Thứ Năm, 3/10/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 7/11/2014 21:17'(GMT+7)

Xóa đói, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc các tỉnh, thành phía Nam

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.



Đồng chí PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và đồng chí Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh chủ trì Hội nghị.

Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc nhấn mạnh: Tình trạng phải sống trong điều kiện nghèo, thậm chí đói của một bộ phận dân cư, trong đó có cộng đồng các dân tộc thiểu số, đã và đang là một vấn đề xã hội được Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm giải quyết ở nước ta hiện nay. Bởi vì, cuộc sống nghèo khổ, đói ăn của một bộ phận gia đình không chỉ tác động trực tiếp đến người nghèo, khiến họ không có điều kiện tiếp cận cơ hội bình đẳng với các hộ gia đình khác, mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội ở các địa phương. Và để chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và vùng Nam bộ nói riêng được triển khai có hiệu quả, PGS, TS. Vũ Văn Phúc đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và nêu ra ý kiến đề xuất giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc các tỉnh, thành phía Nam trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến của các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ, nêu bật những thành tựu đạt được, khẳng định tính đúng đắn quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững nói chung và vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh, thành phía Nam nói riêng, đó là kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng; đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực.

Đơn cử, theo đồng chí Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Lao động, thương bình và xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: Là tỉnh có tỷ lệ dân tộc Khmer rất cao, chiếm 31,5% dân số, những năm gần đây tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, riêng giai đoạn 2011-2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 11,31%/năm; thu nhập bình quân trên người tăng nhanh, từ 17,1 triệu/người/năm lên 25 triệu/người/năm; tỷ lệ thất nghiệp được kéo giảm; số lao động người Khmer đã qua đào tạo nghề là 5.632 lao động (tăng hơn 68% so với năm 2011); giai đoạn 2011 - 2013, đã giải quyết việc làm mới cho gần 22.700 lao động, trong đó, có 9.478 lao động dân tộc Khmer, chiếm 41,7% tổng số việc làm mới. 

Theo đại biểu Mai Sên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, với việc quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhìn chung tình hình các mặt dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến khá toàn diện, đáng chú ý là đến nay tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bố trí 318/341 cán bộ, công chức; đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ có bước trưởng thành hơn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư nâng cấp và từng bước được kiên cố hoá; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2003 là 57,4% đến hết năm 2013 giảm xuống còn 15,23%.

Đồng chí Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: Là tỉnh có đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số sống xen kẽ trên khắp địa bàn các huyện, thị, còn lại chủ yếu tập trung đông ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhưng, với nhiều chính sách về giảm nghèo, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đã tạo nên diện mạo mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2003 đến nay, tốc độ tăng trưởng vùng đồng bào dân tộc miền núi đạt trên 6%, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc tăng 3 - 4%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và dịch vụ; 100% các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, bưu điện văn hóa và trung tâm học tập cộng đồng.

Bên cạnh đó, các ý kiến, tham luận còn đi sâu làm rõ những mặt tồn tại, hạn chế, yếu kém đối với lĩnh vực này, trong đó có các vấn đề chủ quan và khách qua, như: Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình dự án còn nhiều bất cập, công tác hướng dẫn, phân bổ nguồn vốn chậm, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chính sách đối với công tác dân tộc nói chung, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Cán bộ làm công tác dân tộc còn thiếu, trình độ năng lực cán bộ ở một số xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở một số đơn vị có đông đồng bào dân tộc không thường xuyên, hiệu quả chưa cao… nên kết quả đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo nơi đây chưa thật sự vững chắc, nó thể hiện qua sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc đã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và những đề xuất, kiến nghị được nêu ra tại Hội thảo. Đồng chí Vũ Văn Phúc nhấn mạnh: Những kết quả đạt được trong Hội thảo này sẽ góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chủ trương, đường lối và tiếp tục tuyên truyền công tác xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước đã được ban hành tương ứng phù hợp với từng giai đoạn, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, những kết quả đạt được tại Hội thảo sẽ là cơ sở để kiến nghị, đề xuất với Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp bổ sung những cơ chế, chính sách, phương thức triển khai các nghị quyết thích hợp giúp vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo và tránh tái nghèo trong giai đoạn mới.

Tại Hội thảo, đồng chí PGS, TS Vũ Văn Phúc đã trao 02 căn nhà tình nghĩa với giá trị 100.000.000 đồng cho huyện Trà Cú, tỉnh trà Vinh.

Đức Thuận


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất