Thứ Hai, 25/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 25/5/2018 16:8'(GMT+7)

Xử lý trách nhiệm trong tố cáo và giải quyết tố cáo

(Ảnh: TTXVN)


Tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 24/5 về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận là hình thức tố cáo. Theo đó, dự thảo luật mở rộng thêm một số hình thức tố cáo như: Qua fax, thư điện tử và gọi điện thoại, cùng với hai hình thức đang thực hiện là bằng văn bản giấy và bằng lời nói trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền. Việc mở rộng này tạo ra hai luồng ý kiến khác: Một luồng ý kiến đồng tình vì cho rằng như vậy là tạo thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền tố cáo đã được hiến định. Luồng ý kiến còn lại lo ngại rằng, nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng dân chủ tố cáo tràn lan, gây quá tải cho cơ quan Nhà nước và yêu cầu phải đầu tư nguồn lực rất lớn để xử lý.

Thực ra, các hình thức tố cáo thông qua fax, thư điện tử, gọi điện thoại cũng không hoàn toàn mới mẻ. Trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại và tố cáo qua mạng thông tin điện tử.

Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn thư tố cáo đã phải tiếp nhận một khối lượng không nhỏ đơn thư. Năm 2017, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận 263.722 đơn thư các loại, trong đó có 57.983 đơn khiếu nại, 15.555 đơn tố cáo. Có không ít vụ việc được giải quyết đi, giải quyết lại nhiều lần nhưng người tố cáo vẫn chưa chấp nhận kết quả giải quyết, trong đó có cả những trường hợp cố tình làm khó. Những lo ngại về việc chỉ một cuộc điện thoại, một tin nhắn tố cáo mà cả hệ thống phải vào cuộc để xác minh nội dung, làm tăng gánh nặng... không phải là không có cơ sở.

Việc tố cáo bằng văn bản giấy, văn bản điện tử, hay một cuộc điện thoại đều cần được phân loại, xác minh nội dung. Chưa kể hiện nay, dù dự thảo luật chưa quy định hình thức tố cáo thông qua mạng xã hội, nhưng thực tế trong nhiều vụ việc, khi có thông tin tố cáo trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng vẫn phải vào cuộc xác minh, làm rõ để ổn định tình hình.

Để giải quyết tốt việc tố cáo, ngăn chặn việc tố cáo sai, vu khống bôi nhọ cán bộ, lợi dụng tố cáo để gây rối, gây mất an ninh trật tự; ngăn chặn việc cố tình bao che cho đối tượng bị tố cáo, thì cần phải quy định rõ trách nhiệm của người tố cáo và người giải quyết tố cáo. Hiện nay, trong dự thảo luật đã có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự và phải thực hiện bồi thường đối với cả người tố cáo và người giải quyết tố cáo, nếu như việc tố cáo hoặc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tố cáo và giải quyết tố cáo của công dân có thể là việc tích cực, giúp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoặc cũng có thể trở thành việc phức tạp, trở thành điểm nóng, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của cả một hệ thống các cơ quan liên quan, nếu bên tố cáo và bên giải quyết tố cáo thiếu trách nhiệm với việc chung, có động cơ không trong sáng. Do đó, thay vì quan tâm, lo ngại về hình thức thì điều quan trọng là cần đặt trọng tâm vào việc xử lý trách nhiệm của các bên liên quan./.

Hồ Quang Phương (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất