Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 11/2/2015 22:50'(GMT+7)

Cuộc chiến ở U-crai-na đưa Châu Âu tới trước nguy cơ Chiến tranh thế giới lần thứ III

Chiến sự ở U-crai-na ngày một leo thang

Chiến sự ở U-crai-na ngày một leo thang

Mỹ và Châu Âu bất đồng quan điểm về khả năng cung cấp vũ khí cho U-crai-na

Để hóa giải cuộc nội chiến ở U-crai-na đang trong tình thế lan rộng, nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong giới cầm quyền ở Mỹ chủ trương cung cấp vũ khí trang bị hiện đại cho Quân đội U-crai-na theo yêu cầu của Chính quyền Ki-ep.

Trả lời phỏng vấn các nhà báo tại Hội nghị an ninh quốc tế Mu-nich  vừa kết thúc ở CHLB Đức, Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa, ông Giôn Mắc Kên (John McCain), đã lên tiếng chỉ trích đường lối ôn hòa của Chính quyền Bec-lin trong vấn đề cung cấp vũ khí cho U-crai-na và kêu gọi Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) “phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa”, có nghĩa là viện trợ vũ khí hiện đại cho Quân đội U-crai-na. Khi được biết, Quân đội U-crai-na sử dụng bom chùm-một loại vũ khí bị quốc tế cấm, để tiêu diệt các lực lượng dân quân ở miền đông U-crai-na, ông Giôn Mắc Kên biện minh rằng sở dĩ Quân đội U-crai-na sử dụng loại vũ khí này là “do Mỹ không cung cấp các loại vũ khí hiện đại cho chính quyền Ki-ep” (!?).

Trong khi đó, phát biểu tại diễn đàn Hội nghị an ninh quốc tế Mu-nich, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà U-xu-la phôn-đơ Lai-en (Ursula von der Leyen), khẳng định việc cung cấp vũ khí cho U-crai-na “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”, sẽ khiến nội chiến lan rộng. Theo bà Lai-en, việc Mỹ cung cấp vũ khí cho quân đội U-crai-na sẽ đẩy xung đột tại miền Đông leo thang. Bà Lai-en nhấn mạnh rằng, Nga có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm biện pháp giải quyết xung đột ở U-crai-na trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa chính quyền Ki-ep và lực lượng yêu cầu được trao quyền độc lập nhiều hơn ở  miền Đông và tuân thủ nguyên tắc bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của U-crai-na.

Thủ tướng Đức An-giê-la Mec-ken đã từng tuyên bố, Bec-lin sẽ không chuyển giao vũ khí cho U-crai-na, đồng thời khẳng định giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Theo bà An-giê-la Mec-ken, vũ khí không thể hóa giải được mọi cuộc xung đột mà chỉ dẫn tới kết quả sẽ là một cuộc chạy đua vũ trang, trong đó các nhà sản xuất vũ khí chính là những kẻ chiến thắng.

Trong chuyến thăm Mỹ ngày 8-2-2015, Thủ tướng Đức An-giê-la Mec-ken một lần nữa thể hiện rõ quan điểm kiên quyết phản đối sử dụng giải pháp quân sự cho vấn đề U-crai-na và cảnh báo việc cung cấp vũ khí sẽ chỉ khiến nội chiến leo thang tại miền Đông nước này. Bà An-giê-la Mec-ken còn cho biết, chưa thể bảo đảm Hội nghị cấp cao 4 bên Đức, Nga, Pháp và U-crai-na tổ chức vào ngày 11-2-2015 tại thủ đô Min-xcơ của Bê-la-rut sẽ thành công. Thủ tướng An-giê-la Mec-ken còn giải thích thêm: “Kể cả khi vấp phải nhiều thử thách song chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi giải pháp ngoại giao, còn hành động đơn phương của Mỹ cung cấp vũ khí cho U-crai-na không phải là điều mà Châu Âu mong đợi”

Do đâu Châu Âu phản đối giải pháp quân sự ở U-crai-na?

Theo nhiều chuyên gia quân sự và chính trị ở Nga và Châu Âu, sở dĩ một số thế lực ở Mỹ chủ trương áp dụng giải pháp quân sự ở U-crai-na là do họ muốn biến quốc gia này thành chiến trường trong một cuộc chiến tranh địa-chính trị nhằm các mục đích: (1) kiềm chế sự phát triển của nước Nga; (2) chia rẽ mối quan hệ đối tác Nga-EU, làm phá sản đề án mà Tổng thống Nga V.Pu-tin hằng ấp ủ là xây dựng không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á-Âu trên cơ sở liên kết Liên minh Á-Âu với EU; (3) làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền; (4) làm suy yếu các nước Châu Âu, buộc các quốc gia trên “lục địa già” ngày càng phụ thuộc vào Mỹ cả an ninh lẫn kinh tế.

Một khi Mỹ cung cấp vũ khí cho chính quyền Ki-ep, nội chiến ở U-crai-na sẽ lan rộng trên toàn lãnh thổ. Giới phân tích nhận định, trong trường hợp đó, sẽ bùng phát làn sóng di cư ồ ạt của hàng chục triệu người dân U-crai-na miền Tây đang ấp ủ “giấc mơ Châu Âu” chạy sang lánh nạn trên lãnh thổ các nước thành viên EU. Trong số hàng triệu người dân U-crai-na chạy lánh nạn này có không ít các phần từ phát xít mới và đi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đây sẽ là một thảm họa đối với các nước Châu Âu vốn đang lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và đang bị tác động ngược từ các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga, lại đang phải đối mặt với nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít mới. Chính do lo ngại về thảm họa này mà nhiều nước Châu Âu, trước hết là Đức và Pháp, kiên quyết phản đối việc chuyển giao vũ khí cho chính quyền U-crai-na.

Châu Âu trước nguy cơ Chiến tranh thế giới lần thứ III

Tuy nhiên, mối lo ngại của các nước Châu Âu không chỉ dừng lại ở “thảm họa nhân đạo” nói trên. Điều đáng lo ngại hơn là một số thế lực tài phiệt ở bên kia bờ Đại Tây Dương đang mưu toan sử dụng U-crai-na để châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lớn, thậm chí là Chiến tranh thế giới lần thứ III, giữa lòng Châu Âu.

Để “giải mã” những toan tính đầy phiêu lưu và hiểm hoạn này, giới nghiên cứu đã nhìn lại nguyên nhân dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ I và Chiến tranh thế giới lần thứ II trong thế kỷ XX.

Theo giới nghiên cứu lịch sử chiến tranh và kinh tế thế giới, nguyên nhân dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ I là cuộc chiến giữa các tập đoàn tài phiệt trên hai bờ Đại Tây Dương mà hạt nhân lãnh đạo của họ là đế chế tài chính-ngân hàng Moc-gan (Morgan) ở Mỹ và tập đoàn tài phiệt Rôt-chơn (Rothschild) tại châu Âu hình thành từ cuối thế kỷ XVIII.

Đứng đằng sau phát động Chiến tranh thế giới lần thứ I, đế chế tài chính-ngân hàng Moc-gan đặt mục đích tái cấu trúc căn bản cục diện chính trị trong không gian Châu Âu nhằm nâng cao đáng kể khả năng của các nhà tư bản trong việc tiếp tục bóc lột các nước ở lục địa này. Để đạt mục đích đó, họ sử dụng Chiến tranh thế giới lần thứ I để loại bỏ các cường quốc ở châu Âu thời đó tự coi mình là các đế chế, chủ yếu là các nước Đức, Nga, Áo-Hung và Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết cục của cuộc chiến này đã tạo ra những biến cố hết sức bất ngờ và không thể chấp nhận được đối với các chủ ngân hàng-tài chính ở Châu Âu, trước hết là tập đoàn tài phiệt Rôt-chơn. Đối tác trước đây của Rôt-chơn là các nhà tài phiệt Mỹ, trước hết là tập đoàn tài chính Moc-gan, đã giàu lên tới mức không thể tưởng tượng được sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ I. Sau chiến tranh, các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ bắt đầu tranh giành vị thế dẫn đầu thế giới, đẩy lùi ảnh hưởng của tập đoàn tài phiệt Rôt-chơn trên phạm vi toàn cầu. Nếu trước Chiến tranh thế giới lần thứ I Mỹ nợ châu Âu 6 tỉ USD, thì vào cuối cuộc chiến này, Châu Âu đã phải nợ Mỹ 10 tỉ USD. Để có thể nhận thấy rõ hơn ý nghĩa của những con số này vào thời gian đó, cần thấy rằng 1 USD vào năm 1918 có giá trị bằng 100 USD vào năm 1999.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ I diễn ra cuộc chiến quyết liệt giữa các tập đoàn tài phiệt Mỹ và Châu Âu, trong đó cuộc chiến chủ yếu diễn ra tại Hội nghị quốc tế Vec-xây (Versailles, Pháp) năm 1919. Trong quá trình hội nghị này, Tổng thống Mỹ Vut-rô Uy-xơn (Vudro Willson) đưa ra ý tưởng thành lập “Hội quốc liên”. Theo ý đồ của các trùm tài phiệt Mỹ, Hội quốc liên sẽ là một “chính phủ thế giới” có chức năng quản lý toàn cầu nhằm phục vụ các lợi ích của Mỹ. Đánh giá về các kế hoạch này của Mỹ, trong các văn kiện của Đại hội lần thứ 2 và thứ 3 Quốc tế cộng sản đã đưa ra nhận xét rằng, bằng cách thành lập Hội quốc liên, tập đoàn tài phiệt Mỹ theo đuổi tham vọng buộc các nước và các dân tộc ở Châu Âu cũng như ở các châu lục khác phụ thuộc vào “cỗ xe bằng vàng” dưới sự dẫn dắt của Oa-sinh-tơn. Hội quốc liên cần phải trở thành một kiểu công ty độc quyền trên phạm vi thế giới do Oa-sinh-tơn kiểm soát.

Tuy nhiên, Hội quốc liên do Mỹ chủ trương thành lập năm 1919 đã bị Anh và Pháp phản đối quyết liệt. Vì thế, Mỹ rút khỏi Hội quốc liên và trong những năm 1919-1939, trên thực tế, tổ chức này là một cơ quan liên chính phủ của giới tài phiệt Châu Âu. Đánh giá về mối quan hệ giữa Mỹ và Châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ I, V.I. Lê-nin nhận xét: “Mỹ không thể dung hoà với châu Âu bởi giữa họ đang diễn ra cuộc chiến tranh kinh tế sâu sắc nhất, trong đó người Mỹ giàu lên nhanh hơn so với các nước khác”.

Để đánh chiếm các vị trí then chốt trên thế giới, sau thất bại tại Hội nghị Vec-xây năm 1919, Mỹ bắt đầu chú ý đến những nước lớn khác trên thế giới không chấp nhận kết cục Chiến tranh thế giới lần thứ I như Đức, Nhật Bản, I-ta-li-a và Nga. Tư lệnh quân đội Mỹ ở Đức, tướng G.A-len, đã từng có nhận xét về nước Đức vào ngày 15-01-1920 trong nhật ký riêng như sau: “Đức là một nhà nước có nhiều khả năng nhất trong việc đập tan chủ nghĩa cộng sản, do đó việc mở rộng nước Đức sang lãnh thổ Nga sẽ thu hút người Đức về phía Đông và làm giảm căng thẳng trong các mối quan hệ với Tây Âu. Theo quan điểm của Mỹ, nước Đức rất mạnh vào hồi đó và bị phụ thuộc vào nền tài chính Mỹ, sẽ được Mỹ ủng hộ để trở thành lực lượng vũ trang chủ chốt và là công cụ của Mỹ ở Châu Âu. Vì thế, Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch kiểm soát nước Đức thông qua các lực lượng chính trị mới nổi lên. Đó là Đảng xã hội-dân tộc Đức, hay còn gọi là Đảng quốc-xã Đức, đứng đầu là Hit-le.  

Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, các tập đoàn tài phiệt Mỹ thực hiện cái gọi là “Kế hoạch Đa-vít” do nhà tài phiệt Mỹ Đa-vít (Dawes) đề xuất sáng kiến. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch Đa-vit là Mỹ và Anh sẽ viện trợ tài chính cho nước Đức dưới dạng tín dụng bồi thường chiến tranh. Trong những năm 1924-1929, nước Đức nhận được từ Mỹ 2,5 tỉ USD và từ Anh 1,5 tỉ USD, để xây dựng nền công nghiệp, tái trang bị toàn bộ cơ sở vật chất, đổi mới toàn bộ thiết bị công nghệ, tạo cơ sở để phục hồi ngành công nghiệp quân sự trong tương lai. Tổng kết kế hoạch Đa-vít vào năm 1929, Hô-răc Gret-li Sac (Horace Greeley Schacht), một chủ ngân hàng Đức đã từng nhận xét: “Sau 5 năm, Đức đã nhận được những khoản vay lớn từ nước ngoài tương đương với khoản vay của Mỹ trong suốt 60 năm trước khi diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ I. Năm 1929, khối lượng đầu tư của Mỹ vào Đức chiếm 70% tổng khối lượng đầu tư nước ngoài mà phần lớn trong số đó thuộc tập đoàn tài chính Moc-gan của Mỹ”. Còn Ran-phơ (Ralf), một nhà nghiên cứu Mỹ, khi đánh giá kết quả của Kế hoạch Đa-vit, đưa ra nhận định: “Nếu không có đầu tư tài chính của các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ thì cũng không thể có Hit-le và cũng không có Chiến tranh thế giới lần thứ II. Năm 1929, toàn bộ nền công nghiệp của Đức thuộc về quyền kiểm soát của các tập đoàn tài chính và công nghiệp của Mỹ. Trong đó, tập đoàn tài phiệt Rôc-phe-lơ (“Rockefeller), chủ nhân của công ty dầu mỏ Xtan-đat Ôi-lơ (Standart Oil), kiểm soát toàn bộ nền công nghiệp khai thác dầu mỏ của Đức và ngành công nghiệp sản xuất dầu mỏ tổng hợp từ than đá.

Tập đoàn ngân hàng Moc-gan của Mỹ còn kiểm soát toàn bộ nền công nghiệp hoá chất, 40% mạng điện thoại của Đức, 30% cổ phiếu của Công ty chế tạo máy bay Phốc-ke Phun (Focke-Wulf) cũng của Đức. Ngoài ra, tập đoàn Moc-gan còn kiểm soát ngành công nghiệp vô tuyến và kỹ thuật điện tử của Đức, trước hết là kiểm soát các công ty AEG, Siemens, Osram và nhiều công ty công nghiệp ô tô của Đức. Năm 1937, Mỹ chiếm 7,1% lãnh thổ, 6,5% dân số thế giới, sản xuất 41,4% sản phẩm công nghiệp của toàn thế giới và chiếm 62% dự trữ vàng thế giới với giá trị 28 tỉ USD. Với sức mạnh như vậy, Mỹ theo đuổi tham vọng bá chủ thế giới.

Tính đến thời điểm Hit-le lên cầm quyền, các ngành công nghiệp then chốt của Đức như chế biến dầu mỏ, sản xuất nhiên liệu tổng hợp, hoá chất, chế tạo ô tô, chế tạo máy bay, kỹ thuật điện, chế tạo thiết bị vô tuyến điện tử, phần lớn ngành chế tạo máy thuộc quyền kiểm soát thuộc các tập đoàn tài phiệt của Mỹ. Tính tổng cộng, có tới 278 công ty và hãng như các ngân hàng then chốt của Đức đều thuộc quyền kiểm soát của các tập đoàn tài phiệt Mỹ. Sau khi Đức Quốc xã có được tiềm lực quân sự cần thiết, mùa xuân năm 1939 Mỹ bắt đầu ráo riết thực hiện kế hoạch sử dụng Hit-le phát động cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Sau khi Đức bất ngờ tiến công Liên Xô, kịch bản diễn biến tiếp theo của các sự kiện đã được Thượng nghị sĩ của Đảng dân chủ, ông  Ha-ri Tru-man (Harry Truman), trình bày rõ vào mùa thu năm 1941: “Nếu chúng ta nhận thấy Đức giành chiến thắng, chúng ta phải giúp đỡ Nga. Còn nếu Nga giành chiến thắng, chúng ta phải giúp đỡ Đức. Bằng cách đó chúng ta để họ tiêu diệt lẫn nhau”.

Vì thế, trước khi Liên Xô mở chiến dịch quyết chiến chiến lược tấn công vào sào huyệt của Hit-le ở Bec-lin, các cơ quan tình báo của Liên Xô đã khám phá âm mưu của một số thế lực ở Mỹ và Anh bí mật thu hồi vũ khí chiến lợi phẩm của Đức, tập trung lại và chuẩn bị một cuộc chiến khác chống lại Liên Xô vào những ngày cuối cùng của chiến tranh. Để thực hiện âm mưu đó, họ còn định thu thập đám tàn quân của phát-xít Đức để thành lập các sư đoàn ở phía Nam Đan Mạch nhằm sử dụng về sau này. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Anh Sơc-sin (Churchill) cho rằng Liên Xô đã hoàn thành vai trò của họ và giờ đây Phương Tây cần lo liệu trước để trừ "hậu hoạ cộng sản" trong thời kỳ hậu chiến.

Theo những cứ liệu do ông Va-len-tin Pha-lin (Valentin Phalin), tiến sĩ khoa học lịch sử, và ông Vich-to Li-tô-kin (Victor Litovkin), bình luận viên quân sự của Hãng thông tấn "Novosti" của Nga, công bố gần đây nhất chứng tỏ rằng, Chiến dịch Bec-lin trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh do Phương Diện quân số 1 của Hồng quân Liên Xô tiến hành dưới sự chỉ huy của Tướng Giu-côp, không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự là đập tan sào huyệt cuối cùng của phát-xít Đức mà còn ý nghĩa chiến lược chính trị vô cùng quan trọng là ngăn chặn và phá tan âm mưu bí mật và đầy phiêu lưu của một số thế lực ở Phương Tây điên cuồng chống Liên Xô. Nếu âm mưu này không được ngăn chặn, có thể dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ III giữa một bên là Liên Xô và bên kia là một số thế lực trong hàng ngũ đồng minh của họ trong cuộc chiến chống chủ nghiã phát-xít cùng với đám tàn quân của Hit-le. Đó là lý do vì sao Chiến tranh lạnh mở màn ngay sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc (1).  

Cuộc chiến ở U-crai-na có thể châm ngòi Chiến tranh thế giới lần thứ III

Lúc này, cuộc khủng hoảng U-crai-na đã trở thành chiến trường trong cuộc chiến tranh địa-chính trị do Phương Tây tiến hành để chống phá Nga bởi nước Nga dưới thời Tổng thống Nga V.Pu-tin là vật cản lớn nhất đối với tham vọng bá chủ thế giới của Mỹ sau Chiến tranh lạnh. Chính V.Pu-tin trong bài tham luận tại Hội nghị an ninh quốc tế Mu-nich năm 2007 là chính khách đầu tiên trên thế giới tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo bởi theo ông trật tự đó không có gì chung với dân chủ và đã từng đưa thế giới lâm vào chuỗi dài các cuộc chiến tranh, xung đột và khủng hoảng như đã từng được chứng tỏ trong hai thập kỷ sau Chiến tranh lạnh.

Tình hình ở U-crai-na hiện nay tương đồng với tình hình nước Đức đầu những năm 1930. Nếu trong những năm 1930, các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ nuôi dưỡng và đưa Hit-le lên cầm quyền, sau đó sử dụng bố máy quân sự của Đức Quốc xã tiến hành Chiến tranh thế giới lần thứ II, thì hiện nay họ đang ủng hộ toàn diện cho các lực lượng quốc xã mới và dân tộc cực đoan lên cầm quyền ở U-crai-na và sử dụng lực lượng này chống phá Nga. Vì thế mà trong chuyến thăm Đức gần đây, Thủ tướng U-crai-na Y-a-se-nhuc tuyên bố rằng “nước Đức và U-crai-na đều bị Liên Xô xâm lược trong Chiến tranh thế giới lần thứ II (!?).

Để phát động chiến tranh chống phá Nga, các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ và các lực lượng phát xít mới ở U-crai-na đang biến nước Nga thành “kẻ xâm lược”, thành “nguy cơ đối với an ninh quốc tế”. Nếu không ngăn chặn những toan tính nguy hiểm này, U-crai-na có thể châm ngòi cho Chiến tranh thế giới lần thứ III ở Châu Âu. Có lẽ, lãnh đạo nhiều nước Châu Âu đã nhận ra hiểm họa này và họ kiên quyết phản đối việc cung cấp vũ khí hiện đại cho chính quyền U-crai-na.

Để loại trừ nguy cơ chiến tranh lớn ở Châu Âu, Tổng thống Nga V.Pu-tin một mặt chủ trương đối thoại với Mỹ và các nước Phương Tây để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, mặt khác chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng để sẵn sàng đập tan các kế hoạch phiêu lưu quân sự nguy hiểm của NATO. Báo “Granma”, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cu-ba, trong bài viết với tiêu đề “Nước Nga:chiến lược của Putin”, đã nhận định: “Công lao lớn nhất của nước Nga hiện nay cũng như Tổng thống V.Pu-tin là đã ngăn chặn được nguy cơ bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ III trong điều kiện nước Nga bị bao vây, cấm vận buộc Matxcơva phải có hành động đáp trả thích đáng” (2)./.

Tài liệu tham khảo

1.Как американские банкиры развязали Вторую мировую войну

http://maxpark.com/community/13/content/1861427)

2. Главная газета Кубы подчеркнула заслугу Путина в предотвращении мировой войны

http://vz.ru/news/2015/1/24/725964.html

TG

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất