Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 27/5/2012 9:15'(GMT+7)

Vẫn một cách nhìn sai lệch

Trước hết cần khẳng định rằng, đây là một báo cáo lỗi thời, không khách quan, không đúng tình hình của Việt Nam, một kiểu áp đặt trong quan hệ quốc tế mà Việt Nam phải gánh chịu trong những năm qua và đi ngược lợi ích song phương cũng như xu hướng phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Mỹ  hiện nay.

Đánh giá về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, dưới nhãn quan bị chi phối bởi thành kiến chính trị, lại dựa trên những thông tin sai trái về Việt Nam, những người soạn thảo văn kiện này tiếp tục coi Việt Nam là một nhà nước “chuyên chế” mà ở đó  “quyền chính trị của công dân, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí bị hạn chế”…

Điều cần thiết của một báo cáo về tình hình nhân quyền, trước hết phải xem Chính phủ quốc gia đó đã làm được gì cho người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần, nhất là ở những nước nghèo, đang phát triển. Đó là những nội hàm rất cơ bản của nhân quyền. Thế nhưng, các nhà soạn thảo báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ lại không hề làm như vậy. Dựa trên những thông tin một chiều mang tính chất định kiến, áp đặt, Báo cáo đã chỉ trích Việt Nam về “hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”; thậm chí đánh đồng những kẻ vi phạm pháp luật bị xử lý với các “nhà hoạt động chính trị”. Nực cười thay, những "nhà hoạt động chính trị" mà bản báo cáo tung hô lại là những kẻ thời gian qua đã có nhiều hành động chống phá Nhà nước Việt Nam. Việc chính quyền các cấp có những biện pháp ngăn chặn những hành vi chống đối đó, không phải là vi phạm nhân quyền, mà chính là nhằm cho người dân được sống trong đất nước hòa bình, ổn định - một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, sai lệch về tình hình nhân quyền của Việt Nam, bản báo cáo đã làm ngơ trước sự thật rằng, Việt Nam đã có những bước tiến thật tự hào, được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ðó là những thành tựu không thể phủ nhận trong việc thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs); giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, nâng cao mức sống mọi mặt cho người dân đồng thời thực hiện hiệu quả các công ước về bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục trong những năm gần đây được nâng lên. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 80 của Ủy ban về công ước chống phân biệt chủng tộc LHQ (CERD) tại Giơ-ne-vơ hồi tháng 3 vừa qua, những thành tựu Việt Nam đạt được về đảm bảo nhân quyền cho người dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực cũng được đánh giá rất cao. Đó chẳng phải là một minh chứng về việc đảm bảo quyền con người?

Bên cạnh đó, mọi quyền của người dân Việt Nam, trong đó có quyền làm chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo... đều được Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo đảm. Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện để báo chí phát triển bằng cách tạo dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ và chính sách thuận lợi nhằm bảo đảm tự do báo chí và tự do ngôn luận. Ngoài ra, có lẽ chưa có nơi nào trên thế giới mà internet lại phát triển như ở Việt Nam. Giáo sư, học giả người Mỹ Thô-mát Gian-đơn (Thomas Jandl) trong lần tới Việt Nam năm ngoái đã phải thốt lên rằng “có thể truy cập internet ở bất kỳ chỗ nào”. Lời nói của một người Mỹ liệu đã đủ để Bộ Ngoại giao Mỹ thay đổi cách nhìn về “tự do internet” ở Việt Nam hay chưa?

Nói đến đây để thấy, nhân dân Việt Nam đang được hưởng những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, được sống, học tập, làm việc trong đất nước bình yên, xã hội ổn định, với những điều kiện vật chất và tinh thần ngày càng đầy đủ hơn. Và đối với mỗi ngưòi dân Việt Nam, đó là những quyền cơ bản nhất.

Không phủ nhận rằng vẫn còn những điều bất cập trong đời sống kinh tế-xã hội ở Việt Nam, ví dụ như nạn tham nhũng. Nhưng đó là những vấn đề mà bất cứ một xã hội nào trong quá trình phát triển của mình cũng phải đối mặt. Và Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống tư pháp của mình để đẩy lùi và xử lý triệt để tệ nạn này.

Cần phải chỉ rõ rằng, thực hiện về nhân quyền ở mỗi nước dựa trên những đặc thù về lịch sử văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Không có một quốc gia nào trên thế giới được coi là hình mẫu nhân quyền cho quốc gia khác. Do vậy, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn về quyền con người của nước này cho nước khác. Những nước nằm trong “tầm ngắm” của Oa-sinh-tơn đã cực lực chỉ trích bản báo cáo nhân quyền của Mỹ. Trung Quốc coi đây là tài liệu "mang đầy tính phân biệt đối xử, coi thường sự thật, nhầm lẫn giữa cái sai và cái đúng”. Bộ Ngoại giao Cu-ba tố cáo những thông tin “giả dối và vu cáo” trong Báo cáo chỉ nhằm bào chữa cho chính sách bao vây cấm vận tàn bạo mà Oa-sinh-tơn áp đặt chống La Ha-ba-na hơn nửa thế kỷ qua. Đối với Việt Nam, Báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ là việc làm đi ngược lại với những nỗ lực và xu thế tích cực không thể đảo ngược trong quan hệ Việt - Mỹ; mối quan hệ đã trải qua những năm thử thách khó khăn nhưng đã định hình một cách rõ rệt theo chiều hướng ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Với tinh thần hòa hiếu, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và đối thoại với các nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ về các vấn đề còn có những cách nhìn khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người. Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Mỹ không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, ngoại giao... như hiện nay, thiết nghĩ, việc cần làm là hai nước cần tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng. Có như vậy, quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ mới được thúc đẩy và phát triển, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước./. 

(Thu Trang/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất