Thực tế là khủng hoảng kinh tế, “thắt lưng buộc bụng” ở các thị trường lớn theo thời gian đã thấm và ngấm ngày càng sâu vào kinh tế, đời sống nước ta, làm nặng thêm những khó khăn về cả lạm phát lẫn giảm phát, cản trở, hạn chế tốc độ tăng trưởng, hút vốn đầu tư, xuất, nhập khẩu…
Sau những thông tin về khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, rồi khủng hoảng nợ công làm kinh tế, đời sống ở những nước lớn trầm lắng trong nhiều năm qua là những tin tức về chính sách “thắt lưng buộc bụng” cùng sự chịu đựng của người dân ở hàng loạt nước châu Âu. Ở Hy Lạp, nhiều người thành phố tìm cách về nông thôn để sống và chờ đợi… Ở I-ta-li-a, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, thậm chí với nền kinh tế số 1 châu Âu là Đức cũng gặp không ít khó khăn. Ở đó, họ cũng phải bàn thảo, tranh luận quanh cụm từ “thắt lưng buộc bụng” quá lạ tai với các thế hệ trẻ của mỗi nước.
Nghe những tin, những chuyện ấy mà giật mình. Chợt thức dậy trong tiềm thức ngàn năm của người Việt Nam chúng ta những nỗi lo triền miên về đói thiếu, tích cóp, nhịn ăn, nhịn tiêu... Mà năm nay, hai tháng tư âm lịch, bây giờ theo lịch lo toan ngày xưa chưa xa là đang thời giáp hạt… Thảng thốt liên tưởng, nhớ lại vậy chứ bình tâm ra, ta chưa đến nỗi phải thực hiện chính sách ấy và rất hy vọng là không.
Chưa và rất có thể không phải “thắt lưng buộc bụng” bởi dân mình mức sống chưa cao, lại quen tằn tiện. Chưa và rất có thể là không bởi những người có trách nhiệm với nước, với dân đã và đang lo xa. Không ngẫu nhiên một trong những thành tựu nổi bật nhất của công cuộc đổi mới ở Việt Nam được thế giới thừa nhận, ủng hộ và trợ giúp là xóa đói giảm nghèo. Chính sách ấy sau những bước đi thành công hiện được tiếp nối bởi “xóa đói giảm nghèo bền vững”, bởi kế sách xây dựng nông thôn mới…
Thực tế là khủng hoảng kinh tế, “thắt lưng buộc bụng” ở các thị trường lớn theo thời gian đã thấm và ngấm ngày càng sâu vào kinh tế, đời sống nước ta, làm nặng thêm những khó khăn về cả lạm phát lẫn giảm phát, cản trở, hạn chế tốc độ tăng trưởng, hút vốn đầu tư, xuất, nhập khẩu… Sau những biện pháp quyết liệt, lạm phát đã được kiềm chế. Tháng 5 này, kỳ tăng lương tối thiểu bắt đầu được thực hiện. Tiếp đến, Chính phủ đã quyết định đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 29.000 tỷ đồng. Cũng tháng 5 này, tại Hội nghị Trung ương Đảng và kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, cùng với các biện pháp lớn đưa ra cân bằng các mục tiêu kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng, ngăn đà suy giảm kinh tế, hàng loạt các định hướng, biện pháp để ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội cả trước mắt và lâu dài đã được đưa ra. Trong những giải pháp tổng thể đó, việc chăm lo người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người về hưu được nêu lên như một trọng tâm, một mục tiêu lớn của phát triển. Lúa gạo nông dân làm ra nhiều được Nhà nước thu mua dự trữ. Người nông dân bị thiên tai, dịch bệnh làm thiệt hại được Nhà nước hỗ trợ. Người có nhu cầu khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ được đầu tư…
Đó là sự ưu việt của chế độ luôn được khẳng định. Đó là những cơ sở để nỗi lo “thắt lưng buộc bụng” khó có thể diễn ra với tuyệt đại bộ phận nhân dân. Song để chủ động khắc phục khó khăn trong sản xuất và đời sống, đương nhiên cần sự nỗ lực của mọi ngành, mọi cấp cùng toàn dân. Lúc khó cần cái khôn ló ra. Đây là thời của doanh nghiệp, doanh nhân năng động, của nhà quản lý, nhà nghiên cứu kiên gan, nhạy bén, bám sát sản xuất và đời sống, của nhà nông cơ chỉ, “lão nông tri điền”. Đây cũng là thời đoạn mỗi gói tiền cứu trợ doanh nghiệp phải đến được đúng trọng điểm, không thể tràn lan, rơi vãi. Và bây giờ cũng là lúc càng cần sự sửa đổi, hoàn thiện và thực hiện kiên quyết các bộ luật, điều luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, giáo dục và y tế, cũng là lúc tìm phương cách để tiếp tục học và hành cái hay, cái hợp lý của “những người đi trước” về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp, về phát triển khoa học, công nghệ, cải tiến quản trị doanh nghiệp… Lúc khó khăn càng cần nêu cao tình thương yêu đùm bọc, lối sống kỷ cương, dân chủ, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Lúc khó khăn càng nhận thấy ý nghĩa của mục tiêu phát triển bền vững, của lối sống cần kiệm, chi tiêu hiệu quả./.
(Mạnh Hùng/QĐND)