Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 21/2/2011 22:37'(GMT+7)

Xuất khẩu tôm, cá tra phấn đấu đạt tăng trưởng cao

Xuất khẩu tôm sẽ duy trì đà tăng trưởng cao

Theo VASEP, hiện nay do nguồn cung tôm trên thị trường thế giới hiện nay khan hiếm, đặc biệt là tôm cỡ lớn, cùng với tôm chân trắng vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam nên đây được coi là thuận lợi cảu xuất khẩu tôm.

Trong nửa đầu của tháng 1 năm nay, tỷ trọng xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 1.970 tấn, trị giá hơn 15 triệu USD, tăng 40% về khối lượng và 64% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.

Xuất khẩu tôm sú đạt hơn 4.100 tấn, trị giá hơn 42 triệu USD, tăng 53,4% về khối lượng và 67% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm sú chiếm 64% tổng giá trị xuất khẩu tôm, tuy nhiên so với năm 2010, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm.

Xuất khẩu tôm vẫn giữ được tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước với 35,7%. Giá xuất khẩu trung bình đạt 9,17 USD/kg, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây tiếp tục sẽ là yếu tố chính thúc đẩy xuất khẩu tôm tăng trưởng cao vào thời gian tới.

Nửa đầu tháng 1/2011, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm đã đưa ra thị trường thế giới gần 7.200 tấn tôm, trị giá gần 66 triệu USD, tăng lần lượt 37% và 56% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VASEAP, dự kiến xuất khẩu tôm trong một vài tháng tới sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan do nhu cầu của khách hàng nước ngoài vẫn cao, tuy cũng sẽ gặp khó khăn về nguồn cung vì các tỉnh trọng điểm nuôi tôm mới thu hoạch xong vụ tôm chính và chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Một trở ngại lớn đối với xuất khẩu tôm là vấn đề chất lượng nhất là đấu tranh nói “không” với tôm chứa tạp chất vẫn còn khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ NNPTNT, việc triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý chất lượng, cùng với sự đồng tâm hiệp lực của các DN, con tôm Việt Nam sẽ dần lấy lại được uy tín của mình trên các thị trường lớn.

ĐBSCL phấn đấu xuất khẩu cá tra đạt 1,55 tỷ USD

Mặc dù năm 2010, cá tra Việt Nam gặp không ít trở ngại bởi những rào cản trên thị trường quốc tế nhưng vẫn đạt được kết quả khả quan.

Tính đến cuối năm 2010, tổng sản lượng cá tra giống sản xuất toàn vùng ĐBSCL đạt gần 2,4 tỷ con, diện tích nuôi đạt 5.400ha, sản lượng cá thu hoạch đạt hơn 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.

Trong năm qua, EU vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đó là thị trường Mỹ, Mexico và Nga chiếm 21,6%.

Năm 2011, xuất khẩu cá tra tại khu vực ĐBSCL đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng cá giống sản xuất toàn vùng với sản lượng từ 2,5 - 2,6 tỷ con giống các loại; diện tích nuôi đạt 6.300ha (tăng 600-800 ha so với năm 2010); sản lượng ước đạt từ 1,2 - 1,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,45 - 1,55 tỷ USD; 60% cơ sở nuôi cá tra được đánh số, đăng ký nuôi cá tra có điều kiện và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ… vẫn là những địa phương chủ lực trong việc sản xuất và tiêu thụ cá tra. Bên cạnh đó, các tỉnh sẽ chú trọng không nuôi cá cao sản tràn lan mà chỉ nuôi tại khu vực có diện tích rộng trên 10 ha nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước sông rạch; đồng thời, liên kết chặt chẽ giữa người nuôi với nhà máy chế biến về hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh ứ đọng nguyên liệu cũng như thiếu nguyên liệu chế biến…

(Theo Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất