Thứ Sáu, 22/11/2024
Khoa giáo
Thứ Hai, 1/6/2020 6:0'(GMT+7)

Xu hướng giáo dục lý luận chính trị trực tuyến

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

LỢI THẾ CỦA ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN

Xuất hiện tại Mỹ bắt đầu từ năm 1999, trải qua một thập niên, đến khoảng năm 2010 thì đào tạo  - giáo dục trực tuyến dần trở thành một xu thế mang tính toàn cầu. Sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng trên nền tảng di động và mạng xã hội như Facebook, Google Plus, Instagram... cho phép người dùng tăng cơ hội và phương tiện tương tác mọi lúc, mọi nơi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho học trực tuyến phát triển lên bậc cao hơn.

Với tốc độ phát triển nhanh, học trực tuyến được ghi nhận mang lại doanh thu lớn, nhất là tại các quốc gia đứng đầu thế giới về đào tạo trực tuyến, như: Mỹ, Ấn Độ, Anh, Hàn Quốc, Nam Phi, Malaysia, Trung Quốc. Con số thu về 51,5 tỷ USD từ lĩnh vực đào tạo trực tuyến toàn cầu vào năm 2016 đã cho thấy tốc độ phát triển của ngành này. Theo Economist, số người đăng ký học trực tuyến trên thế giới tăng từ khoảng 60 triệu người (năm 2016) lên khoảng 70 triệu người (năm 2017).

Việt Nam là một trong những nước châu Á bắt kịp và phát triển mạnh việc đào tạo trực tuyến. Ở Việt Nam hiện nay đang có hàng chục trang đào tạo trực tuyến như: Hocmai.vn, Viettel Study, FUNiX... phát triển bài bản, thu hút lượng lớn người học, đặc biệt là học sinh từ tiểu học cho tới trung học phổ thông cho thấy sự phát triển sôi động của phương pháp này.

Năm 2017, theo số liệu thống kê của University World News, châu Á là thị trường lớn thứ hai thế giới về đào tạo trực tuyến và Việt Nam đứng trong top 10 các nước châu Á phát triển lĩnh vực này. Cũng trong năm 2017, theo số liệu của Ambient Insight, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất về học trực tuyến (với 44.3%), lớn hơn 4.9% so với Malaysia - một đất nước vốn đã có tốc độ tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực này.

So với phương pháp học tập truyền thống, học tập trực tuyến có chi phí rẻ, thời gian - địa điểm - phương tiện hỗ trợ linh hoạt và chủ động trong việc điều chỉnh tốc độ, lộ trình học tập. Những ưu điểm này đã kích thích nhu cầu sử dụng các khóa học trực tuyến ngày càng cao.

Phương pháp học tập trực tuyến có độ phủ đối tượng rộng, từ học sinh các cấp, sinh viên tới người đi làm. Với đặc thù riêng và nhiều ưu điểm trong đào tạo, phương pháp này đã làm thay đổi mạnh mẽ quá trình tự học của người học.

Mô hình đào tạo trực tuyến đã có sự tác động rất lớn đến hành vi của học sinh/người học trong bối cảnh giáo dục hiện nay, làm thay đổi khả năng giao tiếp, tư duy và nhiều vấn đề khác. Người học trực tuyến có khả năng tìm tòi và tiếp cận những nguồn dữ liệu khổng lồ, qua đó hoàn thiện các kỹ năng cần thiết.

Việc đổi mới trong cung cấp và sử dụng công nghệ số để ứng dụng vào dạy và học trực tuyến đã góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ số vào dạy và học trực tuyến cũng chính là phát triển kinh tế số góp phần thực hiện thành công đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” và hội nhập quốc tế thành công(1).

Giải pháp đào tạo trực tuyến chỉ có thể thực hiện trên cơ sở kết hợp 4 yếu tố: E-Learning (Học trực tuyến) + E-Teaching (Giảng dạy trực tuyến) + E-Management (Quản trị trực tuyến) + Social (Mạng xã hội). Cụ thể:

E-Learning: Cung cấp cho sinh viên/học sinh tài liệu, công cụ và môi trường học tập một cách trực quan nhất. Các bài học đều có phần kiểm tra, đánh giá trực tiếp. Có bài thi cuối khóa học. Toàn bộ quá trình và kết quả học của người học được lưu lại trên hệ thống.

E-Teaching: Trong hệ thống của Nettop, giáo viên có thể tạo những khóa học, bài giảng của riêng mình một cách đơn giản và linh hoạt. Các bài giảng có thể dễ dàng được tích hợp video hoặc âm thanh, hình ảnh. Một trong những chức năng chính của giáo viên là chấm điểm và quản lý, theo dõi học sinh của mình.

E-Management: Quản trị viên có những công cụ quản trị đắc lực để có thể kết xuất ra những báo cáo chuyên biệt: quản trị người dùng, quản trị khóa học, tài nguyên, quản lý hồ sơ, kết quả học tập của học sinh theo lớp, theo trường…

Social: Mạng xã hội giúp kết nối người học với giáo viên, kết nối những người học với nhau để tạo nên một môi trường học tập tích cực hơn(2).

Từ mô hình trên, việc đào tạo trực tuyến có những lợi thế sau:

Giảm chi phí. Với sự phát triển của Internet, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều có lợi trong việc xây dựng chính sách giá cho khách hàng của mình, và dịch vụ E-learning không phải là ngoại lệ. Theo đó, chi phí khóa học sẽ được giảm đến mức đáng kể. Ví dụ, một học viên phải trả cho một khóa học dạy về Quản lý thương hiệu trung bình khoảng 5 triệu đồng, thì đối với một khóa học trực tuyến chi phí vào khoảng 500.000 đồng, nghĩa là chỉ còn 1/10. Hay một khóa học tiếng Anh có giá khoảng 3 triệu đồng thì nếu học theo kiểu e-learning, học viên chỉ phải tốn khoảng 300.000 đồng.

Tự định hướng. Người học có thể tự định hướng cho mình bằng cách chọn khóa học phù hợp nhất đối với trình độ, sở thích, mục tiêu của bản thân, hoặc một công ty có thể yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ học trực tuyến thiết kế khóa học theo yêu cầu của mình, theo định hướng hay theo nhu cầu kiến thức nhân viên.

Tự điều chỉnh. Là một học viên học trực tuyến, người học có thể tự điều chỉnh nhịp điệu khóa học cho mình, nghĩa là có thể học từ từ hay nhanh phụ thuộc vào việc bố trí, sắp xếp thời gian hay khả năng tiếp thu kiến thức của bản thân người học.

Tính linh hoạt. Bản chất của Internet và nền tảng công nghệ cho phép người học có được sự linh hoạt trong quá trình học trực tuyến. Từ khi đăng ký học cho đến lúc hoàn tất, người học hoàn toàn có thể tự định ra và thiết lập thời gian biểu cho riêng mình; dù đang ở trong lớp học “ảo” nhưng người học không bị gò bó bởi thời gian và không gian lớp học như phương thức truyền thống. Tính linh hoạt còn thể hiện ở “tự định hướng” và “tự điều chỉnh” như trình bày ở phần trên.

Tính đồng bộ. Giáo trình và tài liệu của các khóa học trực tuyến có tính đồng bộ cao, vì hầu hết học trình, chương trình giảng dạy được soạn thảo, xem xét và đưa đưa lên trang trực tuyến ngay từ đầu.

Tương tác và hợp tác. Học trực tuyến tạo điều kiện và cơ hội giao lưu, tương tác cho người học với nhiều người cùng lúc. Học sinh/sinh viên có thể hợp tác với bạn bè trong nhóm học trực tuyến để thảo luận và làm bài tập về nhà. Hiện nay, việc tương tác và hợp tác trên Internet đươc thực hiện phổ biến qua Forum, Blog, Facebook… do đó, người học có thể tận dụng những tiện ích để “vừa làm vừa học vừa chơi”.

Hiệu quả. Học trực tuyến giúp mỗi cá nhân và tổ chức/công ty/đơn vị tham gia không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đáp ứng đúng với nhu cầu của mình.

Dễ tiếp cận và thuận tiện. Dịch vụ học trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ Internet, vì vậy việc tiếp cận rất dễ dàng, thuận tiện. Người học có thể tiếp cận và tham gia học ở bất cứ không gian, địa điểm nào.

Việc có càng nhiều trang trực tuyến dạy và học để cung cấp kiến thức cho xã hội một cách hiệu quả nhất không chỉ là mong muốn, nhu cầu của nhiều người trong bối cảnh 4.0, mà còn là xu thế tất yếu trong “thế giới phẳng” hiện nay. Vì vậy, một định hướng hoặc một ý tưởng hay cho một trang trực tuyến là yêu cầu và đòi hỏi cần thiết mà các nhà cung cấp dịch vụ E-learning cần không ngừng tìm tòi, phát triển, sáng tạo để phục vụ cho xã hội trong những năm tới(3).

Theo Elliott Masie, một chuyên gia nổi tiếng, học trực tuyến (E-learning) là “việc áp dụng công nghệ để tạo ra, cung cấp, chọn lựa, quản trị, hỗ trợ và mở rộng cách học truyền thống”. Việc phát triển của Internet, với khả năng giúp học viên tiếp cận liên tục các khóa đào tạo một cách hiệu quả và tiết kiệm, đã tạo nên một giai đoạn mới cho việc học và dạy đạt đến những tầm cao mới.

XU THẾ TẤT YẾU

“Tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị (bao gồm cả nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên…) trong hệ thống giáo dục quốc dân có tầm quan trọng chiến lược” là nội dung được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo(4). Ban Bí thư Trung ương ương Đảng cũng có yêu cầu rất cụ thể: “Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, ứng dụng các phương pháp hiện đại, hấp dẫn người học, tạo hứng thú tìm tòi, nghiên cứu. Đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả học tập lý luận chính trị theo hướng thực chất”.(5) 

Công tác giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay đã đạt được những kết quả nhất định. Quá trình đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy... từng bước được thực hiện, khẳng định chủ trương đổi mới là đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế thời gian qua cho thấy, công tác giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, bất cập cần được khắc phục. Nhất là phương pháp giảng dạy ở nhiều nơi vẫn còn xơ cứng, kinh viện, chưa tạo được hứng thú thực sự cho người học. Những phương pháp dạy và học tích cực, đề cao sự tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên, học viên; việc sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập chưa thực sự được phát huy mạnh mẽ và thiếu tính hiệu quả.

Nhìn chung, công tác giáo dục lý luận chính trị hầu như vẫn chưa thực sự “nhập cuộc” vào quá trình học tập trực tuyến, vẫn phụ thuộc vào phương pháp dạy và học truyền thống; còn hạn chế trong việc tạo lập và vận hành giáo dục lý luận chính trị trực tuyến.

Theo khảo sát của Đề án “Đổi mới giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân” do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành năm 2014 thì trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam, gần như chưa triển khai thực hiện (kể cả thí điểm) hình thức đào tạo lý luận chính trị trực tuyến. Thực tế này cho thấy, chúng ta đang đứng ngoài cuộc đối với một xu hướng đào tạo mới trong tương lai đầy tiềm năng (đào tạo trực tuyến cho tất cả các môn học). Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang lãng phí và bỏ rơi một công cụ, một cách thức tiếp cận tiên tiến trong giáo dục.

Để bắt kịp thời đại và không bị tụt hậu, đã đến lúc chúng ta phải tận dụng lợi thế của học trực tuyến để tiến hành đào tạo trong bộ môn giáo dục lý luận chính trị.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm đình trệ sản xuất và lưu thông, nhất là làm gián đoạn việc học tập ở cả trên thế giới và Việt Nam, thì việc lựa chọn học trực tuyến là giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất. Đây là một yêu cầu, đòi hỏi được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc dạy và học lý luận chính trị cũng không ngoại lệ.

Từ thực tiễn giảng dạy và học tập lý luận chính trị, cùng với yêu cầu không ngừng đổi mới, sử dụng tối đa những thành quả, tiện ích của công nghệ số, công tác giáo dục lý luận chính trị cần phải chủ động nắm bắt cơ hội để vượt lên trong tiến trình đào tạo trực tuyến.

Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hiện hữu, khi giáo dục lý luận chính trị truyền thống là chưa đủ và thường bị gián đoạn bởi những khó khăn do những tác động ngoại cảnh đưa lại, thì việc tiến hành giáo dục lý luận chính trị trực tuyến là một xu hướng tất yếu. Cũng nên từng bước coi đây là yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới của thực tiễn,góp phần đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay./.

___________________________

(1) Thế Đan: Học trực tuyến: Tốc độ phát triển nhanh mở ra kỷ nguyên đào tạo mới, https://vnexpress.net/giao-duc/hoc-truc-tuyen-toc-do-phat-trien-nhanh-mo-ra-ky-nguyen-dao-tao-moi-3841121.html, 19-11-2018.

(2) (3) Học trực tuyến, xu hướng của tương lai, http://www.facework.vn/Blog/hoc-truc-tuyen-xu-huong-cua-tuong-lai-14.html.

(4) Kết luận số 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

(5) Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

PGS. TS. Ngô Đình Xây
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất