Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 14/10/2008 17:39'(GMT+7)

Mã số sách chuẩn quốc tế ISBN - Những tấm hộ chiếu có giới hạn

Nâng cao thương hiệu sách Việt

Trước đây, để đặt mua một cuốn sách ở Việt Nam, khách hàng nước ngoài, dù là Việt kiều rành tiếng Việt cũng phải dựa vào hai yếu tố là nhan đề sách và tên nhà xuất bản (NXB). Thế nhưng, một cuốn sách lại có thể có bản bìa mềm, bản bìa cứng, bản có minh họa màu, bản có song ngữ, bản kèm đĩa CD, bản có sách hướng dẫn… Vì thế, khách hàng ở nước ngoài muốn đặt mua một cuốn sách ưng ý từ Việt Nam đôi khi không đơn giản.

Nhưng với ISBN sẽ thuận lợi hơn nhiều, mỗi bản sách, bìa mềm hay bìa cứng đều được cấp một mã số ISBN khác nhau. Dựa trên những con số này, khách hàng có thể chọn lựa chính xác cuốn sách mình cần. Đơn đặt hàng cũng không phức tạp với những tên sách, tên NXB hay thậm chí là miêu tả phiên bản sách, mà chỉ gói gọn trong 13 con số ISBN.

Ngoài ra, trước đây vì không có ISBN, khách hàng nước ngoài thường kém tin tưởng vào các cuốn sách do Việt Nam thực hiện, vì họ không thể tra cứu hay tìm hiểu thông tin sách qua các trang web hỗ trợ tìm sách sử dụng ISBN. Sách Việt cũng khó chen chân vào hệ thống bán hàng của các nhà sách, siêu thị sách quốc tế do thiếu mã số ISBN. Một điều quan trọng nữa là với mã số ISBN riêng, sách Việt có thể chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình.

Không chỉ đơn giản về phát hành, ISBN còn có nhiều lợi ích thiết thực khác như giảm giá thành làm sách xuất khẩu, do trước đây sách loại này đều phải gửi ra nước ngoài để họ in lại bìa và đóng mã số của họ. Với ISBN, các NXB cũng nâng cao trách nhiệm khi vấn đề thương hiệu trở nên rành mạch, chất lượng sách cũng được quan tâm hơn khi gắn thêm ISBN do phải đảm bảo các quy chuẩn sách quốc tế, nếu muốn xuất khẩu.

Và đặc biệt là ISBN gần như miễn phí, mỗi năm Cục Xuất bản chỉ phải trả cho tổ chức ISBN quốc tế khoản phí 250 euro, đây là một con số rất nhỏ so với lợi ích mà ISBN mang lại.

ISBN-Tài nguyên quốc gia

Chính vì lợi ích to lớn và đầy hứa hẹn của ISBN mà những người làm sách đã háo hức chờ đợi ngày sách Việt Nam có mã số riêng. Tuy nhiên, việc xin cấp mã số lại kéo dài quá lâu. Từ tháng 6-2007, Cục Xuất bản đã ký hợp đồng cấp mã số với tổ chức ISBN và được cấp mã số Việt Nam là 604 nhưng mãi đến tháng 9-2008, việc hướng dẫn sử dụng mã số ISBN mới được triển khai đến các NXB, công ty phát hành…

Và khi ISBN được áp dụng thì lại nảy sinh nhiều vấn đề, mà quan trọng nhất là sự giới hạn số lượng của mã số. Điều này đã được ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản cảnh báo từ trước khi ISBN vào Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “ISBN giống như một nguồn tài nguyên quốc gia, như tầng số viễn thông chẳng hạn, nó có giới hạn và nhiệm vụ của các NXB là phải sử dụng tài nguyên này cho xứng đáng. Nếu sử dụng phung phí, mã số hết sớm sẽ phải xin cấp lại mã mới và sẽ phải chờ khá lâu”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, chuyên gia của cơ quan ISBN Việt Nam, thì lý do của sự hạn chế nằm ở chính bản thân mã số. ISBN gồm 13 con số nhưng 3 số đầu tiên dùng làm mã chuẩn của ISBN nên không thể thay đổi, ba số tiếp theo là mã số quốc gia (Việt Nam là 604), một số trong chuỗi số (số cuối cùng) dùng làm số kiểm tra. Như vậy, chỉ còn 6 số. 6 số này bao gồm mã số NXB và số dành cho sách. Mã số NXB được chia theo nguyên tắc NXB có số sách xuất bản càng lớn thì mã số NXB càng nhỏ và ngược lại.

Ví dụ NXB Giáo dục có mã số chỉ 1 con số, như vậy họ sẽ còn 5 số dành cho sách tương đương với 10.000 nhan đề sách khác nhau. Một NXB nhỏ có mã số NXB là 3 số thì họ chỉ còn 3 số dành cho sách, tương đương 1.000 nhan đề sách. Như vậy, tổng cộng ISBN Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu số tương đương 1 triệu nhan đề sách. Chính vì thế, ông Nguyễn Kiểm cho rằng: “Với ISBN, các nhà làm sách Việt Nam nên kỹ lưỡng hơn trong việc cho ra những cuốn sách thật sự tốt, đẹp để có thể phát huy hiệu quả của ISBN, tôn vinh được sách Việt trên trường quốc tế”./.

(SGGP điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất