Trong khi thực hiện cơ chế bao cấp triệt để, bình đẳng được đề cao, xã hội không có cách biệt giầu nghèo, người thầy thuốc không phải lo đến việc kiếm sống bằng hành nghề và chỉ toàn tâm toàn ý phục vụ sức khỏe của người bệnh. Vì vậy lúc bấy giờ, đức tính hy sinh không đòi hỏi một điều kiện hoặc lợi ích gì cho bản thân thầy thuốc là tiêu chí duy nhất để đánh giá đạo đức nghề nghiệp y tế. Y tế của thời bao cấp mang tính phục vụ (phục vụ vô điều kiện trong chiến tranh), nhưng nay khi cơ chế thị trường được thiết lập thì y tế được thực hiện dưới dạng dịch vụ; sức khỏe cũng mang những đặc trưng của hàng hóa (tuy là một loại hàng hóa đặc biệt) và trong quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh tất yếu dẫn đến sự trao đổi. Mặt khác do những nhu cầu (need) và yêu cầu (demand) trong chăm sóc sức khỏe ngày một đa dạng và tăng lên rõ rệt. Không một quốc gia nào có thể bao cấp hoàn toàn cho nền y tế trong đó có thu nhập của thầy thuốc mà đòi hỏi sự tham gia của người dân và của toàn xã hội vào chăm sóc sức khỏe (trong đó có sự tham, gia về nhân lực và tài lực). Chính trong hoàn cảnh ấy, khi đề cập đến việc giáo dục và rèn luyện y đức, chúng ta cần bàn đến một số khía cạnh khác với những hiểu biết và phương pháp thời kỳ bao cấp.
Những vấn đề nổi trội khi bàn đến vấn đề này là:
1. Hiện nay nghề y có được xem là nghề kiếm sống của thầy thuốc hay không? Chúng ta có thừa nhận rằng người thầy thuốc trong hành nghề cũng có động cơ kiếm sống để lo cho cuộc sống của họ và gia đình họ hay không?
2. Dù cho thừa nhận nghề y cũng là một nghề kiếm sống và trong hành nghề thầy thuốc có động cơ lo cho lợi ích của bản thân (hay còn gọi là động cơ mưu sinh) thì mối quan hệ giữa việc mưu sinh và việc hy sinh vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh sẽ như thế nào?.
3. Có nên để thầy thuốc hoàn toàn tự lo việc kiếm sống (mưu sinh) hay không? Vai trò điều hoàn của xã hội trong đó có nhà nước là thế nào?
4. Thầy thuốc có nên lấy mục đích làm giầu bằng mọi cách khi hành nghề y hay không?
5. Ngoài việc nói đến đạo đức nghề nghiệp có cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp y học của đội ngũ thầy thuốc hay không? Việc này sẽ bổ trợ như thế nào cho y đức?
Trên đây là 5 vấn đề mà chúng tôi thiết nghĩ không phải chỉ thầy thuốc suy nghĩ mà cả xã hội trong đó có cả những nhà hoạch định chính sách y tế cần tìm hiểu để tạo ra một sự đồng thuận cao mang tính định hướng cho xã hội đặc biệt với giới thầy thuốc. Có như vậy thì y đức của thầy thuốc mới được phục hồi bền vững và nâng cao để phù hợp với nền y tế trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
1. Trong 5 vấn đề này vấn đề mấu chốt đầu tiên là ở chỗ phải xác định cho được mối quan hệ giữa việc kiếm sống (mưu sinh) với việc phụng sự người bệnh trong hành nghề của thầy thuốc.
Nhưng trước khi xác định được mối quan hệ này thì điều mà chúng ta phải thay đổi trong nhận thức là có công nhận mục đích và động cơ kiếm sống khi hành nghề của người thầy thuốc hay không. Nếu không khẳng định và công nhận điều này mà cứ né tránh đề cập đến nó thì người thầy thuốc không thể yên tâm khi hành nghề và mọi cách nói về y đức cũng sẽ dừng lại ở mức lý thuyết chung chung (thậm chí giáo điều và duy ý chí). Trước đây có tình trạng (và có thể hiện nay vẫn còn) chúng ta né tránh vấn đề lợi ích vì sợ nó động chạm đến quan điểm cá nhân, đòi hưởng thụ. Mặt khác có việc e ngại nói việc này vì trong lịch sử khi xã hội chưa có phân cách giầu nghèo thì nghề y không được xem là nghề kiếm sống; những người hành nghề này đều được xã hội xem như là những người “cứu nhân độ thế”, cứu vớt khổ đau của con người chứ không có ý thức tìm kiếm tiền bạc và lời lãi trên sự đău khổ của con người. Nhưng hiện nay không thể không nói đến và công nhận vấn đề lợi ích của thầy thuốc vì những lẽ sau đây : (1) Nhà nước không thể duy trì bao cấp toàn bộ cho y tế trong đó có cả việc lo thu nhập cho thầy thuốc.(2) Sự đa dạng hóa về hình thức sở hữu kinh tế trong y tế (bên cạnh y tế nhà nước còn có y tế tư nhân và y tế có nguồn vốn đầu tư nước ngoài..),(3) những quy luật của kinh tế thị trường không khỏi ảnh hưởng đến có chế vận hành y tế như lời lãi, hạch toán, thu đủ chi, tự chủ….(4) sự phân hóa giầu nghèo trong xã hội dẫn đến người thầy thuốc cũng muốn vươn lên làm giầu như những người thuộc nghề nghiệp khác; mặt khác những người giầu trong xã hội lại có những yêu cầu riêng về chăm sóc sức khỏe khác với người nghèo làm cho thầy thuốc cũng không thể không nghĩ đến việc đáp ứng những yếu cầu của người giầu để nhận được thu nhập cao hơn cho bản thân mình..
Hiện nay việc công nhận rằng động cơ kiếm sống là một động cơ chinh đáng của thầy thuốc một mặt tạo ra sự yên tâm cho họ trong hành nghề, mặt khăc lại có cơ sở để yêu cầu họ xác định mối quan hệ giữa kiếm sống và việc phụng sự người bệnh (quan hệ giữa mưu sinh và hy sinh).
Cũng liên quan đến vấn đề này phải khẳng định và giáo dục cho thầy thuốc rằng: dù công nhận động cơ kiếm sống là một động cơ chính đáng, thì dù cho băt luận hoàn cảnh nào thầy thuốc cũng phải đặt việc phụng sự sức khỏe, tính mạng người bệnh lên trên quyên lợi của cá nhân mình; nói cách khác là phải đặt sự hy sinh lên trên sự mưu sinh. Vì hai lý do: (1). Đây chính là mục đích hành nghề: nghề này phụng sự những người mang bệnh và vì tính mạng và sức khỏe của họ, (2). Hơn thế, đây lại là điều kiện để hành nghề và cũng là điều kiện để kiếm sống (nếu không làm như vậy, người bệnh sẽ sợ hãi và không đến với thầy thuốc thì làm sao có điều kiện để hành nghề và kiếm sống). Nếu chỉ đề cập đến lý do thứ nhất thì chưa đủ và chưa phù hợp với thời nay, mà cần đề cấp đến cả hai lý do. Vì vậy có thể đi đến kết luận rằng: Ngày nay trong hành nghề, thầy thuốc có quyền lo việc kiếm sống, nhưng dù thế nào đi nữa trong mọi hoàn cảnh thầy thuốc phải đặt việc cứu chữa tính mạng, sức khỏe người bệnh lên trên mục đích kiếm sống. Chỉ có như vậy thầy thuốc mới có cơ hội để hành nghề và kiếm sống.
Thầy thuốc có thể kiếm sống thông qua hành nghề, nhưng có nên để thầy thuốc hoàn toàn tự lo kiếm sống hay không? Vai trò và trách nhiệm của xã hội là gì? Có cần “bàn tay” của xã hôi để điều hòa việc kiếm sống ấy hay không? Câu trả lời là rất cần. Vì: (1), Sức khỏe tuy là hàng hóa những không thể xem đó là hàng hóa như mọi loại hàng hóa khác. Đây là hàng hóa đặc biệt; trong sự trao đổi giữa thầy thuốc và người bệnh không phải cứ đem mọi quy luật kinh tế áp dụng nguyên xi vào các dịch vụ này mà sẽ mang đến thành công. (2). Nếu để thầy thuốc tự do kiếm sống thì tất yếu dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thầy thuốc với nhau và tai họa lai rơi vào không ai khác, đó chính là người bệnh. (3). Một hậu quả khôn lường của việc để thầy thuốc tự kiếm sống hoàn toàn là trong tương lai chính thầy thuốc lại trở thành lực cản của mọi cải cách y tế theo hướng công bằng, nhân đạo; thậm chí dấn đến đổ vỡ nền y tế. Chính vì vậy các nước đều phải đặt lên bàn những câu hỏi như quan hệ công tư là thế nào, lương của thầy thuốc làm trong các cơ sở nhà nước có nên gấp 2 hay 3 lần lương của các ngành nghề khác hay không. Vấn đề ấy xin được bàn kỹ trong những chủ đề khác.
Cũng liên quan đến việc kiếm sống của thầy thuốc, còn có một câu hỏi khác: thầy thuốc có nên làm giầu bàng mọi cách bằng hành nghề hay không? Câu trả lời là không. Vì: (1). nếu làm giầu bằng mọi cách thông qua hành nghề chữa bệnh thì sẽ dẫn đến một động cơ sai lầm và trái với nguyên lý nhân đạo của nghề nghiệp, đó là mong có nhiều khách hàng tức là mong có nhiều người ốm và ốm càng lâu càng tốt và càng có cơ hội làm giầu cho bản thân thầy thuốc. (2). Sẽ làm cho thầy thuốc có sự pha trộn giữa tư duy khoa học ( tìm cách khám chữa bệnh tốt nhất) với tư duy làm giầu ( kiếm tiền từ người bệnh) và tất yếu sẽ dễ dàng dẫn đến những tai họa về sai sót y khoa mà bản thân nghề y vốn đã là một nghề dễ có sai sót. (3). Kinh nghiệm trọng lích sử cho thấy, chưa có ai trên thế giới trở thành tỷ phú bàng nghề khám chữa bệnh.
2. Vấn đề mấu chốt thứ hai là gắn kết chặt chẽ việc giáo dục y đức với việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong y học (mà chúng tôi gọi tắt là y nghiệp).
Vì sao phải gắn kết việc giáo dục y đức với việc nâng cao y nghiệp? Sở dĩ như vậy là vì: (1). Trước hết nghề y về đại thể là một nghề mang tính thực hành rất cao và đòi hỏi mọi động tác, mọi cách xử trí phải khoa học và chuẩn xác. Bởi vậy không thể đánh giá một thầy thuốc có y đức tốt trong khi các động tác kể cả cách ứng xử của họ lại cẩu thả và luộm thuộm. (2). Ngày nay, y học tiến bộ rất nhanh chóng, những công nghệ cao ngày càng được áp dụng vào khãm chữa bệnh làm cho công việc này đạt hiệu quả cao hơn trước rất nhiều. Nhưng công nghệ cáng cao bao nhiêu thì lại càng đòi hỏi sự vận hành chuẩn xác bấy nhiêu (kể cả việc chỉ định lẫn thao tác). (3). Khi nhìn vào thực tế của y tế Việt Nam thì có thể nhận định rằng tính chuyên nghiệp của y tế Việt Nam chưa cao về nhiều mặt và trong nhiều hoạt động (cả chuyên môn lẫn không cuyên môn): chưa cao cả về tổ chức, thao tác kỹ thuật và cả về cách xử trí, ứng xử. Người dân thường nhìn thấy những biểu hiện của tính không chuyên nghiệp đó, do vậy mà thiếu niềm tin vào thầy thuốc, thậm chí coi thường một số thầy thuốc. Tính chuyên nghiệp nên được hiểu một cách toàn diện, bao gồm cả kiến thức, tác phong thao tác thực hành, tính tổ chức và kỷ luật, cách ứng xử với các vấn đề xảy ra trong khi hành nghề… chứ không nên hiểu đơn giản chỉ là máy móc hiện đại.
Với những lý do trình bầy trên đây, chúng tôi cho rằng chúng ta cần đổi mới việc nhận thức và rèn luyên y đức cho phù hợp với tình hình hiện nay để tránh rơi vào cách giáo dục mang tính cũ kỹ thời bao cấp và không còn hiệu quả. Nhân kỷ niệm lần thứ 60 ngày Bác Hồ gửi thư cho cán bộ ngành Y tế và sau này (1983) được Chính phủ lấy làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, mỗi thầy thuốc cần suy ngẫm và xác định cho mình quyết tâm rèn luyện y đức để sao cho xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác và của Nhân dân trong giai đoạn hiện nay: giai đoạn xây dựng nền y tế trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học các ban Đảng Trung ương