rủi ro cho chính nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12607:2019 không phải là tiêu chuẩn quy định mức giới hạn “histamine” và dự thảo này theo đúng tinh thần pháp luật về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn.
Cần phân biệt rõ ràng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định rõ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) là khuyến khích áp dụng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới là văn bản bắt buộc áp dụng, do đó, Tiêu chuẩn Quốc gia là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng, không phải bắt buộc.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành QCVN là một việc độc lập với việc xây dựng và ban hành TCVN. Các yêu cầu và cách thể hiện của QCVN nếu có cũng sẽ không thể như quy định của dự thảo TCVN.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và đề nghị thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và công bố tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, trường hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan tổ chức xây dựng TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm thì Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Ông đánh giá thế nào về những băn khoăn của các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất nước mắm liên quan đến tiêu chuẩn sản xuất nước mắm?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Mục đích của tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12607:2019 không phân biệt nước mắm “tiêu chuẩn” hay nước mắm “truyền thống” mà có thể hiểu tiêu chuẩn là các hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện về việc xác định các mối nguy có thể ảnh hưởng tới sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, qua đó phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho người sử dụng sản phẩm.
Các nhà sản xuất nước mắm có thể dựa vào tiêu chuẩn này để nhận biết một cách dễ dàng hơn về các mối nguy có thể xuất hiện ở các công đoạn sản xuất để có phương án hạn chế các mối nguy về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra nhằm đáp ứng được các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm.
Thực tế, một số nơi sử dụng cá nuôi để sản xuất nước mắm và trong dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia có khuyến cáo trường hợp sử dụng cá từ nguồn nuôi trồng thủy sản thì nên kiểm tra các chỉ tiêu này, nhằm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, còn trường hợp sử dụng cá đánh bắt tự nhiên ngoài biển thì không khuyến cáo kiểm tra các chỉ tiêu đó.
- Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, Tổng cục có định hướng gì liên quan đến TCVN 12607:2019?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng lắng nghe các ý kiến cụ thể, tâm huyết cũng như những đề xuất còn nhiều ý kiến trái chiều cần điều chỉnh nội dung trong dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12607:2019.
Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng sẽ quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan đảm bảo xây dựng tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân áp dụng hiệu quả, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng.
Không chỉ dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12607:2019 mà Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng cũng đề nghị các nhà sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm tới cả các TCVN đã ban hành.
Xác định TCVN cần sửa đổi, soát xét, cập nhật để các TCVN thực sự trở thành công cụ hữu ích phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy xuất khẩu, phát triển kinh tế-xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông./.
(TTXVN)