Chủ đề chính trong phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo.
Chiều 24/9, Ủy ban Các vấn đề xã hội của
Quốc hội tổ chức phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều
hành thực hiện chính sách giảm nghèo. Đây là một nội dung trong chương
trình giám sát tối cao về xóa đói giảm nghèo của Quốc hội. Tham gia giải
trình có Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐ,TB&XH)
Phạm Thị Hải Chuyền và lãnh đạo một số Bộ ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH về công
tác xóa đói giảm nghèo, nhiều năm qua, nguồn lực của Nhà nước dành cho
mục tiêu giảm nghèo rất lớn, chủ yếu tập trung cho các vùng nông thôn,
miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2011-2013 tổng vốn hỗ trợ giảm
nghèo đạt mức 18.817 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 58% năm
1993 xuống còn khoảng 7,8% hiện nay. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn
còn nhiều thách thức, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo
còn cao.
Các đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến
Tre), Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam)
cho rằng, do chính sách hỗ trợ hộ nghèo còn mang tính cào bằng, bao cấp
nên hiệu quả chưa cao, ở nhiều nơi đối tượng được hỗ trợ còn ỷ lại,
không muốn thoát nghèo.
“Thực tế hiện nay đang diễn ra hiện
tượng người dân ai cũng muốn nghèo. Tôi thấy có vấn đề nguyên nhân từ
chính sách, đề nghị Bộ trưởng làm rõ sắp tới Bộ sẽ tham mưu cho chính
phủ sửa đổi chính sách gì để chấm dứt tình trạng người dân không muốn
thoát nghèo như hiện nay?”, Đại biểu Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) đặt vấn
đề.
Giải trình các câu hỏi này, Bộ trưởng
Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện nay chuẩn nghèo là có mức thu nhập
400.000 đồng/người/tháng đối với nông thôn và 500.000 đồng đối với khu
vực thành phố, chưa tính trượt giá là quá thấp. Bộ trưởng cho biết, về
lâu dài Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ giảm dần chính sách "cho không",
đồng thời hỗ trợ sẽ tập trung vào công tác dạy nghề, tạo việc làm và đầu
tư hạ tầng.
“Hiện nay các chính sách của chúng ta ưu
tiên cho người nghèo để thoát nghèo. Trên cơ sở đó, phần hỗ trợ trực
tiếp tương đối nhiều như chính sách hỗ trợ người nghèo được chăm sóc sức
khỏe, được học tập, có đất ở đều là hỗ trợ trực tiếp. Chúng tôi đã có
đề nghị một vài chính sách tới đây cần phải sửa theo hướng giảm dần
chính sách cho không, tăng chính sách vay để có trách nhiệm. Một số
chính sách hỗ trợ trực tiếp mà tính hiệu quả chưa cao chúng tôi cũng
đang đề nghị không đưa chính sách đó vào nữa.”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải
Chuyền nói.
Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ vì sao số
hộ nghèo đã giảm nhưng hiện vẫn có tới 70 chính sách liên quan tới xóa
đói, giảm nghèo, trong đó nhiều chính sách chồng chéo. Công tác điều
hòa, phối hợp giữa các chương trình, chính sách liên quan đến giảm nghèo
của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương còn nhiều trùng lắp
dẫn đến nguồn lực bị dàn trải, nhiều chương trình, chính sách không được
bố trí đủ nguồn lực như dự kiến.
Giải trình về vấn đề này Thứ trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: “Đợt tới, Bộ kế hoạch và Đầu
tư sẽ phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH rà soát rất kĩ lại 70 chương trình
này. Chương trình nào mang tính thường xuyên, kéo dài chính sách sẽ đưa
về hoạt động thường xuyên. Cũng chính vì lý do quá nhiều chương trình
nên ai cũng nghĩ mình càng ở trong diện này thì càng được hưởng nhiều
chương trình hơn. Cho nên chúng tôi nhất trí quan điểm cái gì thực sự
đặc biệt thì giữ, còn lại chuyển thành lồng ghép và hoạt động thường
xuyên”.
Tại phiên giải trình, đại diện Ngân hàng
chính sách cũng giải trình làm rõ về chương trình tín dụng cho vay đối
với hộ nghèo, đại diện Bộ Tài nguyên môi trường giải trình thêm về chính
sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số./.
Theo VOVnews