Khái niệm và tầm quan trọng của xã hội học tập
Xã hội học tập (XHHT) là một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời; mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì của mình là chính để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội; mọi người không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, trình độ đều thấy học tập là nhu cầu của cuộc sống, luôn cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc.
Để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời (HTSĐ) của người dân, các nhà trường, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, các cơ quan truyền thông, mọi tổ chức và mọi người dân,... đều có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được HTSĐ.
Theo Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), HTSĐ là tất cả các hoạt động học tập có chủ đích xuyên suốt cuộc đời của một cá nhân từ khi chào đời đến lúc rời xa cuộc sống, theo các phương thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy. Trong thời đại chu kỳ thay đổi khoa học - công nghệ ngày càng rút ngắn và tuổi thọ ngày càng cao thì HTSĐ là tất yếu.
Học tập suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của công dân. Công dân có quyền lựa chọn hình thức học tập phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện, hoàn cảnh của mình để nâng cao tri thức, hiểu biết, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; học để có nghề nghiệp, có việc làm hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công việc; học để cống hiến được nhiều hơn, để làm cho mình và mọi người hạnh phúc; học để góp phần phát triển đất nước và nhân loại.
Trên thế giới, các quốc gia đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng một “hệ thống giáo dục mạnh”. Trong đó, HTSĐ được đặc biệt chú trọng, bởi lẽ HTSĐ cung cấp khung vững chắc để phát triển nguồn nhân lực bền vững, từ đó tạo ra tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội và khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân theo đuổi cơ hội học tập ở mọi giai đoạn của cuộc đời.
Thực tế ở nhiều quốc gia phát triển cho thấy, HTSĐ đã thực sự góp phần quan trọng vào việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn lực chung cho sự phát triển, cải thiện về môi trường kinh tế - xã hội cho cộng đồng, thay đổi diện mạo văn hóa cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhờ HTSĐ, mỗi cá nhân đều được nâng cao khả năng thích ứng, hòa nhập và phát triển nhân cách. Với những đối tượng nhạy cảm, như trẻ em gái, phụ nữ, người dân tộc thiểu số,... HTSĐ có ý nghĩa rất to lớn trong việc hỗ trợ về cơ hội, tạo ra động lực giúp họ học tập để cập nhật kiến thức, kỹ năng, cải thiện năng suất lao động, tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi thân phận và địa vị xã hội, góp phần tạo ra sự bình đẳng và tiến bộ hơn.
Để phát triển nền giáo dục cả trong hiện tại và tương lai, xây dựng XHHT là nền tảng, là cốt lõi, trong đó xây dựng cơ hội HTSĐ vừa là phương châm, vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu của sự nghiệp giáo dục. Nghĩa là cần phải xây dựng một hệ thống giáo dục sao cho bất cứ công dân nào có nhu cầu học tập đều tìm thấy cơ hội học tập thuận lợi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong những thời gian và không gian khác nhau.
Vì những lý do trên có thể thấy rõ xây dựng XHHT, tạo cơ hội HTSĐ đang là xu thế tất yếu, là mục tiêu mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới.
Một số thành tựu trong xây dựng xã hội học tập
Trong chiến lược phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự học và trong thực tế đã có những chủ trương, chính sách lớn để tạo điều kiện cho người dân được học tập thường xuyên, HTSĐ.
Trong các văn kiện từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng nhất quán chủ trương thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người đều có thể được học tập suốt đời. Chủ trương trên của Đảng xác lập một quan niệm rõ ràng về XHHT với tư cách là một thể thống nhất giữa hệ thống giáo dục ban đầu (bao gồm trường, lớp và cơ sở giáo dục chính quy từ nhà trẻ, mẫu giáo đến đại học) và hệ thống giáo dục tiếp tục (với nhiều hình thức giáo dục chính quy và không chính quy tại các cơ sở đào tạo tại chức, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, đào tạo và đào tạo lại qua các khóa học, lớp học ngắn hạn...).
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc xây dựng XHHT, ngày 18-5-2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” với tiêu chí tổng quát là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục; mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập và tích cực tham gia xây dựng XHHT.
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13-4-2007, Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg, ngày 08-01-2008, Về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ngày 09-01-2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (Đề án) để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng XHHT tại nước ta. Đề án đã nêu rõ: “mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại”.
Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng XHHT, bảo đảm cho tất cả các công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Đề án. Một số hoạt động cụ thể được thực hiện, như xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện Đề án; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 đề án thành phần: 1- Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; 2- Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”; 3- Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; 4- Đề án “Truyền thông về xây dựng xã hội học tập”;5- Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp”; 6- Đề án “Phát triển đào tạo từ xa”; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ vào tuần đầu tháng 10 hằng năm để mỗi người dân nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của HTSĐ, xây dựng XHHT đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, phát triển bền vững xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của cộng đồng và cá nhân; tổ chức những chương trình giáo dục mở trên sóng phát thanh, truyền hình (như Chương trình hướng dẫn ôn tập và luyện thi đại học và Chương trình dạy tiếng Anh trên VTV2; Chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài trên VTV4; Chương trình giáo dục các kỹ năng sống trên VTV3; các chương trình Chào buổi sáng, đời sống thường ngày trên VTV đã giúp cho người dân có được những kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện pháp luật, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân; Chương trình học tiếng Anh Obla Air trên trên kênh VOV2 (Kênh Văn hóa, Xã hội và Giáo dục) và VOV5 (Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia); kênh Truyền hình Giáo dục quốc gia phát sóng trên kênh truyền hình VTV7 với mục tiêu “Vì một xã hội học tập”, cung cấp các tri thức đa dạng cho nhiều tầng lớp khán giả khác nhau,...).
Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các địa phương trong cả nước đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cụ thể, phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; ban hành chỉ thị, nghị quyết của tỉnh/thành ủy, hội đồng nhân dân tỉnh/thànhphố về việc thực hiện Đề án; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Đề án.
Ngoài vai trò chủ đạo của ngành giáo dục - đào tạo, các ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông, lao động - thương binh và xã hội, nội vụ, tài chính,..; các tổ chức, đoàn thể: Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,...; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đã tham gia tích cực trong việc xây dựng XHHT ở địa phương. Nhiều địa phương đã có giải pháp tuyên truyền về vai trò, tác dụng của HTSĐ, xây dựng XHHT thiết thực, tạo ấn tượng sâu sắc và có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo cụ thể hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng các mô hình học tập; đa dạng hóa nội dung, hình thức học tập; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, các lớp phổ biến kiến thức phục vụ nhu cầu HTSĐ của mọi tầng lớp nhân dân.
Kể từ khi triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” đến nay, chúng ta đã có hơn 13 năm triển khai thực tế nhiệm vụ xây dựng XHHT và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi. Hiện cả nước có 695 trung tâm giáo dục thường xuyên, bao gồm 74 trung tâm cấp tỉnh, 621 trung tâm cấp huyện (32 trung tâm giáo dục thường xuyên và 589 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên); 11.019 trung tâm học tập cộng đồng (đạt 98,7%). Trong đó có 4.713 trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao xã (42,8%); 2.854 trung tâm ngoại ngữ - tin học, trong đó: 66 trung tâm ngoại ngữ - tin học công lập và 2.706 trung tâm ngoại ngữ - tin học ngoài công lập và 82 trung tâm ngoại ngữ - tin học có vốn đầu tư nước ngoài.
Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã có hơn 100 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng; gần 5 triệu lượt người học ngoại ngữ và hơn 1 triệu lượt người học bồi dưỡng tin học ứng dụng; hơn 2 triệu lượt người tham gia học nghề ngắn hạn; hơn 235 nghìn người theo học lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Số lượt cán bộ, công chức được đào tạo bồi dưỡng đạt hơn 3,2 triệu lượt người (tăng khoảng 24% so với giai đoạn 2006 - 2010).
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập không nhỏ đối với công tác xây dựng XHHT ở Việt Nam, một số chỉ tiêu chưa đạt được so với kế hoạch đề ra trong Đề án, cụ thể như:
Một số địa phương chưa quan tâm đến việc học tập của người lớn, xây dựng XHHT; sự phối hợp giữa các cơ quan, sở, ngành, tổ chức, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Đề án ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả;
Công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở vẫn còn hạn chế cả nội dung lẫn hình thức;
Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ còn thấp và kết quả không bền vững (ở những vùng đặc biệt khó khăn), hiện tượng tái mù chữ còn khá lớn, công tác điều tra cơ bản về số người mù chữ hằng năm của các địa phương chưa được coi trọng, số lượng báo cáo không cập nhật và thiếu chính xác, ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch, thực thi chính sách;
Phong trào học tập trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang chưa mạnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa tự giác học tập để nâng cao trình độ, còn tâm lý ngại học. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm;
Nhiều địa phương chưa chủ động gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm, công tác kiểm tra, đánh giá, thông tin, báo cáo không kịp thời, thiếu chính xác.
Giải pháp thúc đẩy xây dựng xã hội học tập
Để bảo đảm cho sự thành công của chủ trương xây dựng XHHT ở Việt Nam, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTSĐ, xây dựng XHHT.
- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về ý nghĩa, tác dụng của việc HTSĐ, xây dựng XHHT dưới nhiều hình thức khác nhau, như xây dựng các chuyên đề trên phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, tổ chức các hội thảo, diễn đàn về HTSĐ và xây dựng XHHT.
- Phát động phong trào thi đua học tập thường xuyên, HTSĐ rộng khắp nhằm thúc đẩy việc học tập trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng dân cư. Mọi người đều coi học tập là nhu cầu cần thiết.
- Nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” theo hướng thiết thực, hiệu quả, nhằm phát triển mạnh hơn nữa phong trào HTSĐ trong mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng và cơ quan, tổ chức. Lựa chọn và đề xuất các thành phố tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
- Tổ chức tuần lễ HTSĐ hằng năm với các hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực và hiệu quả.
Thứ hai, củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường.
- Rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên. Trên cơ sở đó quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện sau khi sáp nhập theo hướng thực hiện nhiều nhiệm vụ: giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng ngắn hạn và tư vấn, hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng.
- Củng cố mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng theo hướng kết hợp với nhà văn hóa, thư viện, bưu điện văn hóa xã. Các lớp học của trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người cùng tham gia (tổ chức tại các thôn, bản, tại nhà dân...).
- Tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dạy và học. Tổ chức nghiên cứu, thí điểm tại mỗi đơn vị cấp huyện có từ 2 đến 3 mô hình trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững để làm điểm cho các trung tâm học tập cộng đồng nghiên cứu, học tập và có thể xem xét, nhân rộng.
- Mở rộng mạng lưới quy mô hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học; xây dựng và phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư tham gia hoạt động, đầu tư, thành lập các trung tâm ngoại ngữ - tin học.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường.
Thứ ba, đổi mới quản lý giáo dục thường xuyên.
- Đổi mới việc quản lý nhà nước đối với việc xây dựng XHHT. Các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục đóng vai trò là người tổ chức phát động phong trào học tập thường xuyên, HTSĐ; có các biện pháp khuyến khích người dân học tập nhằm thúc đẩy phong trào.
- Tăng cường phân cấp quản lý trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi trung tâm theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2015, của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ - tin học, bảo đảm tất cả các trung tâm hoạt động theo đúng quy chế và các quy định của pháp luật;
- Tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở liên kết đào tạo, kể cả liên kết với cơ sở giáo dục của nước ngoài thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
Thứ tư, đổi mới chương trình giáo dục thường xuyên theo hướng đa dạng, linh hoạt, mềm dẻo đáp ứng nhu cầu của người học.
- Xây dựng chương trình xóa mù chữ và biên soạn tài liệu học tập hướng tới các đối tượng thiệt thòi trong xã hội: người dân tộc thiểu số; phụ nữ, trẻ em gái; người lao động nghèo, người khuyết tật; bảo đảm người học có các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc viết, tính toán bằng tiếng Việt; có các hiểu biết đơn giản cần thiết về con người, về thế giới tự nhiên và xã hội phù hợp, thiết thực với cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất; giúp người học có các cơ hội tiếp cận với các bậc học cao hơn, thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, lạc hậu.
- Tổ chức lựa chọn hoặc xây dựng, biên soạn chương trình bồi dưỡng tin học, chương trình bồi dưỡng tiếng Anh phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể của địa phương.
- Đối với chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu người học: Phát triển chương trình, tài liệu học tập theo hướng đa dạng phù hợp với tính chất vùng miền, nhu cầu và đặc điểm của người học; đa dạng hóa các hình thức học tập, người học có thể học theo hình thức tập trung, không tập trung, tự học, tự học có hướng dẫn, học tập qua in-tơ-nét.
- Tăng cường năng lực đào tạo từ xa cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình dạy và học, phát triển học liệu điện tử và xây dựng các hệ thống học trực tuyến (e-learning) hỗ trợ cho học viên có thể học từ xa, tự học, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể HTSĐ.
Thứ năm, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cho giáo dục thường xuyên.
- Xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cho giáo dục thường xuyên. Giáo viên ở các cơ sở giáo dục thường xuyên gồm giáo viên cơ hữu và giáo viên hợp đồng thỉnh giảng. Đối với giáo viên cơ hữu chỉ cần có số lượng tối thiểu đủ để tổ chức và quản lý các lớp học, số còn lại là giáo viên hợp đồng thỉnh giảng.
- Bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, hướng dẫn viên của các cơ sở giáo dục thường xuyên có đủ trình độ và năng lực (tính chuyên nghiệp) về điều tra nhu cầu học tập, xây dựng chương trình học, tổ chức lớp học, vận động sự tham gia của cộng đồng...
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đáp ứng nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho đội cán bộ, công chức và giáo viên.
Thứ sáu, huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng XHHT.
- Củng cố, kiện toàn và tăng cường công tác chỉ đạo của ban chỉ đạo xây dựng XHHT ở các cấp nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng XHHT.
- Đưa việc xây dựng XHHT và HTSĐ vào nội dung bắt buộc trong chương trình, kế hoạch hoạt động, thi đua hằng năm và từng giai đoạn của các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức và doanh nghiệp. Hằng năm tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo ban chỉ đạo xây dựng XHHT cấp tỉnh.
- Phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể và các huyện. Tất cả các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đều có trách nhiệm cung ứng HTSĐ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành mình được HTSĐ.
Thứ bảy, xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích người học.
- Các sở, ban, ngành phải có quy định về việc học tập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; hằng năm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
- Chính quyền địa phương cần tác động với chủ doanh nghiệp để hỗ trợ công nhân (thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất) tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp mà không ảnh hưởng đến công việc, đến thu nhập của công nhân lao động.
- Các thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ,... cần có những dịch vụ học tập để người học thuận lợi trong việc tiếp cận những thông tin, tri thức mới, những công nghệ mới./.
TS. Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nguồn: TCCS