Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 19/8/2015 15:42'(GMT+7)

Xuất bản 11 Luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

11 Luật mới vừa được Quốc hội thông qua gồm: Luật tổ chức Chính phủ 2015; Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015; Luật thú y 2015; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015; Luật nghĩa vụ quân sự 2015; Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi 2015; Luật ngân sách nhà nước sửa đổi 2015; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.

 

1. Luật tổ chức Chính phủ năm 2015

 

Luật gồm 7 chương và 50 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 và thay thế Luật tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực. Một số điểm mới của Luật tổ chức Chính phủ năm 2015: Theo quy định của Luật, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chức năng và phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

 

Chính phủ tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên. Cùng với đó, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân…

2. Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

 

Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016 và sẽ thay thế cho Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 3003 trừ trường hợp quy định tại Điều 142 của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

 

Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 gồm 8 chương 143 điều, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.  Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 xác định các đơn vị hành chính gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã) và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

 

Theo Điều 4 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn.

 

3. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015

 

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam năm 2015 có hiệu lực từ 1-1-2016, thay thế Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam năm 1999. Với 8 chương, 41 điều, đạo luật mới xây dựng thiết chế cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Các sửa đổi, bổ sung mới tập trung vào một số nhiệm vụ, quyền hạn mới cũng như tổ chức của Mặt trận, mối quan hệ giữa Mặt trận với Nhà nước, phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phối hợp với tổ chức tiếp xúc cử tri của các cơ quan quyền lực. Hai vấn đề quan trọng là tiếp dân và hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng được đạo luật đưa vào nhiều chế định mới và quy định cụ thể.

 

4. Luật thú y năm 2015

 

Luật thú y sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, thay thế Pháp lệnh thú y năm 2004.  Luật gồm 7 chương, 116 điều, quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y.

 

Điểm mới: Luật thú y nêu rõ nguyên tắc hoạt động như sau: Bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thú y từ Trung ương đến địa phương nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe động vật, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, tính bền vững trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Thực hiện việc phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương; phát hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để các ổ dịch, nguồn lây dịch bệnh; ngăn chặn kịp thời sự lây nhiễm, lây lan của đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Phòng, chống dịch bệnh động vật trước hết là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Bảo đảm thuận lợi trong giao dịch thương mại đối với động vật, sản phẩm động vật; hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết hợp khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh động vật. 

5. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

 

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 gồm 17 chương, 175 điều, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Luật này không quy định việc xây dựng Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

 

Những điểm mới là: Về văn bản quy phạm pháp luật, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ là: Văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này. Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định của Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật. 

 

Luật cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm là: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, trái văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng chứa quy phạm pháp luật. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Quy định thủ tục hành chính trong Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp được giao trong luật. 

 

6. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015

 

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015 và thay thế Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 và Luật số 63/2010/QH12, Luật bầu cử đại biểu HĐND số 12/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2010/QH12.

Luật gồm 10 chương và 98 điều, quy định về nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử, tuổi ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND); đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung…


7. Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015

 

Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 gồm 9 chương và 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, thay thế luật nghĩa vụ quân sự năm 1981 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự năm 1990, 1994, 2005.

 

Luật quy định: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự là công dân nam đủ 17 tuổi trở lên; công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân và từ đủ 18 tuổi trở lên.

 

8. Luật kiểm toán Nhà nước năm 2015

 

Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, thay thế Luật kiểm toán nhà nước năm 2005. Luật có 9 chương, 73 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán Nhà nước.

 

9. Luật ngân sách nhà nước năm 2015

 

Luật ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017, thay thế Luật ngân sách nhà nước năm 2002. Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) có 7 chương, 77 điều, quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của  các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách nhà nước. 

 

Luật ngân sách nhà nước quy định: Ngân sách Nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Luật cũng đưa ra một số quy định cấm như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách Nhà nước; cấm thu sai quy định của các luật thuế và các quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; cấm vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; cấm sử dụng ngân sách Nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật...

 

10. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015

 

Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 81 điều. Luật quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này.
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2016.

11. Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015

 

Luật an toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Luật gồm 7 chương với 93 điều, quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

 

Luật an toàn, về sinh lao động quy định: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động…

Nguyễn Lan Hương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất