Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 29/7/2011 15:14'(GMT+7)

Xây dựng trường mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất

Buổi tập thể dục ngoài trời của học sinh trường mầm non thuộc Công ty TNHH Ðông Phương

Buổi tập thể dục ngoài trời của học sinh trường mầm non thuộc Công ty TNHH Ðông Phương

Tuy nhiên, số lượng các trường phân bố không đều, gần như vắng bóng trường mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khiến không ít các bậc phụ huynh phải gửi con em mình  vào những lớp mầm non không đạt chuẩn, thậm chí bị bạo hành.

Nhọc nhằn tìm trường cho con

Những ngày này khi toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) đang chuẩn bị cho một năm học mới đến gần, nhiều bậc cha mẹ là công nhân trong các KCN, KCX lại nhọc nhằn tìm kiếm cho những 'mầm non' của mình có được một chỗ chăm sóc, học tập tốt. Ðến tỉnh Ðồng Nai, chúng tôi gặp chị Hồ Thị Ngọc, từ tỉnh Nghệ An vào làm công nhân Công ty Taekwang Vina, KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, ở nhà trọ thuộc khu phố 5, phường Long Bình, TP Biên Hòa, khi chị đang phải xin nghỉ dài hạn ở nhà để chăm sóc cháu nhỏ mới sáu tháng tuổi. Chị cho biết, mặc dù nghỉ ở nhà thu nhập giảm, đời sống khó khăn, nhưng kiếm được một nơi giữ con rất khó, nếu tìm được nơi giữ trẻ thì vẫn không yên tâm, vì các điểm giữ trẻ tự phát thường không bảo đảm các quy định được Bộ GD và ÐT đưa ra, nhất là vào thời điểm dịch tay, chân, miệng và dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh như hiện nay. Cùng tâm trạng lo âu như chị Ngọc, chị Nguyễn Thị Dương từ Hà Tĩnh vào ở trọ tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, làm công nhân tại KCN A-ma-ta đã nhiều năm nay, nói: 'Cháu mới hơn một tuổi, nhưng hai vợ chồng đi làm công nhân, cho nên phải gửi con nhỏ ở điểm giữ trẻ tư nhân tại phường cho phù hợp với giờ làm. Các trường mẫu giáo công lập thì quá tải,  đồng thời chỉ nhận giữ trẻ trong giờ hành chính, do vậy rất khó bố trí phù hợp với việc làm ở công ty'.

Rời Ðồng Nai, chúng tôi đến với KCX Linh Trung 2 thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Thị Thu Hiền, công nhân làm việc tại KCX Linh Trung tâm sự, con chị năm nay ba tuổi, chị cũng muốn gửi con vào các trường mẫu giáo công lập nhưng đi xin mấy lần vẫn không được, cho nên đành gửi con vào điểm giữ trẻ tư nhân.

Tình cảnh của những bậc cha mẹ làm công nhân cho các khu công nghiệp của Hà Nội cũng không khá hơn. Khi chúng tôi đến nhà trọ của công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, bé Trần Ánh Dương  (ba tuổi) đang tha thẩn cùng bà ngoại bên mấy phòng trọ chật hẹp. Bố mẹ bé làm công nhân của Công ty Ca-non Việt Nam tại Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Ðông Anh, Hà Nội), cho nên từ khi sáu tháng tuổi, bà ngoại từ quê đã phải bỏ đồng ruộng lên trông giữ bé Dương. Chị Nguyễn Thị Lành, mẹ cháu Dương, buồn rầu cho biết: 'Thu nhập của cả hai vợ chồng được bốn triệu đồng/tháng. Trong khi đó, biết bao nhiều khoản tiền phải trang trải như thuê nhà, điện, nước, thức ăn thì đắt đỏ... Mặt khác, giao con vào điểm trông giữ trẻ tư thục, hầu như bậc phụ huynh nào cũng có nhiều trăn trở về chất lượng, sự an toàn của con cái, nhưng nếu không gửi con ở đó, thì cũng 'hết cách'...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng 'trắng' trường mầm non là do nhiều cấp chính quyền, doanh nghiệp các KCN, KCX chưa quan tâm xây dựng nhà trẻ mẫu giáo với nhiều lý do, như không có quỹ đất, thiếu kinh phí, khó khăn trong việc tổ chức và quản lý nhà trẻ. Nhiều KCN, KCX chưa có quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi cho công nhân hoặc có nhưng chỉ nằm trên giấy, chờ kinh phí đầu tư. Với 30 KCN đang hoạt động, thu hút hơn 370 nghìn công nhân (phần lớn là ở trọ), tỉnh Ðồng Nai là địa phương có KCN nhiều nhất trong cả nước. Theo thống kê của Sở GD và ÐT tỉnh Ðồng Nai, trong tổng số gần 142 nghìn trẻ em từ năm tuổi trở xuống thì con em công nhân chiếm hơn 30%. Trong số này, số đông các cháu được gửi ở các trường mầm non ngoài công lập, chủ yếu là các điểm giữ trẻ tư nhân.

Mặc dù là địa phương tập trung đông công nhân ở trọ với hơn 40 nghìn lao động, trong đó có nhiều lao động đã lập gia đình, nhưng hiện nay, phường Long Bình, TP Biên Hòa vẫn chưa có trường mầm non công lập. Ðể đáp ứng nhu cầu gửi con cho lực lượng này, các nhóm lớp ngoài công lập đã mọc lên như nấm. Hiện tại, toàn TP Biên Hòa có đến gần 390 nhóm lớp ngoài công lập được cấp phép và 185 cơ sở chưa được cấp phép. Thế nhưng con số này vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu giữ trẻ trên địa bàn TP Biên Hòa.

Nói về xây dựng trường mầm non trong các KCN, KCX, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở GD và ÐT TP Hồ Chí Minh)  Nguyễn Ðình Thái Châu  băn khoăn: Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xây nhà trẻ, trường mầm non cho con các công nhân chính là quỹ đất. Trong quy hoạch xây dựng các KCX, KCN trước đây không dành diện tích đất để xây dựng các công trình công  cộng hoặc có nơi được phê duyệt nhưng chậm triển khai. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt kế hoạch xây dựng trường mầm non tại KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Ðức) diện tích 3.200 m2  gồm 16 phòng học, kinh phí 24 tỷ đồng và KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) diện tích 2.500 m2 với 10 phòng học, kinh phí dự án khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, được hoàn thành vào năm 2011. Nhưng đến nay vẫn chưa có một trường mầm non nào được xây dựng tại các KCX, KCN trên địa bàn thành phố.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Lê Quang Oai, cán bộ  Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội (Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) cho biết: Tại khu nhà ở cho công nhân KCN Thăng Long (Hà Nội) đã dành mặt bằng rộng 750 m2 cho xây dựng nhà trẻ mầm non, dự kiến tiếp nhận khoảng 300 học sinh. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang chờ sự phê duyệt và kinh phí của thành phố để trang bị cơ sở vật chất cho trường học.

Cơ chế và những việc làm cụ thể

Những khó khăn, bất cập trong tổ chức chăm sóc, dạy học cho con em cán bộ công nhân đặt ra cho các nhà quản lý, doanh nghiệp cùng cộng đồng xã hội cần có những giải pháp hữu hiệu  khắc phục tình trạng 'trắng' trường mầm non trong các KCN, KCX. Thực tế cho thấy, có nhiều cách làm hay cần được nhân rộng. Công ty TNHH Ðông Phương KCN Sông Mây - Ðồng Nai, thuộc Tập đoàn Phong Thái đã mạnh dạn xây dựng trường mẫu giáo dành riêng cho con công nhân của công ty,  với 30 phòng học theo chuẩn của Bộ GD và ÐT, tổng kinh phí hơn một triệu USD được trích từ quỹ phúc lợi của công ty. Mức học phí chỉ hơn 300 nghìn đồng/tháng/cháu, bao gồm cả tiền ăn; công ty phải  hỗ trợ thêm tiền sữa và các bữa phụ cho các cháu. Vừa đưa con đến lớp, gặp chúng tôi, anh Vũ Xuân Miện, công nhân công ty, cho biết: 'Ðây là năm thứ ba liên tiếp hai con sinh đôi của vợ chồng tôi được học ở Trường mẫu giáo Ðông Phương. Do trường được xây gần với khu nhà ở của công nhân, cho nên rất thuận tiện đưa đón con. Tôi không còn phải lo khi gửi con bên ngoài như trước đây. Với cách 'ứng xử' của công ty như vậy, vợ chồng tôi rất yên tâm làm việc cho công ty lâu dài'. Cũng áp dụng mô hình trên, Công ty Pocchen Việt Nam (xã Hóa An, TP Biên Hòa) đã đầu tư một triệu USD xây dựng trường mầm non trên diện tích hơn một ha có quy mô 15 lớp cho 500 trẻ là con em công nhân vào học. Dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm nay. Tại KCN tỉnh Bình Dương, Công ty Yazaki EDS Việt Nam đầu tư một nhà trẻ ở Mỹ Phước (huyện Bến Cát) để phục vụ nhu cầu gửi con của công nhân, gồm có ba phòng học và một số phòng chức năng khác, nhận 200 cháu từ bốn tháng tuổi trở lên, chia làm hai ca theo ca làm việc ở Nhà máy Mỹ Phước, tạo điều kiện cho công nhân yên tâm làm việc. Ngoài ra, Công ty Becamex IDC cũng đang tiến hành xây dựng các trường mẫu giáo tư thục, tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân và con em người lao động tại KCN.

Không chỉ có những cách làm hay của các doanh nghiệp mà chính quyền một số địa phương đã 'vào cuộc' để phát triển hệ thống trường mầm non nói chung, trường mầm non trong các KCN, KCX nói riêng. Sau khi Chính phủ phê duyệt Ðề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015, đã tạo tiền đề để các địa phương quy hoạch, xây dựng mạng lưới trường lớp mầm non mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư. Ðiển hình như TP Hồ Chí Minh phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Trong đó, ưu tiên tất cả các KCX, KCN đều có ít nhất một trường mầm non. Tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), nhận thức được sức ép về nhu cầu học tập của lứa tuổi măng non, UBND huyện vừa phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2011 - 2015 với tổng kinh phí gần 112 tỷ đồng, trong đó 90 tỷ đồng dành cho xây dựng phòng học, phòng chức năng và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn.

Những cách làm hay của một số doanh nghiệp, địa phương góp phần quan trọng giảm bớt gánh nặng cho các bậc cha mẹ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu trong độ tuổi mầm non trong các KCN, KCX đến trường. Tuy nhiên, những cách làm ấy vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa thật sự phát huy hiệu quả rộng rãi. Ðiều đó đòi hỏi cần có những giải pháp lâu dài, bền vững từ cơ chế chính sách đến những việc làm cụ thể. Phó Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ GD và ÐT) Ngô Thị Hợp cho rằng, ngoài việc tạo cơ chế thuận lợi cho việc thành lập các trường mầm non của ngành GD và ÐT thì ngay trong quá trình phê duyệt xây dựng các KCN, KCX, các cấp chính quyền địa phương cũng cần có những dự tính, dự báo và có quy hoạch cụ thể dành quỹ đất cho việc xây dựng trường, lớp học. Các nhà quản lý không chỉ kêu gọi các doanh nghiệp trong các KCN xây dựng trường phục vụ nhu cầu gửi con của công nhân doanh nghiệp, mà còn huy động nguồn lực của các nhà đầu tư khác xây dựng trường chung cho con em công nhân trong KCN. Trên cơ sở các trường tư thục đó bảo đảm các điều kiện chăm sóc phù hợp quy định cũng như mức đóng góp phù hợp với đời sống công nhân. Theo Phó Cục trưởng Cơ sở vật chất -  thiết bị và đồ chơi trẻ em (Bộ GD và ÐT), Phạm Ngọc Phương: Thực tế xuất phát điểm về cơ sở vật chất của bậc học mầm non thấp, chỉ mới được chú trọng trong một số năm gần đây. Trong khi đó, ở các KCN, KCX không có trường học mầm non không chỉ gây khó khăn cho các bậc phụ huynh, mà còn gây áp lực lớn lên các trường mầm non trên địa bàn có công nhân thuê trọ. Vì vậy, cần có sự đồng bộ giữa các giải pháp, cơ chế chính sách và kế hoạch của Nhà nước cũng như các cấp chính quyền. Trên cơ sở đó, có sự điều tiết giữa ngân sách Nhà nước và sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp nhằm tạo bước chuyển trong xây dựng các trường mầm non cho các KCN, KCX nói riêng, phát triển quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung.

Có thể nói, trẻ được tiếp cận với giáo dục mầm non càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của các giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, việc bảo đảm các điều kiện học tập, chăm sóc trẻ mầm non, nhất là trẻ trong độ tuổi mầm non trong các KCN, KCX không chỉ góp phần giảm bớt sự nhọc nhằn cho người công nhân, mà còn góp phần phát triển và nâng cao chất lượng toàn diện hệ thống giáo dục mầm non, những thế hệ tương lai của đất nước./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất