Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 10/1/2013 20:16'(GMT+7)

Xuân về trên biên cương

Một mùa xuân mới sắp đến với những hứa hẹn, đổi thay trên khắp miền biên giới của tỉnh Quảng Trị. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh, người dân ở đây đã thay đổi phương thức canh tác. Cuộc sống người dân vùng biên Quảng Trị vì vậy đang ngày càng đổi thay.

Quảng Trị có tuyến biên giới giáp 2 tỉnh Savanakhet và Salavan (Lào) với tổng chiều dài 206 km, có 18 xã, thị trấn gồm 169 thôn bản, dân số hơn 12.000 hộ với trên 57.000 nhân khẩu, trong đó có 23 thôn, bản đối diện với các bản biên giới. Địa hình chủ yếu là đồi núi phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân vùng biên. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các xã miền núi chưa được đầu tư đồng bộ, phương thức sản xuất còn lạc hậu, việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, do đó đời sống đồng bào khu vực biên giới còn nhiều thiếu thốn.

Những năm qua, chương trình đỡ đầu bản biên giới do Biên phòng tổ chức đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa , xã hội, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đưa đời sống người dân từng bước thay đổi. Với phương châm “ba bám bốn cùng”, những người lính Biên phòng đã và đang thầm lặng cống hiến sức mình hỗ trợ người dân thay đổi phương thức sản xuất, suy nghĩ, từng bước tạo lập cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh trật tự thôn bản ở khu vực biên giới. Hạn chế tình trạng nhập biên truyền đạo trái phép, xâm canh, xâm cư, buôn lậu, buôn bán hàng qua biên giới, kết hôn xuyên biên giới trái phép, khai thác lâm sản, thổ sản… nâng cao ý thức của người dân trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Đến với bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông vào những ngày cuối năm Nhâm Thìn, chúng tôi cảm nhận được không khí mùa xuân trên bản làng tràn ngập khắp nơi. Trong những mái nhà sàn thấp thoáng xa xa giữa núi rừng mịt mù ấy đã có ti vi, điện sáng, nước sinh hoạt cùng đầy đủ phương tiện đi lại… chứng minh cho sự đổi thay của bản làng. Ít ai biết trước kia bản La Lay là một trong những bản nghèo nhất của huyện Đakrông. Ngày ấy, do đời sống kinh tế thiếu thốn, cuộc sống người dân Pakô, Vân Kiều cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc sống trong những căn nhà sàn thô sơ, canh tác chủ yếu bằng hình thức đốt rừng làm nương rẫy, trình độ dân trí còn thấp do đó người dân chủ yếu phó mặc số mệnh cho Giàng. Bởi vậy, cuộc sống người dân đói kém quanh năm. Từ năm 2004 đến nay, Đồn biên phòng Cửa khẩu La Lay nhận đỡ đầu bản, hướng dẫn người dân thay đổi cách sống, phương thức làm ăn. Những người lính đã không quản ngại khó khăn giúp đỡ người dân thay đổi cuộc sống. Các chiến sỹ Biên phòng đến từng hộ gia đình, vận động bà con bỏ tập tục lạc hậu, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ; lựa chọn những loại cây, con phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng như: chuối, sắn, cá, lợn rừng… dựa trên kết quả đạt được để áp dụng và nhân rộng những mô hình hay. Từ đó, ở địa phương xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao, tạo việc làm cho bà con dân bản ở địa phương. Từ một bản có hơn 99% dân số thuộc diện hộ nghèo, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Cửa khẩu La Lay, người dân ở đây đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, tin tuởng vào chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chung tay bảo vệ biên giới và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt –Lào. Anh Hồ Văn Reo, bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông một điển hình trong sản xuất kinh tế cho biết: Từ khi nhận được sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của cán bộ Đồn biên phòng về xây dựng mô hình kinh tế, gia đình anh đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu thay đổi cuộc sống của gia đình. Các chiễn sỹ Biên phòng đã tận tình hướng dẫn gia đình anh từ khâu chọn giống, phương pháp chăm sóc nuôi trồng, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, đến nay đời sống kinh tế gia đình anh cũng như nhiều bà con nơi đây ngày càng thay đổi có của ăn của để…

Bên cạnh việc giúp đỡ phát triển kinh tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được Đồn Biên phòng La Lay chú trọng. Do trình độ dân trí người dân còn hạn chế, bộ đội biên phòng đến từng gia đình khám chữa bệnh, hướng dẫn cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe, bỏ các tập tục lạc hậu mỗi khi ốm đau. Đồng thời, động viên người dân quan tâm đến tương lai thế hệ trẻ, cho con em tới trường học. Bên cạnh đó, Đồn tiến hành xây dựng bể và hệ thống nước sạch về từng hộ gia đình. Hệ thống điện sinh hoạt cũng được lắp đặt đầy đủ đảm bảo cuộc sống cho người dân ở đây. Tăng cường phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn biên giới, an ninh trật tự thôn, bản; giúp người dân hiểu và bài trừ những hủ tục, tập tục lạc hậu xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa bảo tồn và phát huy những truyền thống văn hoá riêng biệt của dân tộc mình. Từ những việc làm thiết thực, đời sống kinh tế, văn hoá tinh thần dân bản ngày càng nâng cao, người dân hiểu được tầm quan trọng của việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, ngăn chặn tình trạng xâm canh, xâm cư. Đến nay, bản La Lay đã dần thay đổi diện mạo về kinh tế-xã hội, an ninh - quốc phòng…

Đại uý Ngô Quang Thuyên, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu La Lay cho biết: Thực hiện kế hoạch của Bộ tư lệnh Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh về xây dựng đơn vị toàn diện gắn với xây dựng địa bàn vững mạnh. Xác định bản La Lay là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng giáp biên giới, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vững chắc phải đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong đó đặc biệt là quần chúng nhân dân. Đồn đã triển khai hỗ trợ đỡ đầu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thay đổi nhận thức của người dân tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Đến nay, qua quá trình thực hiện, bản La Lay trở thành mô hình điểm với những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực./.

Thanh Thủy

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất