Thứ Ba, 1/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 21/8/2012 22:0'(GMT+7)

Xyri phản đối đề xuất áp đặt vùng cấm bay

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: Internet)

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: Internet)

Tuyên bố trên được bà Saban đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, khẳng định rằng việc áp đặt vùng cấm bay ở Xyri, do Ngoại trưởng Mỹ Hilari Clintơn (Hillary Clinton) cùng các quan chức phương Tây khác đề xuất, "là một hành động xâm lược, và Xyri là một nước không chấp nhận bất cứ sự xâm lược nào và sẽ tự vệ".

Theo bà Saban, lý do khiến thỏa thuận ngừng bắn không thể thực hiện được bất chấp các nỗ lực không mệt mỏi của Đặc phái viên chung Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) Côphi Annan (Kofi Annan) là "sự thiếu thiện chí chính trị thực sự, đặc biệt là của các nước phương Tây", thông qua việc hỗ trợ hoặc ủng hộ hành động hỗ trợ vũ khí và tiền bạc cho các nhóm chống đối ở Xyri. Bà nhấn mạnh hành động hậu thuẫn lực lượng chống đối này là một sự can thiệp vào Xyri và xâm phạm chủ quyền của nước này, cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực tiếp diễn tại Xyri suốt 17 tháng qua.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho rằng việc tuồn vũ khí từ một nước thứ ba vào Xyri là "không thể chấp nhận được". Thông cáo nhấn mạnh tình trạng buôn lậu vũ khí này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh các phần tử khủng bố và cực đoan quốc tế đang hoạt động tại quốc gia Trung Đông này. Bộ Ngoại giao Nga cũng lưu ý rằng ngoài các hỗ trợ về tài chính từ một số quốc gia vùng Vịnh, phe đối lập ở Xyri đã nhận được lựu đạn, súng chống tăng và tên lửa phòng không vác vai qua các nước thứ ba như Libi, Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng.

Trong khi đó, Pháp và Mỹ tiếp tục đưa ra quan điểm cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Xyri hiện nay là Tổng thống Basa An Átxát (Bashar al-Assad) phải ra đi. Theo một tuyên bố Điện Êlidê (Elysee) đưa ra ngày 20/8, Tổng thống Pháp Phrăngxoa Ôlăngđơ (Francois Hollande) trong một cuộc hội đàm với tân Đặc phái viên LHQ-AL về Xyri Lakhơba Brahimi (Lakhdar Brahimi) cho rằng: "Không có giải pháp chính trị nào khác cho Xyri ngoài việc ông Átxát phải từ bỏ quyền lực". Trong khi đó, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Víchtoria Nulan (Victoria Nuland) cho biết: "Mỹ không cho rằng sẽ có hòa bình ở Xyri chừng nào ông Átxát chưa từ chức".

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama) cảnh báo Oasinhtơn (Washington) có thể hành động quân sự nếu chính quyền của ông Axát có ý đồ triển khai hoặc sử dụng vũ khí hóa học và sinh học.

Phát biểu tại một buổi họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Ôbama nhấn mạnh Mỹ coi bất kỳ động thái nào liên quan việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học là vượt "giới hạn đỏ" và sẽ làm thay đổi phép tính của Oasinhtơn đối với cuộc xung đột ở Xyri. Ông Ôbama cho biết vấn đề vũ khí hóa học và sinh học không chỉ gây quan ngại cho Xyri mà còn cho cả các đồng minh thân cận của Oasinhtơn trong khu vực này, trong đó có Ixraen, cũng như bản thân nước Mỹ. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, vào thời điểm hiện tại Mỹ không can thiệp quân sự vào tình hình Xyri, song Oasinhtơn đang theo dõi chặt chẽ và đã chuẩn bị các kế hoạch dự phòng nếu chính quyền Đamát hay các bên liên quan sử dụng các vũ khí nguy hiểm trên.

Giới phân tích nhận định tuyên bố trên của Tổng thống Ôbama cho thấy sự thay đổi về cách tiếp cận của ông đối với tình hình tại Xyri. Trước đó, người đứng đầu Nhà Trắng từng khẳng định sẽ không can thiệp quân sự trực tiếp vào quốc gia Trung Đông này, mà thay vào đó sẽ tập trung cung cấp các viện trợ nhân đạo cho người dân Xyri và hỗ trợ lực lượng đối lập thực hiện tiến trình chuyển giao chính trị.

Các cường quốc phương Tây đánh giá kho vũ khí hóa học của Xyri là một trong những kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới và đang ngày càng gây quan ngại cho Oasinhtơn cũng như các đồng minh của Mỹ trong bối cảnh tình trạng bất ổn kéo dài suốt 18 tháng qua tại nước này. Chính phủ Xyri từng khẳng định sẽ không bao giờ sử dụng kho vũ khí trên trong cuộc xung đột với phe đối lập, ngoại trừ trường hợp xuất hiện "sự xâm lược từ bên ngoài".

Tình trạng bạo lực tại Xyri vẫn tiếp diễn, làm ít nhất 100 người thiệt mạng riêng trong ngày 20/8. Theo tin mới nhất, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo một nữ nhà báo nước này đã bị sát hại tại Xyri trong khi đang tác nghiệp. Bộ trên xác nhận nhà báo bị thiệt mạng là Mica Yamamôtô (Mika Yamamoto), 45 tuổi, làm cho hãng tin Japan Press, bị trúng đạn súng máy khi đang tác nghiệp tại thành phố Aléppô (Aleppo, miền Bắc Xyri), nơi chiến sự tiếp diễn ác liệt. Yamamôtô là nhà báo nước ngoài thứ ba thiệt mạng tại Xyri kể từ khi bùng phát xung đột ở nước này hồi tháng 3/2011.

Báo chí địa phương đưa tin một vụ nổ lớn xảy ra tại thủ đô Đamát của Xyri sáng sớm nay 21/8 đã làm 4 nhân viên an ninh thiệt mạng và 7 người khác bị thương./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất