Thứ Tư, 25/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 23/6/2011 22:45'(GMT+7)

Xu thế mới "kẹt" thói quen cũ

Giao diện một trang web mua chung trực tuyến.

Giao diện một trang web mua chung trực tuyến.

Mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng cuối năm 2010, nhưng hình thức mua sắm online theo nhóm (mua chung) đang được giới trẻ và giới công sở hưởng ứng rất nhiệt tình. Với hình thức mua chung, người mua được hưởng giá ưu đãi, giảm từ 30 - 70%, thậm chí là 90% so với giá gốc. Tuy nhiên, không ít người còn băn khoăn về tính xác thực và chất lượng của dịch vụ này. 

Nở rộ dịch vụ mua chung

Mua chung là hình thức nhiều người cùng mua sắm một sản phẩm hoặc một dịch vụ, thông qua trung gian là một trang web trong một khoảng thời gian nhất định để được hưởng mức giá ưu đãi giảm từ 30 - 70% so với giá gốc. Ví dụ, với một phiếu ăn trị giá khoảng 200.000 đồng, khi có đủ số lượng người mua nhất định thì khách hàng chỉ phải trả 80.000 - 100.000 đồng. Hàng hoá trên các trang web này rất phong phú từ làm đẹp, ăn uống, mỹ phẩm, điện thoại cho đến du lịch. Việc đăng ký mua hàng rất tiện lợi và nhanh chóng, chỉ cần kích chuột, làm theo hướng dẫn là hoàn tất đơn đặt hàng, chỉ còn đợi nhân viên của trang web giao hàng là xong. Hình thức thanh toán của loại dịch vụ này theo đó cũng rất đa dạng, khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp, thẻ tín dụng, thẻ ATM, Internet banking…

Với những ưu điểm trên, mua chung được xem là hình thức mua sắm, tiêu dùng mới của giới trẻ và những người bận rộn. Ở Việt Nam hiện có khoảng vài chục trang web có dịch vụ này. Chị Nguyễn Thị Quỳnh ở Tây Sơn, Hà Nội cho biết: “Mình đã mua hàng trên trang web nhommua, muachung và khá hài lòng với các dịch vụ mà các trang web này cung cấp. Dịch vụ này giao phiếu tận nhà cho mình và trước khi giao thường gọi điện thoại báo trước. Chất lượng các dịch vụ nói chung là tốt. Mình đã rủ bạn bè và người thân dùng thử và ai cũng hài lòng”.

Theo đại diện của một số trang web, mô hình mua chung tại Việt Nam rất tiềm năng và có tốc độ phát triển cao. Ví dụ như trang web muachung.vn chỉ mới ra đời chưa đầy 4 tháng nhưng đã phục vụ gần 20.000 khách hàng và có danh sách hơn 100.000 người đăng ký nhận các thông tin khuyến mãi hàng ngày. Tuy chỉ mới xuất hiện từ đầu tháng 9/2010 nhưng đến nay trang web muachung.vn đã có hơn 1 triệu lượt truy cập tìm hiểu và mua bán rất nhiều mặt hàng từ quần áo, thức ăn đến điện thoại di động.

Theo ông Bùi Đức Minh, Giám đốc Sản phẩm mạng HerVietnam, đây thực chất là mô hình kinh doanh win-win-win, nghĩa là cả ba bên tham gia là doanh nghiệp bán sản phẩm, trang mạng bán hàng trực tuyến và người tiêu dùng đều có lợi. Khách hàng được lợi khi mua hàng nhiều thì được giảm đến 90% so với mức giá bình thường. Doanh nghiệp không gặp rủi ro vì không phải trả tiền đăng quảng cáo trên website mà vẫn tiếp cận được trực tiếp khách hàng mục tiêu của mình.

Còn nhiều bất cập

Tuy mua chung được xem là hình thức mua sắm, tiêu dùng mới của giới trẻ nhưng hiện còn nhiều bất cập. Rất nhiều khách hàng đã bức xúc về kiểu mua phiếu giới thiệu một đằng nhưng khi sử dụng thực tế lại một nẻo. Anh Lê Minh ở Mễ Trì, Hà Nội phản ánh: “Tôi mua phiếu ăn cho 4 người với giá 1.024.000 đồng nhưng được giảm 35% tại một nhà hàng ở Mễ Trì, Mỹ Đình, Hà Nội. Khi chúng tôi đi ăn thì đồ ăn ít hơn quảng cáo, suất ăn không đủ, đã thế thức ăn không tươi, nhân viên phục vụ thiếu tận tình”.

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Linh ở Trung Yên,Trung Hòa, Hà Nội phàn nàn, chị có đặt mua phiếu lớp học trang điểm tại Hà Nội, học trong 5 ngày và được giảm 50%, số tiền chị phải đóng chỉ còn 250.000 đồng. Lớp học là một cửa hiệu Spa ở phố Vạn Bảo, tuy nhiên, những lời quảng cáo trên trang web này đều ngược lại với thực tế tại đây. Từ thái độ của nhân viên và giáo viên đến cách dạy học đều thể hiện sự phân biệt giữa người đến trực tiếp tiệm Spa làm đẹp và những người sử dụng thẻ mua chung. Sau khoá học, các học viên vẫn không biết trang điểm. Nếu muốn biết sâu hơn thì các học viên lại phải đăng kí học thêm với tiệm Spa này.

Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực mua chung, tại Việt Nam, hình thức kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về phương thức thanh toán. Các phương thức thanh toán online thực sự chưa phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam, kể cả với những người sử dụng mạng nhiều như giới trẻ và dân văn phòng. Do đó, phương thức thanh toán phổ biến của hình thức này hiện nay vẫn là nhận tiền mặt khi giao nhận phiếu. Với hình thức thanh toán này thì khi phải giao trên 1.000 phiếu/ngày, các trang web đều gặp khó khăn trong vấn đề giao nhận. Hiện nay, ngoại trừ việc thuê các công ty chuyển phát nhanh thì Việt Nam vẫn chưa có một đơn vị hậu cần nào đảm nhận vai trò tổng thầu cho các giao dịch thương mại điện tử để giảm chi phí giao nhận./.

(Ánh Phương/Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất